Thứ hai, 06/05/2024, 11:47 [GMT+7]

Lai Châu: Sâu bệnh gây hại trên diện rộng

Thứ tư, 22/08/2012 - 15:31'
(BLC) - Do thời tiết nắng nóng đan xen mưa lớn kéo dài đã tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh gây hại phát triển mạnh như: sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh đạo ôn, khô vằn.

Vụ mùa năm nay toàn tỉnh gieo cấy trên 18.000ha lúa. Đến thời điểm này trà lúa sớm đang trong giai đoạn vào hạt, chín sữa, trà chính vụ và trà muộn đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ, đứng cái và trỗ bông. Tuy nhiên, những ngày gần đây, do thời tiết diễn biến bất thường nên đã xuất hiện một số sâu bệnh gây hại với diện tích hơn 2.000ha. Trong đó nhiều nhất là diện tích nhiễm sâu cuốn lá 1.286ha, đạo ôn 171ha (đã phun thuốc trừ), khô vằn 161ha, bạc lá 220ha (đã phòng trừ 150ha).

Nông dân xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên phun thuốc phòng trừ sâu bệnh.

Rút kinh nghiệm từ những vụ trước, ngay khi phát hiện bướm và sâu cuốn lá nhỏ, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng các phương án phòng trừ, khuyến cáo đến nông dân. Đồng thời, chỉ đạo trạm bảo vệ thực vật các huyện, thị xã phối hợp cùng với chính quyền địa phương đôc đốc bà con nông dân chủ động thăm đồng và sử dụng các biện pháp phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại tránh để lây lan ra diện rộng.

Hiện nay, nông dân các huyện đã tiến hành phun phòng trừ được trên 440ha. Theo Chi Cục bảo vệ thực vật tỉnh thì sâu cuốn lá lứa 6 này nếu không phòng ngừa kịp thời thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất của lúa, bởi đây là thời điểm phần lớn diện tích lúa trong giai đoạn đẻ nhánh rộ và làm đòng.

Cùng với đó, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, huyện cử cán bộ bám sát địa bàn để kịp thời nắm bắt tình hình hướng dẫn người dân hiểu rõ hơn về triệu chứng của sâu cuốn lá; hướng dẫn người dân cách sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh. Khi mật độ sâu ở mức 50 – 100 con/m2 đối với giai đoạn lúa đẻ nhánh và 20 – 50 con/m2 khi lúa ở giai đoạn trỗ đòng tiến hành phối trộn 2 loại thuốc Sieufatox 36EC và Techimex 50WG với liều lượng nhất định. Nhưng nếu mật độ sâu vượt ngưỡng nếu trên thì cần phải phun kép hai lần và cách nhau từ 3 - 5 ngày cho 1 lần phun.

Nên chọn ngày tạnh ráo để phun thuốc và hiệu quả nhất khi sâu từ 1  – 3 tuổi. Nếu quá tuổi trên việc phun thuốc sẽ không hiệu quả vì lúc này sâu đã bước vào giai đoạn cuốn kén. Khi phun thuốc phòng trừ để đạt hiệu quả cao cần chú ý một số yếu tố: phun khi sâu còn nhỏ tuổi, phun đủ lượng nước, phun luân phiên vì sâu cuốn lá kháng thuốc nhanh, phun vào lúc sáng sớm hay buổi chiều mát.

Theo dự báo của cơ quan chức năng thì từ nay đến 23/8 là thời gian sâu cuốn lá tiếp tục nở rộ và khuyến cáo người dân nên phun phòng trừ ngay và kết thúc việc phun phòng trừ trước ngày 27/8 khi sâu chưa bước sang tuổi 4 (tuổi sâu cuốn kén).

Bà Trương Thị Nhàn – Phó Chi Cục trưởng Chi Cục bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “So với vụ chiêm xuân thì việc phòng trừ sâu bệnh trên lúa mùa gặp nhiều khó khăn hơn bởi đây là những tháng mùa mưa, thời điểm thuận lợi cho sâu bệnh gây hại sinh trưởng và phát triển. Để việc phòng ngừa sâu bệnh đạt hiệu quả, bà con cần phải làm tốt tất cả các khâu như: diệt trừ mầm mống gây bệnh từ khâu làm đất, gieo cấy đến quá trình chăm sóc. Bên cạnh đó, việc thường xuyên thăm đồng và phun thuốc phòng ngừa đúng quy trình, kịp thời là điều kiện quan trọng để cây lúa sinh trường phát triển tốt…”.

 

Kim Oanh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...