Thứ hai, 29/04/2024, 11:39 [GMT+7]

Giữ tiếng sáo vang mãi nơi biên cương

Thứ hai, 20/02/2023 - 21:03'
Theo tiếng sáo du dương từ Chương trình thơ Nguyên Tiêu – Xuân Quý Mão 2023 do Hội Người cao tuổi (NCT) thị trấn Tân Uyên (huyện Tân Uyên) phối hợp với Câu lạc bộ (CLB) thơ Hoa Ban tổ chức mới đây, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Hữu Cam (tổ dân phố 1, thị trấn Tân Uyên). Ngôi nhà nhỏ xinh xắn với bốn bề là màu xanh của chè, đủ màu sắc của hoa và cây xanh rợp bóng mát, ông Cam say sưa với câu chuyện về tiếng sáo và những trăn trở để tiếng sáo mãi ngân vang nơi dải đất biên cương.

Quê ông thuộc xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Vùng quê đã đi sâu vào tiềm thức của ông thuở thiếu thời với những người bạn trai thổi sáo đệm cho bạn gái múa xòe hoa. Nhưng tiếng sáo của ông hay hơn, dìu dặt hơn là bởi năm 1966, cán bộ, giáo viên Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) sơ tán đến quê ông lánh nạn. Từ những người xa lạ, nhưng cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt, mang đến cho quê ông những điệu hát, điệu chèo… nên họ đã thành người thân tự lúc nào. Những buổi tối đoàn tập trung tại hội trường UBND xã, múa, hát biểu diễn phục vụ bà con. Tiếng sáo vốn là “tiếng lòng” của ông, nên trong quá trình sơ tán, các thầy giáo của trường mở các lớp học ngoại khóa dạy nhạc, sáo cho con em, ông được học hỏi, nâng tầm hiểu biết về kỹ thuật, âm thanh và làm sao cho tiếng sáo hay hơn, hấp dẫn hơn.

Ông Cam thả hồn trong điệu sáo.

Lớn lên, thoát ly quê hương, ông Nguyễn Hữu Cam đi học Trường Trung cấp Chăn nuôi - Thú y, sau khi tốt nghiệp, ông được điều động lên công tác tại Nông trường Than Uyên (tỉnh Lào Cai cũ). Ở cả 2 môi trường học tập và công tác, ông Cam đều tích cực giao lưu, đóng góp các tiết mục văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần cho tập thể. Vào những năm đất nước giải phóng, các nông trường phía Bắc thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luân phiên tổ chức các hoạt động giao lưu, hội thi, hội diễn văn nghệ, ông lại tìm tòi, học hỏi để tập luyện nâng cao và thi tài.
Niềm yêu tiếng sáo đã ăn sâu vào giấc ngủ, vào cảm xúc, tâm hồn ông nên ở đâu và bất cứ lúc nào ông cũng có thể nói về sáo, thổi tiếng sáo. Khi tôi hỏi, ông thấy thổi sáo khó như thế nào, chỉ sau giây lát, ông đã cầm trên tay 8 cây sáo, đủ kích cỡ, thể loại (sáo mèo, sáo bầu, sáo ngang) để “khoe” với chúng tôi. Để chứng minh thổi được sáo không dễ dàng, ông cầm sáo lên và thổi cho chúng tôi nghe bài “Anh vẫn hành quân” rồi phân tích sâu vào kỹ thuật thổi sáo. Đây cũng là tiết mục ông vinh dự đạt giải tại Hội diễn văn nghệ do Hội NCT huyện Tân Uyên tổ chức năm 2022.
“7 nốt nhạc tương ứng với 7 lỗ khoan trên thân sáo. Học sáo phải nắm kỹ được kiến thức cơ bản rồi mới học đến kỹ thuật luyến láy, rung hơi, đánh lưỡi đơn/kép, nhấn nhá mới hay được. Muốn cho tiếng sáo khỏe, phải bịt kín lỗ sáo, không cho thoát hơi ra ngoài” - ông Cam chia sẻ. Bằng tất cả sự hiểu biết và đam mê của mình, ông Cam truyền dạy cho các cháu của mình. Đến nay các cháu đều biết thổi sáo và đủ tự tin tham dự các cuộc thi về âm nhạc. Nhận thấy năng khiếu âm nhạc của gia đình ông, các trường học nơi các cháu của ông đang theo học đã mời “đội văn nghệ 5 ông - cháu” tham gia biểu diễn trên sân khấu tại lễ tổng kết và khai giảng năm học mới. Nhờ được ông truyền dạy, cháu nội, ngoại đều đạt giải cao trong các cuộc thi văn nghệ do ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh tổ chức ở loại hình nhạc sáo. Đây là vinh dự và niềm vui thầm lặng của người nghệ nhân thổi sáo năm nay đã 76 tuổi.
Ông Nguyễn Hữu Cam hiện là hội viên CLB thơ Hoa Ban (thị trấn Tân Uyên). Nhờ tiếng sáo của ông làm nền, những tiết mục thơ ca như được thăng hoa, tạo nên một giá trị mới. Nhạc sỹ Thanh Phương - Chủ nhiệm CLB thơ Hoa Ban khẳng định: “Ở Lai Châu, khó tìm được cây sáo thứ 2 như ông Cam. Nhịp phách của ông rất chuẩn nhờ khả năng thẩm âm tốt. Ông có thể linh hoạt điều chỉnh tiếng sáo theo từng giọng ngâm”.
Dù tuổi đã cao song ông vẫn khỏe mạnh, ông còn có thể đánh được đàn bầu và tích cực tham gia vào đội nhạc hiếu của huyện, tỉnh.
Giờ đây, trước nguy cơ mai một các loại hình âm nhạc truyền thống, thì với tâm hồn yêu âm nhạc và mong muốn được lưu giữ những giá trị cốt lõi của dân tộc thông qua tiếng sáo như ông Nguyễn Hữu Cam quả là vô cùng đáng quý, đáng trân trọng.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...