Thứ hai, 06/05/2024, 06:40 [GMT+7]

Tam Đường đánh thức tiềm năng nuôi cá nước lạnh

Thứ năm, 23/08/2012 - 14:59'
(BLC) - Tam Đường được thiên nhiên ban tặng cho một "kho nước lạnh" khổng lồ với hàng chục nhánh suối lớn, nhỏ chảy từ dãy núi Hoàng Liên Sơn xuống. Với nguồn tài nguyên quý giá đó, người dân nơi đây đang “đánh thức” để nuôi cá tầm, cá hồi (gọi chung là cá nước lạnh) phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Vượt chặng đường dài hơn 20km, đi từ thị xã Lai Châu, chúng tôi  đến trại nuôi cá nước lạnh của gia đình anh Chảo A Lai (dân tộc Dao) ở bản Hồ Thầu, xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường). Gia đình anh có 4 bể nuôi cá hồi, mỗi bể rộng hơn 50m2 được đầu tư từ năm 2010 với 2.000 con cá hồi.

 Để có kỹ thuật nuôi cá nước lạnh, anh tự tìm tòi kinh nghiệm qua sách, báo, phương tiện thông tin đại chúng và đến một số cơ sở nuôi cá hồi của tỉnh Lào Cai trực tiếp học hỏi. Khi biết cá nước lạnh thích nghi với điều kiện dưới 200c, gia đình anh thường xuyên kiểm tra nhiệt độ nguồn nước, khi có tình huống “xấu” phải xả nhiều nước, sử dụng điện bơm thêm ô xi tạo độ mát lạnh cho cá không bị ngạt. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, tỷ lệ cá sống đạt 75%, mỗi năm, gia đình anh thu lãi gần 100 triệu đồng.

Công nhân Công ty Cổ phần Thuỷ điện Chu Va ở bản Chu Va 12 (xã Sơn Bình) thu hoạch cá tầm.

Nhận thấy, việc đầu tư nuôi cá nước lạnh cho giá trị kinh tế cao, đầu năm 2012, anh tiếp tục nhập 4.000 con cá hồi giống. Khi vận chuyển từ Lào Cai về đến bể nuôi của gia đình, 1/2 số cá trên bị chết. Nguyên nhân do lượng cá quá nhiều, trong khi bịch nilong kín nên nhiệt độ tăng cao, thiếu ôxi cá chết ngạt. Anh Lai tâm sự: “Tôi luôn quan tâm đến việc nhập thức ăn cho cá phải đúng chủng loại từ các nước: Phần Lan, Na Uy, Pháp, Úc và cho cá ăn đủ 3 bữa (sáng, trưa, chiều). Đối với cá hồi từ 8 - 10 gam, tôi cho ăn loại cám 0,05mm, cá từ 20 - 30 gam ăn loại cám 0,08mm và cá 2kg ăn loại cám 0,8mm. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn cá của gia đình tôi chóng lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng khó khăn lớn nhất của tôi hiện nay là phải nhập cá giống từ tỉnh Lào Cai về nên mức độ rủi ro cao. Mong rằng, tỉnh ta sớm cung ứng cá giống để gia đình tôi nói riêng, bà con trong huyện nói chung mở rộng diện tích làm giàu từ nuôi cá nước lạnh”.

Công nhân Công ty Cổ phần Thuỷ điện Chu Va ở bản Chu Va 12 (xã Sơn Bình) kiểm tra chất lượng nước ở các bể nuôi cá tầm.

Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi đến thăm trại nuôi cá nước lạnh được Công ty Cổ phần Thuỷ điện Chu Va ở bản Chu Va 12 (xã Sơn Bình) đầu tư xây dựng với quy mô lớn. Toàn trại có 41 bể nuôi cá rộng hơn 3.000m2 mặt nước, trong đó tổ 1 phụ trách 24 bể và tổ 2 phụ trách 17 bể. Mỗi lứa, Công ty thả hơn 5 vạn giống cá hồi, cá tầm. Giờ đây, lúc nào trại nuôi cá của Công ty cũng có 4 vạn cá thương phẩm sẵn sàng xuất bán. Từ đầu năm đến nay, Công ty đã bán ra thị trường hơn 10 tấn cá thịt, thu lãi gần 800 triệu đồng.

Ông Vàng A Hồ - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết: “2 nhánh suối Nậm Dê bắt nguồn từ dãy núi Hoàng Liên Sơn chảy qua địa phận xã Sơn Bình là nguồn nước sạch, mát, thuận lợi cho việc nuôi cá nước lạnh. Thời gian qua, một số Công ty, Doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đặt vấn đề với xã để được đầu tư xây dựng bể nuôi cá nước lạnh tại đây. Chúng tôi đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đơn vị đầu tư nuôi cá nước lạnh với quy mô lớn. Đến nay, Doanh nghiệp Yên Sinh và Công ty Cổ phần Thuỷ điện Chu Va đang tận dụng nguồn nước của suối Nậm Dê nuôi cá nước lạnh. Trong đó, Công ty Cổ phần Thuỷ điện Chu Va đã tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương với mức thu nhập từ 1,8 - 2 triệu đồng/người/tháng”.

Tại xã Khun Há có gia đình ông Nguyễn Duy Thâng cũng đã xây dựng 4 bể nuôi cá nước lạnh. Đây là sự đổi thay mạnh mẽ về nhận thức của người dân địa phương trong việc phát huy lợi thế nguồn nước mát nuôi cá hồi mang lại nguồn thu lớn cho gia đình. Để nuôi cá nước lạnh thành công, điều quan trọng nhất là trên địa bàn huyện đã có nguồn nước sạch dồi dào, chất lượng nước đảm bảo với nhiệt độ từ 5 - 17oc. Các bể nuôi cá đã được bà con thiết kế theo mô hình bậc thang nhằm tạo ra nguồn nước “động” cho cá sinh trưởng tốt. Nhờ nuôi cá đúng kỹ thuật, trung bình mỗi năm, huyện Tam Đường đã xuất bán ra thị trường hơn 60 tấn cá thịt nước lạnh.

Ông Tô Đình Lực - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường cho biết: “Huyện có tiềm năng nuôi cá nước lạnh bởi nguồn nước đảm bảo, khí hậu ôn hoà, giao thông thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm cá thịt về thị xã Lai Châu sang các tỉnh bạn: Lào Cai, Yên Bái. Đến nay, toàn huyện đã có 1,84ha mặt nước nuôi cá nước lạnh, tập trung ở 3 xã: Sơn Bình, Hồ Thầu, Khun Há”.

Mặc dù, người dân đang “đánh thức” tiềm năng nuôi cá nước lạnh nhưng diện tích mặt nước hẹp. Nguyên nhân do bà con thiếu vốn đầu tư bởi giống, thức ăn cho cá nước lạnh phải nhập từ nước ngoài về. Để mở rộng diện tích nuôi cá nước lạnh, người dân nơi đây rất cần sự hỗ trợ vốn vay của tỉnh.

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...