Chủ nhật, 19/05/2024, 18:54 [GMT+7]

Khảo cổ học VN: Lấn bấn vì thiếu quy hoạch

Thứ ba, 11/10/2011 - 10:10'
Trong năm 2011, Việt Nam đã có 430 phát hiện, nghiên cứu mới về khảo cổ. Con số này cho thấy lượng di chỉ được khai quật tương đối lớn, thu được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, khảo cổ học Việt Nam vẫn gặp không ít khó khăn, chủ yếu là do thiếu quy hoạch tổng thể và thiết bị hiện đại. 

Những phát hiện giá trị

So với những năm trước, năm 2011, ngành khảo cổ học đã phát hiện được nhiều di tích, di vật hơn, trong đó có những di vật rất có giá trị. Những phát hiện mới đã giúp chúng ta khôi phục lại một phần bức tranh lịch sử, văn hóa, văn minh của người Việt.

Các nhà khảo cổ khai quật, nghiên cứu Trường Lũy đá tại xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi.

Những kết quả mang tính điển hình có từ cuộc khai quật hang Con Moong (Thanh Hóa) lần thứ hai, do Viện Khảo cổ học Việt Nam hợp tác với Viện Hàn lâm khoa học Nga thực hiện. Kết quả lần khai quật này đã mang lại những nhận thức mới về sự biến đổi khí hậu từ xa xưa đã ảnh hưởng đến hang Con Moong như thế nào, nó cũng giúp xác định được sự phong phú và tính đa dạng của thành phần giống loài động vật ở đây, đồng thời xác nhận Con Moong là nơi cư trú lâu dài, liên tục của cư dân thời tiền sử, có thể cách ngày nay từ 4.000 đến 6.000 năm.

Tại Quảng Ngãi, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Viện Viễn Đông bác cổ và Sở VH,TT&DL Quảng Ngãi tiến hành khảo sát khu Trường Lũy. Kết quả khai quật cho thấy đây là một công trình kiến trúc độc đáo bậc nhất Đông Nam Á. Với chiều dài gần 200km, bắt đầu từ huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đến huyện An Lão (Bình Định), nhiều phần của Trường Lũy được làm bằng đá, phần khác được làm bằng đất và có những đoạn làm bằng đất lẫn đá. Các chuyên gia đã phát hiện kỹ thuật xếp đá đặc biệt, được áp dụng linh hoạt chứ không cứng nhắc đối với từng đoạn lũy. Theo các nhà khảo cổ, sự đa dạng này xuất phát từ việc tận dụng vật liệu tại chỗ, yêu cầu xây dựng cấu trúc của lũy và kỹ thuật xây dựng của người H're bản địa, người Việt và binh lính thời đó. Nhờ kỹ thuật xếp đá khéo léo của người xưa, Trường Lũy có độ bền cao, không bị sạt lở, trôi trượt dù đã trải qua hàng trăm năm. Ở nhiều nơi, lũy cao tới 4m, chân lũy rộng 6m, mặt trên rộng 2,5m. Nhiều nhà khoa học cho rằng nếu người Trung Quốc tự hào có Vạn Lý Trường Thành thì giờ đây ta cũng có thể tự hào về Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định.

Gần đây nhất, vào tháng 8-2011, Trường ĐH KHXH&NV kết hợp với Bảo tàng Hà Nội và Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật di chỉ Vườn Chuối lần thứ 4 tại làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Kết quả là đã phát hiện 9 ngôi mộ thời văn hóa Đông Sơn và một số lượng lớn di vật của cả 3 tầng văn hóa Đông Sơn, Đồng Đậu, Gò Mun gồm đồ gốm, đá, đồng, xương với số lượng lớn, đa dạng về hình loại, chất liệu. Một số di vật có giá trị cao như vật đeo hình đầu trâu, khuyên tai hình gối quạ, hạt chuỗi, vòng tay, khuôn đúc rìu bằng đá sa thạch có họa tiết trang trí... PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung, Trường ĐH KHXH&NV cho rằng, việc thu được một số hạt gạo đã cháy, xương động vật, nồi gốm còn nguyên vết muội bám, củi gỗ cháy dở cùng hố bếp hình lòng chảo chứng tỏ đây từng là nơi cư trú của cư dân cách đây 3.000 năm.

Bị động vì thiếu quy hoạch

Tuy có nhiều đóng góp trong việc giúp các nhà quản lý lập quy hoạch chi tiết để bảo vệ, tôn tạo, xếp hạng và khai thác di tích, di sản mới phát hiện nhưng ngành khảo cổ học nước ta đang đối diện với sự khó khăn nhất định. Theo PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam thì để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu sâu, chúng ta còn rất thiếu về kinh phí và thiết bị hiện đại. Chúng ta thiếu máy phân tích các thành phần, niên đại, chất liệu của các di vật, di tích, thiếu phương tiện phục vụ cho việc bảo quản di vật. Chính khó khăn này làm cho công tác nghiên cứu, thẩm định di chỉ gặp nhiều khó khăn và đây cũng là nguyên nhân khiến chúng ta thường phải tiến hành khai quật "chữa cháy", chậm trễ trong việc đưa ra các chứng cứ khoa học xác đáng. Trong thực tế, để xác định niên đại hạt thóc Thành Dền, chúng ta phải nhờ các nhà khoa học Nhật Bản giúp đỡ. Mặt khác, hầu hết các địa phương, kể cả Hà Nội cũng chưa có quy hoạch chung về khảo cổ nên khi phát hiện di tích, di chỉ, việc thực hiện khai quật rất vất vả. Vì không có quy hoạch nên việc khai quật nhiều di tích diễn ra trong tình thế bị động, nào là nghiên cứu thăm dò, họp các ngành, lo kinh phí… Như với di chỉ Vườn Chuối ở Hà Nội thuộc thời kỳ sơ sử, có ý nghĩa quan trọng nhưng chỉ được khai quật khi các ngành, các cấp kêu, chứ ngành khảo cổ không thể chủ động từ đầu. Một vấn đề khác rất đáng quan tâm là tuy chưa có báo cáo, điều tra đầy đủ nhưng ở nhiều nơi, do không biết nên người dân vẫn đào phá di tích; hoặc biết nhưng cố tình đào phá để lấy cổ vật.

Theo PGS-TS Tống Trung Tín, để giải quyết tình trạng trên, các cơ quan có thẩm quyền cần có kế hoạch tăng nguồn kinh phí cho đầu tư nghiên cứu khảo cổ học và đầu tư trang thiết bị hiện đại. Có như vậy, ngành khảo cổ học mới có điều kiện nghiên cứu tốt hơn, phục vụ tốt hơn quá trình phục dựng diện mạo lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Theo Hanoimoi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...