Thứ sáu, 10/05/2024, 07:32 [GMT+7]

Những phiên dịch viên bị bỏ quên ở Iraq

Chủ nhật, 15/01/2012 - 16:34'
Hàng nghìn người Iraq từng làm phiên dịch cho quân đội Mỹ đang trong tình cảnh khổ sở bởi bị đe dọa bởi chính đồng bào họ, trong khi con đường sang Mỹ trở nên mù mịt. 

 

Tariq là một trong số hàng nghìn phiên dịch người Iraq từng làm việc cho quân đội Mỹ và đang dần bị Mỹ lãng quên. Anh từng bị những kẻ lạ mặt bắn, từng nhận những lời đe dọa giết vì làm việc cho quân đội Mỹ. Ảnh: LA Times

Tariq, 27 tuổi, cho hay khi còn làm phiên dịch cho quân đội Mỹ anh được sống trong căn cứ an toàn, tránh được vòng nguy hiểm của những kẻ tìm giết những người làm việc cho quân đội Mỹ. Nhưng ngay khi đơn vị quân đội anh phục vụ rút khỏi Iraq vào ngày 13 tháng 10, anh được hộ tống ra khỏi căn cứ.

Chính phủ Mỹ đã cam kết với Tariq cũng như hàng ngàn phiên dịch viên Iraq khác rằng họ sẽ là những người đầu tiên được cấp visa đặc biệt sang Mỹ. Nhưng với tốc độ ì ạch như hiện nay của các thủ tục, có lẽ lời hứa ấy chẳng có ý nghĩa gì với Tariq.

Lần đầu tiên trong tháng này từ khi không làm phiên dịch, Tariq mới rời khỏi nhà một ngày và lái xe đến Baghdad để gặp phóng viên LA Times. Anh mang theo cả em trai theo cùng, nhưng đề nghị không được công khai danh tính của em trai mình.

Anh nói: “Tôi đã làm việc rất chăm chỉ cho người Mỹ, nhưng giờ họ bỏ mặc tôi mà không có bất cứ sự bảo vệ nào. Họ đã đuổi tất cả chúng tôi ra khỏi nơi được cho là an toàn nhất với chúng tôi – đó là căn cứ quân đội Mỹ”.

Thủ tục cấp visa, như thông thường đã luôn chậm chạp và rắc rối, nay lại càng ì ạch hơn từ sau khi hai người tị nạn của Iraq bị bắt tại Kentucky hồi tháng 5. Họ bị buộc tội khủng bố do liên quan đến hoạt động hậu thuẫn cho Al Qaeda.

Tariq được Mỹ liệt vào danh sách những người được “cấp visa xuất cảnh đặc biệt” và sẽ là một trong 20,000 nghìn phiên dịch người Iraq được sang Mỹ. Tuy nhiên theo Dự án Hỗ trợ người tị nạn Iraq thì tính đến tháng 10 năm 2011, mới chỉ có 3,415 trường hợp được cấp visa.

Los Angeles Times cho hay những người xin cấp visa được yêu cầu chờ đợi trong vòng ít nhất 8 tháng. Tariq đã nộp đơn xin cấp từ cách đây 2 năm, sau đó lại gửi một đơn khác vào tháng 10 năm 2010.

Trong khi chờ đợi việc đẩy nhanh thủ tục cấp visa từ phía Mỹ, hàng nghìn phiên dịch người Iraq đang không nơi nương tựa, cuộc sống thường xuyên bị các phần tử phiến loạn đe dọa, nhiều người đã phải bỏ mạng.

Qasaim, 42 tuổi, từng 7 năm làm phiên dịch cho quân đội Mỹ, nghỉ việc hồi tháng 5 khi cô con gái 15 tuổi bị cô giáo bắt cóc và buộc anh phải cưới cô ta. Khi Qasaim liên lạc với Đại sứ quán Mỹ về đơn xin cấp visa cho cả gia đình, anh bị nhân viên yêu cầu mang con gái đến phỏng vấn. Anh nhớ lại: “Tôi đã nói sao anh có thể hỏi tôi như thế? Tôi còn không biết con gái mình đang ở đâu”.

