

Trời mưa, đất mềm, ẩm, quế giống có sẵn nên những ngày qua, chị Phàn Xa Nhân ở bản Ngài Trò (xã Nậm Xe) tập trung nhân lực (thành viên trong gia đình và anh em, bạn bè) trồng quế. Chị Nhân cho hay, đây là năm đầu tiên gia đình trồng với diện tích 0,39ha quế, tương đương 1.950 cây giống trên đất trồng sắn, ngô hiệu quả thấp. Hiện, đã hoàn thành cơ bản diện tích và chị hy vọng cây quế sẽ cho thu nhập cao.
Vừa hoàn thành khâu vận chuyển 4.500 cây quế giống lên nương, trong câu chuyện với chúng tôi, anh Lý Thanh Minh ở bản Ngài Trò không giấu được niềm vui: Gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ 100% cây giống trồng trên diện tích 0,91ha cộng thêm chi phí công trồng, chăm sóc. Sau khi nhận cây giống, tôi đã bảo quản dưới bóng mát và tưới nước hàng ngày. Trước khi trồng, chuẩn bị từ sớm khâu phát đường băng, đào hố. Khi có lịch trồng của huyện và xã, gia đình tập trung nhân lực, cố gắng hoàn thành sớm nhất và đảm bảo kỹ thuật để cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Ngoài gia đình chị Nhân, anh Minh, nhiều hộ khác của xã Nậm Xe cũng đang tất bật trồng quế, phấn đấu hoàn thành 39,12ha đăng ký với xã. Theo thống kê sơ bộ của xã, các hộ đã xuống giống trên 30ha.
Theo báo cáo của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện, hiện toàn huyện có trên 238ha quế được trồng trong 2 năm (2021 và 2022). Bước vào mùa trồng quế năm nay, huyện có kế hoạch trồng 239,66ha với 365 hộ ở thị trấn Phong Thổ và 7 xã: Bản Lang, Nậm Xe, Hoang Thèn, Ma Li Pho, Huổi Luông, Khổng Lào, Vàng Ma Chải đăng ký tham gia.
Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phong Thổ hướng dẫn người dân xã Nậm Xe trồng quế.
Tham gia trồng quế, các hộ được hỗ trợ theo Nghị quyết 08/2021/NQ-HĐND quy định chính sách về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, mỗi héc-ta quế được hỗ trợ 20 triệu đồng (trong 4 năm) gồm cả cây giống, công chăm sóc, công trồng. Trong đó, năm đầu tiên bà con được hỗ trợ 12 triệu đồng về cây giống, công trồng. Các năm tiếp theo giảm dần; còn lại nhân dân đối ứng.
Quế là cây thân gỗ, từ vỏ, lá, cành đều có chứa tinh dầu, sau vài năm trồng là có thể cho thu hoạch, mang lại giá trị kinh tế cao. Và, thực tế hiệu quả đã chứng minh tại một số huyện như: Tân Uyên, Mường Tè, Nậm Nhùn… Điều này tạo tâm lý phấn khởi và tin tưởng của người dân vào chủ trương mở rộng diện tích quế trên địa bàn.
Dù vậy, trong mùa trồng rừng năm nay, các địa phương đang gặp phải một số khó khăn do lượng lao động đi làm ăn xa khá lớn. Một số gia đình thiếu nhân công vận chuyển cây giống, trồng quế nên xin rút. Ngoài ra, có diện tích quế trồng năm 2022 gặp thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài, tỷ lệ cây sống không cao, khiến bà con e ngại.
Trước thực tế đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện tăng cường công tác phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động, đồng hành để các hộ trồng yên tâm, tích cực thực hiện đảm bảo diện tích đăng ký. Cập nhật tình hình thời tiết thông báo tới người dân lịch trồng. Đôn đốc đơn vị cung ứng giống là Công ty TNHH Một thành viên Hồng Vân (huyện Mường Tè) cấp 1,2 triệu cây giống đến từng xã, bản trên địa bàn đảm bảo chất lượng.
Ông Nguyễn Thành Đô - Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện cho biết: “Ban chú trọng công tác tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu về lợi ích kinh tế từ cây quế; bố trí cán bộ đến từng xã giám sát đơn vị cấp cây giống và hướng dẫn nhân dân kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đồng thời, vận động các hộ tranh thủ thời tiết có mưa đẩy nhanh tiến độ xuống giống. Đến thời điểm này, bà con các xã, thị trấn trồng được trên 90ha quế. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp, đôn đốc các hộ đẩy nhanh tiến độ trồng, phấn đấu hoàn thành vào cuối tháng 8/2023”.
Tin đọc nhiều









