Chủ nhật, 05/05/2024, 00:18 [GMT+7]

Chè cổ thụ Putaleng: Đặc sản OCOP 3 sao

Thứ sáu, 24/09/2021 - 11:23'
(BLC) - Tồn tại hàng trăm năm nay, chè cổ thụ trên dãy núi Tả Liên Sơn thuộc địa phận xã Tả Lèng (huyện Tam Đường) được Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển (CPĐTPT) Chè Tam Đường chế biến thành sản phẩm Chè cổ thụ Putaleng, đặc sản OCOP 3 sao. Đây là cây trồng đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân địa phương.

Khám phá dãy núi Tả Liên Sơn (xã Tả Lèng) thời điểm này, chúng tôi dễ dàng thấy những cây chè rêu phong, cổ kính. Toàn xã có 33,10ha với 2.308 cây chè từ 100 - 300 năm tuổi của 4 bản: Tả Lèng Lao Chải, Hồ Pên, Ho Lao Chải và Lùng Than. Nằm ở độ cao trên 2.000m so với mặt nước biển, diện tích chè trên dãy núi Tả Liên Sơn sinh trưởng, phát triển tốt với đất đai màu mỡ, khí hậu trong lành. Từ lợi thế trên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng cho người dân thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

Từ đó, bà con bảo tồn, đầu tư, phát triển vùng chè quý hiếm chất lượng cao kết hợp với Công ty CPĐTPT Chè Tam Đường để tiêu thụ sản phẩm chè búp, chế biến chè khô, kết nối thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản phẩn. Công ty hướng dẫn bà con bảo tồn và khai thác chè búp đúng mùa vụ, tránh tổn hại đến thân, cành. Từ đầu năm đến nay, Công ty liên kết với các hộ dân thu mua 5 tấn chè búp và chế biến được 1 tấn chè khô (lấy tên thương hiệu là Chè cổ thụ Putaleng). Sản phẩm Chè cổ thụ Putaleng mang hương thơm dịu, vị ngọt thanh, chát nhẹ, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đặt mua thưởng thức. Hiện, Công ty bán chè với giá từ 3 - 5 triệu đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với chè khô canh tác theo phương thức truyền thống mới trồng. Tuy nhiên, Công ty chưa đủ sản phẩm chè đáp ứng cho nhu cầu thị trường.

Cán bộ huyện, xã Tả Lèng thống kê, bảo vệ  chè cổ thụ trên dãy núi Tả Liên sơn (xã Tả Lèng, huyện Tam Đường).

Đến thăm rừng chè cổ thụ của bản Tả Lèng Lao Chải, chúng tôi phải đi bộ chặng đường mòn dài hơn 10km vượt qua những cánh rừng nguyên sinh. Cây chè tán rộng nơi đại ngàn Tả Liên Sơn vẫn còn nguyên vẹn với vẻ hoang sơ, kỳ vĩ nhờ công chăm sóc, bảo tồn của người dân địa phương. Cây chè cao từ 5 - 6m, khiến bà con nơi đây vất vả với việc thu hái chè búp. Nhận thấy sản phẩm chè búp quý hiếm, 5 năm gần đây, Công ty CPĐTPT Chè Tam Đường hướng dẫn người dân thu hái chè búp đúng kỹ thuật. Công ty ký kết thu mua toàn bộ sản phẩm chè búp tươi cho bà con với giá ổn định từ 80 - 100 nghìn đồng/kg. Từ đó, bà con nâng cao ý thức bảo vệ, chăm sóc, thu hái chè búp đạt tiêu chuẩn và chất lượng.

Nghe chúng tôi khen cây chè to, đẹp, ông Hảng A Phua (67 tuổi) ở bản Tả Lèng Lao Chải tự hào khoe: “Tôi không biết rừng chè của bản có từ khi nào. Lúc nhỏ, tôi vào rừng lấy củi, chăn trâu thấy nhiều cây giống nhau nhưng không biết đây là cây chè quý hiếm. Những năm gần đây, tôi nghe cán bộ huyện, xã tuyên truyền, hướng dẫn cách bảo tồn cây chè cổ thụ. Tôi nhắc nhở con cháu bảo vệ, thu hái, hưởng lợi từ cây chè cổ do ông, cha để lại, góp phần nâng cao thu nhập gia đình”.

Chia tay người dân bản Tả Lèng Lao Chải, chúng tôi tiếp tục đến thăm rừng chè bản Ho Lao Chải. Thời điểm này, bà con đang thu hái chè búp lần 2/2021 bán cho Công ty CPĐTPT Chè Tam Đường nhằm tăng thêm thu nhập gia đình. Tuy nhiên, diện tích chè của bản trên dãy núi Tả Liên Sơn cách khu dân cư 12km, đi lại khó khăn. Một người tham gia thu hái chè từ 5 - 17 giờ cũng chỉ hái được hơn 10kg chè búp. Mỗi năm, bà con chỉ hái từ 1 - 2 lần. Cây chè to, cao, khó trèo, sản lượng chè búp thu hoạch không đáng là bao. Để bảo tồn, nâng cao sản lượng thu hoạch chè, Công ty phối hợp với chính quyền xã tuyên truyền, hướng dẫn bà con không chặt cành chè để thu hái búp làm ảnh hưởng đến sản lượng chè năm sau. Trưởng, phó bản thường xuyên tuần tra, bảo vệ không để người lạ vào thu hái cũng như chặt hạ cây chè.

Nhắc đến việc bảo tồn chè trên dãy núi Tả Liên Sơn, anh Giàng A Sình - Phó Chủ tịch UBND xã Tả Lèng cho biết: “Thời gian qua, bà con trong xã liên kết với Công ty CPĐTPT Chè Tam Đường thực hiện tốt việc bảo tồn, thu hái, chế biến và đóng gói đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng. Công ty thu mua toàn bộ sản phẩm chè búp của bà con với giá ổn định. Năm 2021, hàng chục hộ dân trong xã thu nhập trên 15 triệu đồng từ tiền bán chè búp cổ thụ”. 

Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Loan - Giám đốc Công ty CPĐTPT Chè Tam Đường cho biết: “Tất cả các khâu từ bảo vệ, chăm sóc, thu hái, chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm Chè cổ thụ Putaleng được Công ty kiểm soát chặt chẽ, có mã vạch để truy xuất nguồn gốc. Công ty đầu tư dây truyền chế biến theo công nghệ tiên tiến của Đài Loan để tạo ra sản phẩm chè đạt chất lượng cao. Cuối tháng 6 vừa qua, Hội đồng thẩm định, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện phối hợp với đơn vị tư vấn Sông Đà - Kinh Bắc đánh giá sản phẩm Chè cổ thụ Putaleng của Công ty đạt OCOP 3 sao”.

Nhờ gắn kết giữa người dân xã Tả Lèng để bảo tồn, khai thác chè cổ thụ trên dãy núi Tả Liên Sơn, Công ty CPĐTPT Chè Tam Đường tạo ra sản phẩm Chè cổ thụ Putaleng OCOP 3 sao mang thương hiệu địa phương chất lượng tốt, giá thành cao, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển.

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...