Thứ hai, 13/05/2024, 05:14 [GMT+7]

Chuyện những người bảo vệ an ninh nông thôn

Thứ sáu, 04/01/2013 - 15:25'
(BLC) - Là một tỉnh miền núi, công tác bảo vệ an ninh nông thôn của tỉnh ta khá phức tạp như: di dịch cư tự do, hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật, các vụ tranh chấp, khiếu kiện… Do đó, Phòng An ninh – Xã hội luôn chủ động tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh tăng cường cán bộ, chiến sĩ (CBCS) xuống các địa bàn phức tạp, kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh.

Phòng An ninh – Xã hội triển khai kế hoạch công tác.

Trong năm qua, có 46 hộ, 221 nhân khẩu ở các xã: Tủa Sín Chải, Tả Phìn (huyện Sìn Hồ), Sơn Bình (huyện Tam Đường) di cư đi huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) và đi Tây Nguyên. Sau khi nắm tình hình, CBCS Phòng An ninh – Xã hội đã về các địa phương để tìm hiểu nguyên nhân. Do đời sống khó khăn, trình độ dân trí thấp nên nhiều người dân đã bị kẻ xấu rủ rê, lôi kéo đi tìm “miền đất hứa”. Một số sự việc đau lòng xảy ra như gia đình anh Hợp A Chang ở xã Sơn Bình (huyện Tam Đường) đã bán hết tài sản, ruộng nương để di cư. Hay như gia đình anh Giàng A Trừ (cùng bản anh Chang), sau khi đi đến xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An), chuẩn bị sang Lào thì bị Đồn Biên phòng cửa khẩu phát hiện và bắt giữ. Cán bộ Phòng An ninh – Xã hội đã vào tiếp nhận và đưa vợ chồng anh Trừ cùng con nhỏ về bàn giao lại cho xã, đồng thời tham mưu cho chính quyền địa phương tạo điều kiện cho gia đình làm ăn tại nơi ở cũ.

Để nắm chắc tình hình cơ sở, mỗi xã có 2 đồng chí công an viên thường xuyên bám sát địa bàn, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhất là của các hộ muốn di cư, làm rõ nguyên nhân, cùng các ban ngành chung tay giúp sức tuyên truyền, vận động để các hộ từ bỏ ý định di cư và cam kết không tự ý chuyển chỗ ở. Trong năm qua, CBCS Phòng An ninh – Xã hội đã vận động 42 hộ, 284 nhân khẩu (trên toàn tỉnh) từ bỏ ý định di cư đến tỉnh Điện Biên; 29 hộ, 214 nhân khẩu ở huyện Phong Thổ từ bỏ ý định di cư đến huyện Mường Tè. Nhờ làm tốt công tác tham mưu nên đã giúp 7 hộ, 45 nhân khẩu di cư đi tỉnh Điện Biên, nước Lào trở về nơi ở cũ, được xã, bản tạo điều kiện ổn định đời sống.

Cán bộ chiến sỹ Phòng An ninh – Xã hội vận động người dân không di dịch cư tự do.

Để đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, các chiến sĩ công an được phân công xuống cơ sở đã “bốn cùng” với nhân dân. Trong quá trình ở cùng dân, mỗi chiến sĩ đã trở thành một cán bộ “dân vận khéo”, được nhân dân tin tưởng, thương yêu như con, cháu trong nhà. Thiếu tá Giàng A Tằng – Phó Trưởng Phòng An ninh - Xã hội kể lại chuyến “dân vận” ấn tượng nhất của mình: “Tháng 6/2010, khi nghe tin có một số kẻ xấu ở bản Ma Sang, Pề Ngài 1, 2 (xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ) lẩn trốn trong rừng sâu, tuyên truyền qua điện thoại rủ rê người thân, bạn bè xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Phòng đã phối hợp với Công an huyện, chính quyền xã tổ chức 3 tổ công tác vào 3 bản. Tôi trực tiếp đến bản Ma Sang gặp 2 người có uy tín nhất bản là: Trưởng bản Giàng A Chiếu và Trưởng nhóm Giàng A Thành. Sau khi gặp gỡ, trò chuyện, thăm hỏi tình hình làm ăn của bà con, tôi cùng họ đốt lửa, sưởi ấm thâu đêm và phân tích việc xuất cảnh trái phép là sai quy định của pháp luật, tuyên truyền sang nước khác không cần làm việc cũng giàu có là sai bởi người Mông ta bao năm chăm chỉ làm ruộng, nương nay bỏ hoang ruộng đất của tổ tiên mà đi thì không nên. Sau khi hiểu ra, 2 người đã đồng ý cho tôi được nói chuyện với người dân cả bản. Khác với thái độ lạnh nhạt, không muốn tiếp đoàn làm việc hôm trước, sau khi được Trưởng bản và Trưởng nhóm trong bản giới thiệu, bà con đã chăm chú lắng nghe tôi nói. Tôi nói xong, người dân đều vỗ tay hoan hô và một lòng tin theo Đảng, Nhà nước. riêng họ hàng của đối tượng Giàng A Páo (kẻ cầm đầu nhóm bỏ trốn trong rừng) đã khóc và hứa không tin, không nghe theo lời kẻ xấu. Sau vụ việc này, Trưởng bản Giàng A Chiếu và Trưởng nhóm Giàng A Thành đã luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào, vận động nhân dân chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống”.

Những “câu chuyện dân vận” còn rất nhiều, cũng là những chiến tích thầm lặng của cán bộ trong phòng để làm yên lòng dân.

Phòng An ninh – Xã hội (Công an tỉnh) đạt danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1980, Huân chương Quân công hạng Ba năm 1985, Huân chương Chiến công hạng Nhất năm 1996, Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất năm 2007, 2012; 3 cờ thi đua xuất sắc, 14 Bằng khen của Bộ Công an; 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 6 cờ thi đua xuất sắc, 26 Bằng khen của Tỉnh ủy – UBND tỉnh, đạt đơn vị quyết thắng từ năm 2004 – 2012…


Hải Yến

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Hết lòng với công tác thiện nguyện
“Năng động, nhiệt tình, đặc biệt là hết lòng với công tác thiện nguyện, Trung tá Hoàng Quốc Phong - Trưởng Ban Dân vận (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân khu 2, đứng chân trên địa bàn huyện...