Thứ tư, 24/04/2024, 17:06 [GMT+7]

Pắc Ta - dấu ấn sau một nhiệm kỳ

Thứ hai, 15/06/2020 - 09:58'
Đồng chí Lê Việt Vương - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Pắc Ta (huyện Tân Uyên) cho biết: Tạo sự khởi sắc, đột phá rõ nét trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ đề ra 3 chương trình trọng điểm trong cả nhiệm kỳ. Đó là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp hàng hóa, tăng hệ số sử dụng đất; phát triển kinh tế rừng; củng cố xây dựng quốc phòng - an ninh. Mỗi chương trình đều ban hành nghị quyết và xây dựng kế hoạch cụ thể để UBND xã, các bản bám sát, căn cứ triển khai thực hiện hiệu quả. Khẳng định rõ vai trò trong lãnh, chỉ đạo, định hướng, Đảng bộ xã chú trọng đổi mới phương thức hoạt động của chi bộ, tạo nguồn phát triển đảng viên. Theo đó, đã thực hiện sắp xếp, tinh gọn 3 chi bộ, hiện còn 21 chi bộ; nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng bản tại 7/16 bản. Tạo nguồn, kết nạp 58 đảng viên mới (đạt 116% chỉ tiêu nghị quyết), nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ lên 228 đồng chí.

Với quyết tâm chính trị cao, định hướng phát triển kinh tế rõ ràng, xã Pắc Ta khai thác tiềm năng thế mạnh để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn và áp dụng triệt để cơ giới hóa. Trong đó, chuyển đổi 150ha đất trồng giống lúa địa phương sang lúa hàng hóa chất lượng cao (đặc biệt là nếp tan cò giàng, séng cù), hình thành vùng sản xuất hàng hóa với 365ha (đạt 243% kế hoạch), tập trung tại các bản: Pắc Lý, Phiêng Ban, Thanh Sơn, Hoàng Hà, Mít Thái và Bó Lun. Nhờ đó, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 5.543 tấn, tăng 858,4 tấn so với đầu nhiệm kỳ, đạt 112% chỉ tiêu nghị quyết.

Gia đình anh Lò Văn Hịa (bản Bó Lun 2, xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên) thu hái chè búp tươi.

Gia đình anh Lò Văn Hịa (bản Bó Lun 2, xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên) thu hái chè búp tươi.

Đầu ra thuận lợi, nhiều diện tích đất nương, đồi, vườn, xã tập trung khuyến khích Nhân dân mở rộng trồng chè, mắc-ca xen chè, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. 5 năm qua, toàn xã trồng mới 453,6ha chè, nâng tổng diện tích lên 571,6ha, đạt 165% chỉ tiêu nghị quyết; trồng mới 50ha mắc-ca xen chè, trên 35ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: chuối, bưởi da xanh. Đặc biệt, đầu năm 2020, UBND xã phối hợp với Công ty TNHH Thương mại tỉnh Lai Châu phát triển diện tích trồng chuối với diện tích 17ha, hứa hẹn mở hướng phát triển kinh tế mới cho Nhân dân địa phương.
Với diện tích 6.000m2 đất nương trồng ngô, sắn, sau khi được Công ty Chè Hồng Đức (trụ sở tại xã Pắc Ta) tư vấn, hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật, năm 2017 - 2018 gia đình anh Lò Văn Hịa (bản Bó Lun 2) quyết định chuyển đổi sang trồng chè. Nhờ chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh tốt, toàn bộ diện tích đã cho thu hoạch. Anh Hịa hồ hởi khoe với chúng tôi: Trồng chè nhàn hơn trồng ngô, lúa rất nhiều, đặc biệt có đầu ra ổn định lại ký kết hợp đồng với Công ty nên không chỉ tôi mà bà con trong bản yên tâm lắm. Mỗi lứa gia đình tôi thu gần 2 tạ chè búp tươi, giá bán 7.000 đồng/kg, bình quân thu từ 2 - 3 lứa/tháng không chỉ tạo việc làm còn giúp gia đình có nguồn thu ổn định. Năm nay, tôi đăng ký trồng 6.000m2 và hiện đang làm đất để sang tháng sẽ xuống giống.
Thay vì chăn nuôi đại gia súc quy mô nhỏ, lẻ, bà con đầu tư chuồng trại, chăn nuôi tập trung, chủ động phòng, chống dịch bệnh và xây dựng mô hình quy mô lớn với tốc độ tăng đàn hàng năm trung bình đạt 4,1%. Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện, Ban Chấp hành Đảng bộ xã lãnh, chỉ đạo Nhân dân bảo vệ, phát triển rừng đạt tỷ lệ che phủ 33,25%. Tận dụng lợi thế nằm dọc quốc lộ 32, 60 hộ dân đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ với các hoạt động dịch vụ vận tải, điện nước, nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống. Trên địa bàn cũng đã có 2 công ty, 3 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực khai thác đá làm vật liệu xây dựng; bao tiêu, chế biến chè khô.
Lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước; huy động nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác các công trình xây dựng sau đầu tư giúp bộ mặt nông thôn của xã thêm khởi sắc. Cụ thể, trong nhiệm kỳ đã làm mới, tu sửa và nâng cấp 29 công trình giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa và cấp nước sinh hoạt, tổng giá trị đầu tư 38,39 tỷ đồng. Huyện đầu tư trụ sở làm việc, nhà công vụ; 8 tuyến đường nội đồng nội bản; 12 tuyến đường nội đồng sản xuất vùng chè tiểu vùng xã Pắc Ta. Các đơn vị trường học được đầu tư mới và sửa chữa 5 công trình.
Hết năm 2019, thu nhập bình quân đạt 33 triệu đồng/người/năm (tăng 17 triệu đồng so với năm 2015); tỷ lệ giảm nghèo bình quân của xã hàng năm giảm 1,55%. Hàng năm có 85% hộ gia đình, 12/16 bản, 5 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Duy trì xã đạt 100% tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt 100%; có 2/3 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm và giữ vững… “Những kết quả đó là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Trước hết là những chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển của Đảng, Nhà nước; định hướng và hiệu lực công tác lãnh, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện rõ nét; sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả của các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện và hơn hết là Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong xã đã đoàn kết, đồng lòng và quyết tâm cao thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra” - đồng chí Lê Việt Vương khẳng định.

Nam Phong

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...