Chủ nhật, 05/05/2024, 15:45 [GMT+7]

Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam: Chống hàng lậu để bảo vệ thương hiệu Việt

Thứ tư, 15/08/2012 - 08:39'
Tình trạng hàng lậu giá rẻ, chất lượng thấp ồ ạt "tuồn" vào thị trường trong nước đã, đang tác động tiêu cực đến Cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". 

Chống hàng lậu là một trong những nhiệm vụ tiên quyết để hàng Việt chất lượng cao đến với người tiêu dùng (NTD). Tuy nhiên, để hàng nhập lậu không còn chỗ đứng trên thị trường, mỗi DN cần nỗ lực nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho sản phẩm của mình.

Người tiêu dùng ngày càng ưa thích sử dụng quần áo “Made in Vietnam”. Ảnh: Linh Tâm

CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Qua CVĐ, hàng "Made in Vietnam" đã tìm được chỗ đứng trong lòng người Việt Nam. Theo tổng kết của Công ty Nghiên cứu thị trường định hướng, trước khi có CVĐ, 77% NTD trong nước ưa chuộng hàng nhập khẩu, 23% tin dùng các sản phẩm trong nước. Nhưng, đến nay đã có 71% NTD tin dùng hàng Việt Nam chất lượng cao. Bên cạnh đó, nhiều DN đã chủ động trong việc xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường theo định hướng lâu dài, bền vững. Đồng thời, chú trọng đầu tư cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã, giảm giá thành và tăng cường quảng bá thương hiệu…

Tuy nhiên, một trong những khó khăn khi DN phát triển thị trường nội địa là phải cạnh tranh với hàng giả, hàng nhái. Nếu không ngăn chặn được hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả… sự "sống còn" của DN "nội" có nguy cơ bị đe dọa ngay tại "sân nhà". Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tình hình buôn lậu đang ngày càng phức tạp. Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 81.105 vụ, xử lý 45.136 vụ vi phạm buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả… Tổng số tiền thu hơn 150,2 tỷ đồng. Chỉ riêng tại Hà Nội, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý gần 4.000 vụ. Trên thực tế, những con số này chưa thể thống kê hết các vụ buôn lậu, vì hàng lậu được "đội lốt" dưới nhiều chiêu thức tinh vi để đối phó với các lực lượng chức năng. Chưa kể, một lượng lớn hàng hóa được thẩm thấu vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch, du lịch mà không có sự kiểm soát chặt chẽ từ các lực lượng chức năng. Được biết, bình quân mỗi ngày có hàng chục tấn hàng hóa nhập lậu được vận chuyển qua biên giới, tiểu thương chỉ cần cho mã số thuế và số lượng là hàng sẽ đến tận nơi kèm chứng từ, hóa đơn đầy đủ. 

Tình hình buôn lậu thời gian qua diễn ra phức tạp, ngày càng tinh vi và khó lường. Các hành vi buôn lậu như khai khống, khai sai tên, số lượng, trọng lượng, giá trị hàng hóa xuất khẩu để hưởng hoàn thuế giá trị gia tăng đã tăng lên nhanh chóng. Quy mô hoạt động buôn lậu mở rộng và có tính chất tổ chức cao hơn, xuất hiện nguy cơ móc nối của các đối tượng buôn lậu trong, ngoài nước. Hiện một số cửa khẩu chỉ có trạm cân 10-15 tấn, nhưng có những xe hàng lớn đến 40 tấn vẫn được thông quan. 

Thực tế cho thấy, cách thức chống buôn lậu thời gian qua mới chỉ xử lý được chủ yếu trên khâu lưu thông, khi có tình hình phức tạp hoặc tiến hành ngăn chặn ở những điểm "nóng". Trong khi đó, các đầu nậu thường xuyên thay đổi cách thức hoạt động và thủ đoạn cũng ngày càng tinh vi hơn. Vì vậy, các lực lượng chức năng cần siết chặt kiểm soát hàng hóa ngay từ biên giới, tránh quản lý theo kiểu "thả gà ra đuổi". Đồng thời, tăng cường dự báo, kiểm soát các tuyến đường vận chuyển hàng lậu… Vấn đề quan trọng nhất để ngăn chặn hàng lậu phải là nâng được sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước với hàng nhập khẩu về chất lượng, giá thành, bảo đảm cung - cầu. Đồng thời, xây dựng mạng lưới phân phối rộng khắp các tỉnh, thành phố để hàng lậu không còn chỗ đứng trên thị trường. 

Việc chống hàng giả, hàng kém chất lượng không chỉ để bảo vệ NTD và sự công bằng trong sản xuất, mà còn bảo vệ các thương hiệu của DN Việt Nam.

Theo Hanoimoi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...