Chủ nhật, 05/05/2024, 15:19 [GMT+7]

Tam Đường: Sâu cuốn lá gây hại lúa mùa

Thứ hai, 25/06/2012 - 10:17'
(BLC) – Sâu bệnh xuất hiện sớm, với quy mô rộng, mật độ cao, đã và đang là mối đe dọa lớn đối với diện tích lúa mùa của huyện Tam Đường.

Sau khi sạ lúa được 2-3 lá, bà con nên tỉa dặm, đảo bảo mật độ vừa phải cho lúa, sẽ hạn chế sâu cuốn lá gây hại.

Trong chuyến công tác những ngày gần đây tại huyện Tam Đường, chúng tôi được tận mắt chứng kiến nhiều ruộng lúa mùa của bà con các xã: Tả Lèng, Giang Ma, Hồ Thầu, Sơn Bình… bị sâu cuốn lágây hại.

Hầu hết các ruộng lúa có sâu cuốn lálà ruộng một vụ, cấy trà sớm. Sâu cuốn láăn hết lớp lá bề ngoài cây lúa, chỉ chừa lại lớp biểu bì màu trắng khiến ruộng lúa xơ xác, nhìn từ xa thấy bạc trắng một mầu, không có sức sống.

Trao đổi trực tiếp với bà con nông dân các xã và cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện chúng tôi được biết, sâu cuốn lá xuất hiện ở lúa mùa trong khoảng thời gian từ ngày 5-10/6, mật độ trung bình 10 - 12con/m2, cao hơn nhiều so với vụ mùa năm 2011 (mật độ trung bình vụ mùa năm 2011 chỉ từ 3-5,5 con/m2).

Không chỉ tăng về mật độ, sâu cuốn lá còn tăng cả về quy mô. Những ngày này, sâu cuốn láxuất hiện ở hầu hết các xã chứ không tập trung chủ yếu ở xã Hồ Thầu như vụ mùa năm 2011. Sơn Bình, Tả Lèng là 2 xã có diện tích lúa bị sâu cuốn lá gây hại nhiều nhất.

 Trước thực trạng sâu cuốn lágây hại, Trạm Bảo vệ thực vật huyện đã thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở kiểm tra tình hình sâu bệnh. Đồng thời, phối hợp với cán bộ Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, Trạm Khuyến nông, chính quyền các xã, thị trấn chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân mua thuốc: Peran 50 EC, Cymerin 5EC, Monofos 250EC, Patox 95SP về phun cho lúa.

Hướng dẫn bà con cách phun, thời gian phun, liều lượng phun. Nhờ đó, bà con nông dân có thêm kiến thức để phòng chống bệnh sâu cuốn lá cho lúa. Tuy nhiên, do sâu cuốn lá xuất hiện sớm, với quy mô và mật độ cao nên vẫn gây hại lúa.

Tính đến ngày 21/6, diện tích lúa mùa của 14/14 xã, thị trấn đã bị sâu cuốn lá gây hại, với tổng diện tích là 30ha (mật độ trung bình từ 15-25 con/m2), nơi cao nhất khoảng 40 con/m2.

Anh Lý A Páo - nông dân bản Đội 4, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường nói: “Vụ mùa năm nay, gia đình tôi cấy 13.000m2 lúa trà sớm. Cách đây khoảng 10 ngày, mọt phần diện tích lúa mùa của gia đình tôi bắt đầu xuất hiện sâu cuốn lá, sau đó xuất hiện đồng loạt ở tất cả các ruộng. Được sự hướng dẫn của cán bộ xã, huyện, gia đình tôi đã mua thuốc Peran 50 EC về phun, lượng sâu cuốn lá đã tạm ngừng lây lan sang ruộng lúa bên cạnh. Hiện, gia đình tôi đang tiếp tục theo dõi, để có biện pháp phòng trừ kịp thời”.

Ông Vũ Ngọc Ký – Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tam Đường cho biết: “Với điều kiện thời tiết mưa nắng xen kẽ kết hợp ẩm độ cao như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho sâu cuốn lá phát triển. Nếu không phòng trừ kịp thời thì sâu cuốn lá sẽ tăng nhanh vào tháng 7 với mật độ phổ biến 25-35 con/m2, cao có thể lên đến 45-60 con/m2, cục bộ ở mức 80-160 con/m2”.

Tháng 7 là lúc lúa chuẩn bị làm đòng, trổ bông, lúa không có khả năng tự cân bằng dinh dưỡng. Nếu bị sâu cuốn lá gây hại sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng của lúa. Chính vì vậy, bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng, khẩn trương phòng trừ sâu cuốn lá, đặc biệt là vào khoảng thời gian từ ngày 15-20/7.

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, bà con cần lưu ý, nếu phun thuốc sớm hoặc phun thuốc định kỳ có thể sẽ làm sâu dễ kháng thuốc hoặc dẫn đến mất cân bằng sinh thái đồng ruộng làm cho rầy nâu dễ bộc phát. Do đó, để phòng trừ tốt bà con cần tích cực kiểm tra, giám sát đồng ruộng, theo dõi sát diễn biến phát sinh, phát triển của sâu cuốn lá.

Trong giai đoạn đẻ nhánh (hoặc lúa dưới 40 ngày sau gieo sạ) chỉ nên phun thuốc khi mật độ sâu xuất hiện khoảng 20 con/m2. Trong giai đoạn làm đòng, trổ bông mật độ khoảng 6-9 con/m2 phải tiến hành phun thuốc bảo vệ thực vật.

Đối với diện tích lúa trà chính và trà muộn trước khi cấy bà con nên vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ bờ, sạ cấy đồng loạt, mật độ sạ cấy vừa phải, sau khi sạ lúa được 2-3 lá bà con nên tỉa dặm, tập trung làm cỏ bón phân cân đối, không bón thừa đạm, bón đạm muộn.

Với lúa cấy, sau khi cấy từ 7-12 ngày bà con nên làm cỏ, bón phân… để lúa phát triển tốt, hạn chế sâu cuốn lá gây hại...

Cùng với các hướng dẫn về kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa, một trong những biện pháp quan trọng là bà con cần bám sát đồng ruộng, theo dõi và phát hiện kịp thời sâu bệnh và báo về cơ quan chức năng để có biện pháp khoanh vùng, khống chế kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Có như vậy mới đảm bảo năng suất như kế hoạch đã đề ra.

 

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...