Thứ tư, 08/05/2024, 01:31 [GMT+7]

“Bức tranh” du lịch Việt Nam năm 2011: Nhiều gam sáng - tối

Thứ sáu, 30/12/2011 - 09:38'
Vượt qua nhiều sóng gió, năm 2011 được đánh giá là năm "bội thu" của ngành "công nghiệp không khói" nước nhà với những con số tăng trưởng khá ấn tượng. Thế nhưng, đằng sau "bức tranh" nhiều gam màu sáng ấy vẫn bộc lộ không ít khoảng tối. 

» Công bố tiêu đề và biểu tượng mới của Du lịch VN 

Khách du lịch tham quan Đại Nội - Huế.

Từ những sóng gió…

Không chỉ liên tiếp đối mặt với những khó khăn xảy ra ở trong và ngoài nước như: tình hình lạm phát tăng cao, lũ lụt tại miền Trung, sự bất ổn chính trị và xung đột ở một số nước châu Phi và Trung Đông, động đất, sóng thần tại Nhật Bản, lũ lụt tại Bangkok (Thái Lan)… mà năm 2011 được xem là năm đầy sóng gió và nhiều điều tiếng của ngành du lịch Việt Nam. 

Khởi đầu năm, vấn đề lựa chọn, trao giải nhất cho logo và slogan "Viet Nam - A Different Orient, Việt Nam - Sự khác biệt Á Đông" tại cuộc thi "Sáng tác tiêu đề (slogan) - biểu tượng (logo) cho chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam giai đoạn 2011-2015" đã nhận sự phản đối gay gắt của các chuyên gia du lịch vì ngữ nghĩa tiếng Anh bất ổn và chiến lược phát triển còn mơ hồ. Kết quả, dù đã trao giải nhưng cuối cùng ngành du lịch lại chọn mẫu thiết kế Hoa sen của họa sĩ Trần Hoài Đức và tiêu đề "Việt Nam - Timeless Charm" - "Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận" làm logo và slogan chính thức cho giai đoạn phát triển mới. Rồi khi ngành du lịch chọn diễn viên Lý Nhã Kỳ làm Ðại sứ du lịch Việt Nam, dư luận lại ồn ào chuyện đúng, sai, hiệu quả hay không hiệu quả đối với công tác quảng bá hình ảnh du lịch nước ta. Đến chuyện Vịnh Hạ Long lọt vào top 7 cuộc thi bầu chọn kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, một lần nữa gây nhiều tranh cãi xung quanh cách thức bình chọn, giá trị của danh hiệu cũng như những khoản phí mà Tổ chức New Open World (NOW) đưa ra. Khi năm 2011 gần kết thúc, các dịch vụ liên quan đến du lịch như: phí tham quan Vịnh Hạ Long, vé máy bay… đồng loạt tăng giá lại khiến doanh nghiệp lữ hành "dở khóc, dở cười".

... Ðến sự tăng trưởng ấn tượng

Dù phải đối mặt với không ít sóng gió nhưng năm 2011 vẫn là năm thành công ngoài mong đợi của ngành "công nghiệp không khói" nước ta với kết quả đón 6 triệu lượt khách quốc tế.

Chia sẻ niềm vui này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, đây là năm đầu tiên du lịch nước nhà đạt kỷ lục tăng trưởng về lượng khách quốc tế. Nếu như mười năm trước, Việt Nam chỉ đón được lượng khách bằng 1/20 Philippines; bằng 1/40 các nước phát triển khác như: Singapore, Malaysia, Thái Lan, thì đến nay, khoảng cách này đã được rút ngắn. Thậm chí, hiện nay Việt Nam đã vượt qua Philippines. Tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm về lượng khách trên dưới 20%. Riêng năm 2011, doanh thu từ du lịch đạt 130 nghìn tỷ đồng (tăng 30% so với năm 2010). Hoạt động du lịch đã trở thành một trong những điểm sáng về kinh tế trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn thách thức. 

