Người có uy tín gương mẫu trong tham gia phát triển kinh tế
Năm 2014, sau khi về nghỉ hưu, ông Nguyễn Trọng Tân được nhân dân bầu là người có uy tín của bản Na Tổng, xã Tam Thái, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, với những kiến thức của bản thân qua nhiều năm công tác tại địa phương, bản thân ông đã cố gắng cùng với cấp ủy, chi bộ và Ban quản lý bản thực hiện hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của bản đề ra hàng năm.
Ông Tân chia sẻ: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hằng năm, tôi được tham gia các lớp tập huấn của huyện, tỉnh tổ chức, được cấp phát Báo Nghệ An, Báo Dân tộc và Phát triển… Qua đó, tôi cập nhật kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tình hình thời sự… Từ đó, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân”.
Người có uy tín tích cực tuyên truyền về các mô hình phát triển kinh tế ở địa phương
Đến nay, bản Na Tổng đã hình thành mô hình trồng rau sạch 2,7 ha với 20 hộ tham gia; tăng quy mô và tổng đàn chăn nuôi lợn thịt; áp dụng kỹ thuật vào sản xuất 2 vụ lúa hơn 100 ha đem lại năng suất cao, chất lượng gạo ngon. Đặc biệt, ông đã vận động nhân dân trồng sắn cao sản bước đầu cho năng suất cao; mô hình trồng ổi, thanh long, mô hình ươm cá giống, nuôi vỗ béo trâu, bò, lợn… cho bà con thu nhập từ 80 - 90 triệu đồng/hộ/năm; góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Về bản Na Tổng, xã Tam Thái, huyện Tương Dương những ngày này, nhiều người không khỏi ngạc nhiên về sự thay đổi nhanh chóng ở nơi đây. Từ một bản nghèo khó, người dân quanh năm chỉ biết phát nương làm rẫy, nhưng đến nay, bản Na Tổng đã toát lên một diện mạo mới khi trong bản có nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo; xuất hiện các mô hình kinh tế cho thu nhập cao. Để có được thành quả như ngày hôm nay, phải nhắc đến ông Nguyễn Trọng Tân – người có uy tín ở bản Na Tổng đã tích cực vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
“Ngoài ra, trong công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nhiều người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Người có uy tín gương mẫu trong tham gia phát triển kinh tế; đồng thời tích cực tuyên truyền bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, xây dựng thành công mô hình kinh tế trang trại. Nhờ vậy, đa số gia đình người có uy tín có kinh tế vững vàng nên đã hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nghèo biết cách kinh doanh, sản xuất, hỗ trợ cây giống, tiền mặt giúp cho họ thoát nghèo, nâng cao thu nhập. Nhờ đó, tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2 - 3 %/năm; trong đó bình quân tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm 3 - 4%/năm..." - ông Vi Mỹ Sơn, Phó Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An chia sẻ.
Theo Báo Đảng Cộng sản
Bình luận