Qasaim sợ là con gái anh đã chết hoặc đã bị đưa đi khỏi Iraq. Anh kể lại rằng người bắt cóc đã mấy lần gọi điện thoại và nói: “Đừng tìm con gái làm gì. Mày sẽ chẳng bao giờ tìm được đâu”. Anh cho biết cả nhà anh, gồm cả vợ và bảy đứa con, đều đã nhiều lần bị đe dọa. Hai người anh em của anh từng làm việc cho quân đội Mỹ cũng đang chờ cấp visa.

Cuối cùng quân đội Mỹ cũng đồng ý không phỏng vấn cô con gái mất tích và không ghi tên cô bé vào danh sach xin visa. Tuy nhiên các nhân viên tư vấn cũng không cho anh biết lúc nào hay liệu gia đình anh có được nhập cư sang Mỹ hay không. “Tất cả những gì đại sứ quán có thể nói với tôi đó là chúng tôi phải chờ”, anh nói thêm.

Đó cũng là những điều mà nhân viên đại sứ quán nói với Tariq. Anh cho rằng những lá thư đề nghị của các quân nhân Mỹ gửi về sứ quán có thể sẽ xóa tan hy vọng sang Mỹ của anh.

Một viên trung tá quân đội Mỹ nhận xét về Tariq: “Cậu ấy rất thông minh, là người phiên dịch tốt nhất mà tôi từng biết”. Thiếu tướng Jeffrey Buchanan, phát ngôn viên của lực lượng quân đội Mỹ tại Iraq cho biết ông từng làm việc với một số phiên dịch viên người Iraq và "họ thật xuất sắc". Một phiên dịch viên của ông từng bị bắt cóc, giam giữ 7 tháng và chỉ trở về sau khi gia đình anh ta chi tiền chuộc mạng.

Viên tướng nói: “Nếu họ muốn sang Mỹ sinh sống, chúng ta nên làm tất cả để giúp họ. Họ sẽ giúp chúng ta phát triên hơn. Họ mạng lại sự đa dạng và giàu có cho đất nước. Họ có lòng yêu nước phi thường”.

Tariq cho biết anh cảm thấy như là một tù nhân trong chính ngôi nhà của mình. Anh theo dõi các bộ phim và các chương trình truyền hình của Mỹ. Ngoài thời gian đó, anh chỉ biết chăm sóc khu vườn nhỏ như một thú tiêu khiển để giết thời gian. Anh cho biết vẫn đang liên lạc với vị hôn thê của mình hiện sống cùng mẹ ở California. Bạn gái anh từng làm việc cho quân đội Mỹ ở Iraq và cuối cùng đã nhận được visa. Tariq thường xuyên gọi điện cho phòng lãnh sự Mỹ, nhưng lần nào cũng chỉ được trả lời rằng hiện đơn xin cấp visa của anh đang trong thời gian chờ đợi.

Trong một lần gửi yêu cầu tới Đại sứ quán Mỹ trên trang mạng xã hội Facebook, anh đã hỏi: “Liệu có tia ánh sáng nào ở phía cuối đường hầm kia cho tôi không?” . Anh chỉ nhận được câu trả lời rằng nếu anh không hài lòng với thủ tục cấp visa và muốn được trả lại đơn, đại sứ quán sẽ vui lòng trả lại.

“Tôi nghĩ tôi đã nhận được câu trả lời”, Tariq cười chua chát.

 

Theo vnexpress

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Hết lòng với công tác thiện nguyện
“Năng động, nhiệt tình, đặc biệt là hết lòng với công tác thiện nguyện, Trung tá Hoàng Quốc Phong - Trưởng Ban Dân vận (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân khu 2, đứng chân trên địa bàn huyện...