Bên cạnh con số khách quốc tế, trong năm vừa qua, ngành du lịch còn phục vụ hơn 30 triệu lượt khách du lịch nội địa. Năm nay cũng là năm đầu tiên, tất cả mười thị trường trọng điểm, hàng đầu gửi khách đến Việt Nam đạt mức tăng hơn 200 nghìn lượt khách/năm, trong đó chủ yếu là khách đến từ các thị trường: Ðông Bắc Á, Châu Âu, Bắc Mỹ và Ðông - Nam Á. "Mặc dù con số 6 triệu lượt khách quốc tế không phải là lớn so với lượng khách đến các nước khác trong khu vực có nền du lịch phát triển, nhưng đây thực sự là một điểm tựa, động lực mang ý nghĩa động viên mạnh mẽ với những người làm du lịch trong cả nước vươn tới các mục tiêu cao hơn", ông Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh.

Và những thách thức phía trước…

Nhìn vào "bức tranh" của ngành "công nghiệp không khói" nước nhà thời gian qua, công bằng mà nói đã có nhiều cố gắng nhưng sự tăng trưởng vẫn thiếu ổn định. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính là do chất lượng dịch vụ và công tác quảng bá còn yếu kém cùng với sự phối hợp của các đơn vị liên quan cũng như chính những người trong ngành còn lỏng lẻo. Các biện pháp đề ra mới chỉ giải quyết chút ít phần ngọn. 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém của ngành du lịch bộc lộ nhiều năm qua là chất lượng sản phẩm và nguồn nhân lực vẫn chưa được khắc phục và giải quyết một cách cơ bản. Không chỉ tái diễn nhiều hiện tượng chèo kéo, chụp giật, ép khách, lừa đảo… ở một số địa bàn trọng điểm du lịch như: Nha Trang, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, năm vừa qua còn đánh dấu một loạt tai nạn giao thông đường thủy ở Quảng Ninh và Bình Dương làm giảm đi hình ảnh tốt đẹp của du lịch Việt Nam. Mặt khác, sự phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch với doanh nghiệp của các ngành khác còn bất cập nên sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, giá cả cao, chất lượng dịch vụ thấp, không đồng đều ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của du lịch nước ta so với một số nước trong khu vực…

Các chuyên gia lữ hành nhận định, dù "bội thu" trong năm 2011 nhưng bước sang năm 2012 sẽ là một năm đầy khó khăn đối với ngành du lịch. Bởi trong nước lạm phát vẫn tăng cao, còn nhiều thị trường du lịch chính của Việt Nam ở nước ngoài cũng có những khó khăn lớn nên người dân cắt giảm chi tiêu, hạn chế đi du lịch. Trong bối cảnh ấy, vấn đề đặt ra với ngành du lịch nước ta là muốn tăng tốc phát triển cần phải có sự thay đổi. Tuy nhiên, thay đổi thế nào và thay đổi làm sao để tiếp tục có những "mùa vàng bội thu" và 6 triệu du khách quốc tế đến nước ta sẽ tiếp tục quay trở lại và giới thiệu với bạn bè họ (?)… dường như vẫn là bài toán khó đối với du lịch nước ta.

Trong năm 2012, mục tiêu của du lịch Việt Nam là đón 6,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng 8,3%), 32 triệu lượt khách nội địa (tăng 6,67%) và thu nhập du lịch đạt 150 ngàn tỷ đồng (tăng 15,3%). Nhiệm vụ mang tính đột phá của ngành du lịch trong năm 2012 là công tác quản lý điểm đến; tổ chức xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với logo và slogan mới và thành lập hai văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngoài ra, ngành du lịch cũng sẽ hoàn thiện và phê duyệt các đề án thu hút khách từ 8 thị trường trọng điểm, gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Australia, Pháp, Thái Lan và Nga.

Theo Hanoimoi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Trọn chữ “tâm” với hoạt động công đoàn
(BLC) - Theo danh sách những điển hình trong hoạt động công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh cung cấp, chúng tôi tìm gặp chị Bùi Thị Kim Liễu (Quản đốc Nhà máy chế biến Chè Lai Châu, Chủ tịch Công...