

Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới với địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt. Vào mùa đông nhiệt độ giảm sâu, có nơi rét đậm, rét hại, dưới 10 độ C. Đây là yếu tố làm ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, khiến một số mầm bệnh truyền nhiễm có thể xuất hiện. Chính vì vậy, hằng năm UBND tỉnh đều ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho vật nuôi. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND các huyện, thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống đói rét, dự trữ thức ăn cho vật nuôi.
Một trong số những giải pháp được cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương chú trọng triển khai là tuyên truyền, vận động người dân làm chuồng trại, dự trữ thức ăn. Đồng thời, triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ làm chuồng trại theo Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND ngày 29/3/2022 của HĐND tỉnh. Chỉ tính riêng trong năm 2022, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 368 chuồng chăn nuôi theo hộ gia đình tại huyện Sìn Hồ; hỗ trợ chuồng tập trung cho 584 con trâu, bò tại huyện Than Uyên, Nậm Nhùn. Hỗ trợ theo Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh, các huyện, thành phố thực hiện hỗ trợ làm 19.067m2 chuồng trại, 1.355m3 hầm biogas, 376m2 đệm lót sinh học, trên 106ha cỏ.
Người dân bản Hoang Thèn (xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ) bổ sung thức ăn thô cho vật nuôi trong mùa đông.
Cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn cử cán bộ, thành lập các tổ công tác xuống tận cơ sở trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi nhất là tại các xã vùng cao, nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng do rét đậm, rét hại hoặc địa bàn thường có vật nuôi bị thiệt hại trong các năm trước. Nhờ đó, trong năm 2022 toàn tỉnh không có gia súc bị chết do đói rét. Đây là kết quả nổi bật của tỉnh sau rất nhiều nỗ lực cố gắng. Phát huy điều đó, bước sang mùa đông năm nay, công tác phòng, chống đói rét cho vật nuôi được quan tâm, kiên quyết không chủ quan, lơ là.
Theo đồng chí Phạm Anh Hùng - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, bám sát văn bản chỉ đạo của Sở NN&PTNT, Chi cục đã ban hành hướng dẫn biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi gửi đến Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố để các cơ quan, đơn vị hướng dẫn người dân. Trọng tâm là việc hướng dẫn bà con gia cố lại chuồng trại, đảm bảo che chắn và tránh được gió lùa trực tiếp vào chuồng. Giữ chuồng trại sạch sẽ, nền khô thoáng. Chủ động dự trữ, bảo quản thức ăn thô xanh cũng như thức ăn tinh cho gia súc từ: cỏ, rơm rạ, thân cây chuối, cám gạo, cám ngô…
Cung cấp đủ nước uống cho trâu, bò hằng ngày khi nuôi nhốt trong chuồng những ngày rét đậm, rét hại; có thể bổ sung cho trâu, bò uống nước ấm có hoà muối với lượng khoảng 5g/100kg khối lượng cơ thể để tăng cường sức đề kháng. Được tuyên truyền, hướng dẫn liên tục, nhận thức của người dân trong tỉnh dần được nâng cao. Bà con tích cực tham gia vào công tác phòng, chống đói, rét cho vật nuôi. Các hộ chủ động làm chuồng trại, dự trữ thức ăn. Hiện nay, tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại toàn tỉnh chiếm 73,4%. Tỷ lệ hộ chăn nuôi dự trữ thức ăn chiếm 87%. Toàn tỉnh có 221 cơ sở chăn nuôi đạt quy mô trang trại. Đàn vật nuôi cơ bản được bảo vệ tốt với tổng đàn gia súc ước đạt 395.090 con. Trong đó, đàn trâu 92.750 con, đàn bò 25.600 con, đàn lợn 235.500 con, đàn ngựa 4.190 con, đàn dê 37.050 con.
Người dân huyện Phong Thổ tích trữ rơm rạ làm thức ăn cho gia súc.
Xã Vàng Ma Chải (huyện Phong Thổ) là một trong những địa phương chịu sự tác động mạnh mẽ của thời tiết trong mùa đông. Những ngày này, nhiệt độ trên địa bàn biến động liên tục trong ngày. Vào tối và sáng sớm, nhiệt độ có thể giảm xuống còn trên 10 độ C. Vì vậy chính quyền địa phương nhanh chóng rà soát, tổng hợp số lượng đàn vật nuôi; thường xuyên cập nhật và theo dõi dự báo thời tiết cũng như thông báo của cấp trên để có hướng dẫn, thông báo đến người dân kịp thời. Cán bộ xã, bản vận động bà con không thả rông gia súc trên núi thay vào đó di chuyển về nhốt tại chuồng thậm chí di chuyển đàn vật nuôi từ vùng cao xuống vùng thấp để tránh rét.
Đồng chí Chẻo Lao U - Phó Chủ tịch UBND xã Vàng Ma Chải cho hay, chăn nuôi gia súc là nguồn thu lớn của xã. Bà con nuôi trâu, lợn nhiều nhất ở các bản Hoang Thèn, Tả Phùng. Để phòng, chống đói rét cho vật nuôi, xã hướng dẫn người dân tận dụng đất vườn, ruộng, nương để trồng cỏ voi, gieo ngô làm thức ăn dự trữ cho gia súc. Tận dụng triệt để nguồn rơm rạ, phơi khô, đánh đống bảo quản để sử dụng cho gia súc trong mùa đông. Chủ động dự trữ thức ăn tinh bổ sung đủ để cung cấp cho trâu, bò trong những ngày rét đậm, rét hại. Áp dụng chế độ thả muộn, về sớm. Hiện nay, toàn xã có 3.560 con gia súc các loại.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, thời gian tới thời tiết sẽ bước vào cao điểm của mùa đông, nhiệt độ còn có thể giảm sâu hơn nữa. Cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân cần tiếp tục vào cuộc, áp dụng nghiêm túc các biện pháp về phòng, chống đói rét cho vật nuôi nhất là việc dự trữ thức ăn đủ về số lượng, chất lượng, quây bạt, sưởi ấm cho gia súc trong những ngày mưa, giá rét… cố gắng bảo vệ tốt nhất cho đàn vật nuôi.
Tin đọc nhiều

Bước chuyển mình đáng tự hào

Trồng chè theo hướng hữu cơ
Tam Đường bảo đảm nước sản xuất

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Đồng hành xây dựng sản phẩm OCOP

Nậm Nhùn sẵn sàng mùa trồng rừng

Tập trung phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân

Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh; đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền









