Chủ nhật, 19/05/2024, 22:22 [GMT+7]

Giải oan cho… Hiệp “vịt”

Thứ năm, 22/09/2011 - 09:15'
Vóc dáng “dặt dẹo”, giọng nói, cách diễn, đến nghệ danh cũng na ná, nghệ sĩ Nguyễn Tiến Hiệp, nghệ danh Hiệp “vịt” dễ bị xem là “cái bóng” của Hiệp “gà”. 

Nhưng khi Hiệp “vịt” làm náo loạn sân khấu Liên hoan hài toàn quốc vừa diễn ra tại Quảng Ninh với tiểu phẩm “Tấm vé số độc đắc” và giành Huy chương vàng, tên tuổi của anh dường như được… giải oan trước công chúng. Người trong nghề thì biết rõ Tiến Hiệp là con nhà nòi, diễn viên hài chính của Nhà hát Cải lương Hà Nội, có kinh nghiệm diễn xuất và thành tích khá dày dặn… 

Hiệp "vịt" trong một tiểu phẩm hài.

Xin chúc mừng anh, cảm giác của anh thế nào khi giành được Huy chương vàng tại Liên hoan sân khấu hài đầu tiên này?

- Không chỉ với tôi, mà với diễn viên hài nói chung, có được một cơ hội như Liên hoan hài toàn quốc lần này quả thật là rất mừng. Đó là cơ hội để người nghệ sĩ được đánh giá một cách đúng mức, người thật, việc thật. Được những người thầy trong nghề ghi nhận tài năng của mình bằng Huy chương, còn gì sung sướng bằng. Nếu không có hội diễn thì nghệ sĩ hài như tôi, biết bao giờ mới có huy chương. Nói gì thì nói, mình làm nghệ thuật thì cái đích phấn đấu, “chốt” lại cũng là mong có danh hiệu NSƯT, NSND. Dù anh làm mưa, làm gió ngoài thị trường nhưng vẫn mơ đến giá trị đích thực của người làm nghệ thuật là được bạn nghề, nhà nước công nhận. 

Dường như diễn viên hài thuộc đoàn nghệ thuật Nhà nước như anh, nhất là lại thuộc nghệ thuật cải lương, thì càng thấm thía hơn nỗi buồn thiếu “đất” để diễn, để thi thố ấy? “Rinh” được Huy chương vàng cá nhân cho diễn viên hài thuộc nghệ thuật cải lương quả là không dễ, phải không?

- Đúng vậy, tôi là quân của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Không như hài kịch hay chèo có hẳn vở riêng, một lớp lang dành cho hài, một vở cải lương, vai hài nhiều đất diễn lắm cũng chỉ có từ 15 đến 20 phút. Hài trong cải lương giống như một cầu lưu thông nho nhỏ, để khán giả thay đổi cảm xúc, bớt đi cái “bi” giữa các màn mà thôi. Hội diễn cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2005, với vai hài ngắn, chỉ xuất hiện 5 phút trong vở cải lương “Kỹ nữ thành Đông Quan” của đạo diễn Doãn Hoàng Giang tôi đã dành Huy chương bạc. Đây là một thành tích bất ngờ mà không phải nghệ sĩ hài nào cũng dám nghĩ tới vì giải thưởng thường hay rơi vào những vai có nhiều đất diễn. Tôi nghĩ chấm giải cho diễn viên hài là chấm tố chất, tính ấn tượng bởi vai diễn rất ngắn.

Con nhà “nòi”, bố là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng một thời, lại có chất giọng, sao anh vẫn theo hài, dù biết sẽ ít đất diễn?

- Tôi theo cải lương đến nay đã ngót 20 năm. Lúc chập chững biết đi, theo cha đi diễn, đứng sau tấm màn nhung sân khấu, tôi cũng nghĩ mình sẽ hoá thân thành những chàng hoàng tử. Nhưng khi tôi diễn, mọi người nói cái duyên hài của tôi mạnh quá, ai cũng bảo tôi có duyên giống bố - NSƯT Linh Dược, nhà hát Cải lương Việt Nam, nghệ sĩ hài nổi tiếng một thời – nên phân cho tôi những vai diễn có tính chất hài. Năm 1995, khi mới tập toẹ đóng hài, tôi đã giành được Huy chương đồng trong hội diễn tại Huế. Dần dà, tôi trở thành cây hài chính của nhà hát Cải lương Hà Nội. Những tiểu phẩm ngắn của Nhà hát được công chúng Thủ đô rất yêu thích. 

Anh gắn bó với sân khấu hài đã lâu, có tài và được khẳng định, nhưng phải nói thật, nghệ danh Hiệp “vịt” có thể khiến khán giả hiểu lầm?

- Khi mới ra ngoài diễn show, nhiều người gợi ý tôi đặt nghệ danh để dễ tạo thương hiệu. Với cái tên Hiệp “vịt”, ban đầu tôi cũng sợ vô tình sẽ tạo ra một sự so sánh, nhưng tôi nghĩ nó cũng như một con dao hai lưỡi, nó cho tôi động lực để diễn, tạo dấu ấn riêng. Tôi là một nghệ sĩ chuyên nghiệp, vậy tôi phải có tác phẩm gì, có màu sắc riêng của mình để không bị lẫn với Hiệp “gà”, Văn Hiệp,… Hiệp “vịt” có thể có bề ngoài, giọng nói na ná Hiệp “gà” nhưng “chất hài” phải khác. Tôi luôn đưa một chút cải lương vào tác phẩm của mình một cách đúng lúc, đúng chỗ để gây ấn tượng. 

Công chúng đón nhận chất hài riêng của anh như thế nào?

- Trước đây tôi cùng kết hợp với Vượng “râu” làm nhiều chương trình hài như Góc hài, Cười từ nhà ra phố,… Bây giờ, tôi tách ra làm riêng, nhóm Hiệp “vịt” từng đứng chung những sân khấu lớn cùng các sao ca nhạc như Đàm Vĩnh Hưng, Phi Nhung, Tuấn Vũ, Akira Phan… diễn chung với các nghệ sĩ hài nổi tiếng như Vân Dung, Quang Thắng… Một khi Hiệp “vịt” đã đổ cải lương thì khán giả không thể không vỗ tay. Mới đây, tôi dàn dựng sê-ri 3 tiểu phẩm hài phê phán các tệ nạn xã hội: Kiếp lô đề, Kiếp ngu tình, Chán đời bán vợ… được khán giả rất yêu thích. Tôi rất tự hào với thành tích ở liên hoan vừa rồi, vì ở đó không chỉ có công chúng mà còn cả bạn nghề, những người thầy trong lĩnh vực sân khấu công nhận.

Cũng tại Liên hoan hài vừa qua, nhiều người đã thẳng thắn nhận xét rằng sân khấu hài đang thoái trào và phê phán sự trùng lặp kịch mục, lối diễn…?

- Tôi cũng rất trăn trở điều này. Không thể cứ “mài” duyên hài ra mà ăn được, nghệ thuật này không có đỉnh cao, nghệ sĩ hài không thể ỉ vào tên tuổi của mình, mà phải luôn luôn sáng tạo cái mới, nếu không sẽ tự đào thải mình.

NSND Mạnh Tưởng từng chia sẻ với chúng tôi rằng nhiều khi ông xem hài mà chỉ muốn tắt… ti vi đi vì có những người cố tình lao vào làm hài dù không có khả năng. Ông cũng cảm thấy tiếc cho những nghệ sĩ có năng lực thật sự nhưng thiếu sân chơi, thiếu cơ hội để “bung” ra với công chúng. Khán giả đã thấy nhàm với những gương mặt cũ, lặp đi lặp lại trên truyền hình nhưng có rất nhiều nghệ sĩ có tài ở các đơn vị nghệ thuật nhà nước lại không thể “lọt” vào sân chơi này được. Đó cũng là một vấn đề của đời sống hài kịch hiện nay. Tôi nghĩ nếu như Liên hoan hài diễn ra cách đây 5-7 năm, vào lúc hưng thịnh của hài kịch thì hẳn đã có rất nhiều gương mặt hài được các nhà sản xuất, đạo diễn phát hiện, chắp cánh cho họ. Bên cạnh sự năng động của mỗi nghệ sĩ thì cơ hội là yếu tố quyết định. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn tin tưởng rằng nếu mình có tài năng, có tâm và hết mình với nghề thì “yêu nghề, nghề chẳng phụ”, rồi công chúng sẽ ghi nhận tên tuổi của mình.

- Xin cảm ơn anh!

 

Theo Hanoimoi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...