Thứ năm, 02/05/2024, 04:56 [GMT+7]

Phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Thứ tư, 15/09/2021 - 09:40'
Phát huy lợi thế sẵn có sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở địa phương, hiện nay, huyện Tam Đường đang chú trọng phát triển sản phẩm OCOP. Nhờ đó, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân phát triển.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tam Đường cho biết: “Thời điểm này, huyện đang chú trọng xây dựng mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị sản phẩm gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Chương trình OCOP trên địa bàn huyện giải quyết các vấn đề về sản xuất nông nghiệp nông thôn, như: đẩy nhanh việc tái cơ cấu trong nông nghiệp; ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong sản xuất; thực hiện các chương trình khuyến nông, khuyến công. Từ đó, tập thể, cá nhân có thêm điều kiện để tạo ra sản phẩm OCOP cho năng suất cao, chất lượng tốt”.

Anh Nguyễn Thành Trung - Giám đốc HTX Ong Vàng kiểm tra chất lượng mật ong đóng chai đạt tiêu chí 3 sao OCOP để bán ra thị trường.

Từ đầu năm đến nay, Phòng NN&PTNT huyện triển khai, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, một số người dân nhận thức hạn chế không muốn tham gia chương trình này do chưa hiểu khi đạt sản phẩm OCOP thì được nhiều quyền lợi như: thay đổi tư duy sản xuất, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô tập trung, tăng cả về chất và lượng; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… Trước thực trạng trên, phòng phân công cán bộ chỉ đạo các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu về chương trình OCOP là: hình thành và tái cấu trúc hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp vùng nông thôn. Từ đó, tạo việc làm có thu nhập ổn định cho lao động nông thôn. Cuối tháng 6 vừa qua, Hội đồng thẩm định, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện phối hợp với đơn vị tư vấn Sông Đà - Kinh Bắc tổ chức buổi thẩm định, đánh giá 7 sản phẩm OCOP. Tại buổi thẩm định, huyện có 5 sản phẩm được Hội đồng đánh giá đạt các tiêu chí OCOP theo Quyết định 1048 của Thủ tướng Chính phủ đạt 3 sao, gồm: mật ong đóng chai lục giác của HTX Ong Vàng (xã Bản Hon); miến dong của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Lư (xã Bình Lư), cá hồi phi lê cắt khúc và cá tầm cắt khúc của HTX sản xuất nông nghiệp và dịch vụ du lịch Ngũ Chỉ Sơn (xã Sơn Bình).

Sản phẩm OCOP miến dong của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Lư (Bản Km 2, xã Bình Lư) liên kết giữa các thành viên HTX với người dân trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ miến dong. HTX hình thành vùng nguyên liệu để sản xuất miến dong đạt chất lượng cao. Từ đó, HTX bảo đảm quyền lợi tốt nhất về thu nhập cho lao động, người dân và bảo đảm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Người dân được HTX hướng dẫn sử dụng máy móc làm đất, thu hoạch và vận chuyển. Thành viên HTX giám sát bà con bảo đảm quá trình trồng, chăm sóc, bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật an toàn, nâng cao năng suất và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Hiện nay, HTX có 60 hộ dân trong huyện đăng ký trồng 50ha dong giềng với sản lượng hơn 1.000 tấn củ/năm. Nhờ vùng nguyên liệu ổn định, mỗi năm, HTX bán ra thị trường trên 80 tấn miến dong, thu lãi hơn 1 tỷ đồng.

Ông Hoàng Văn Phưởng - Chủ tịch UBND xã Bình Lư cho biết: “Để sản phẩm miến dong đạt 3 sao OCOP, HTX đã ký hợp đồng với các hộ dân bao tiêu nguyên liệu củ dong giềng với khối lượng lớn. Từ đó, HTX đầu tư thiết bị máy móc chế biến hiện đại. Đến nay, sản phẩm miến dong của HTX đứng vững trên thị trường tại các hệ thống, trung tâm phân phối hiện đại, các cửa hàng tiện lợi trong nước. Sản phẩm miến dong OCOP mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, HTX và người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển”.

Đối với sản phẩm mật ong đóng chai của HTX Ong Vàng (xã Bản Hon), góp phần xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm đặc sản địa phương. Năm 2018, HTX Ong Vàng thành lập với 7 thành viên tham gia nuôi ong và chế biến mật. Ngày đầu thành lập, HTX có 300 đàn ong. HTX lựa chọn địa điểm đặt thùng nuôi ong ở sườn núi, phù hợp cho ong sinh trưởng, phát triển. Nhờ đó, đàn ong của HTX tăng lên đáng kể, đến nay có hơn 1.000 đàn ong đang sinh trưởng, phát triển ổn định. HTX duy trì hơn 20 thành viên và lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 7 - 15 triệu đồng/người/tháng. Khi đàn ong phát triển mạnh, HTX nuôi ong ở tất cả các khu rừng của một số xã như: Khun Há, Giang Ma, Thèn Sin và Bản Hon. Ở đó có rừng tự nhiên đa dạng các loại hoa, trong khi điều kiện khí hậu bốn mùa mát mẻ, thuận lợi để ong lấy mật tự nhiên. Từ đầu năm đến nay, HTX thu về 1,5 tấn mật ong, trị giá hơn 200 triệu đồng. Chất lượng mật ong của HTX thơm ngon, ngọt dịu, giá trị dinh dưỡng cao. Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Thành Trung - Giám đốc HTX Ong Vàng (xã Bản Hon) vui vẻ nói: “Với tiềm năng sẵn có, 2 năm gần đây, HTX chú trọng phát triển sản phẩm mật ong đóng chai lục giác thay cho không đóng chai trước đây. Từng bước thay đổi tư duy sản xuất, nâng tầm giá trị sản phẩm đáp ứng với tiêu chuẩn 3 sao OCOP. Đến nay, HTX lúc nào cũng có hàng trăm lít mật ong, sẵn sàng phục vụ khách hàng”.

Hiện nay, huyện còn 3 sản phẩm là quả chuối tươi xuất khẩu của HTX Nông nghiệp xanh Tam Đường (xã Bình Lư), mây tre đan của HTX mây tre đan Bản Giang (xã Bản Giang) và quả chanh leo (thị trấn Tam Đường) đang được Hội đồng thẩm định yêu cầu bổ sung hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ minh chứng. Dự kiến cuối năm 2021, huyện tiếp tục thẩm định đánh giá công nhận các sản phẩm OCOP. Đây là đòn bẩy để mỗi xã bứt phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn ngày càng khởi sắc.

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...