Chủ nhật, 19/05/2024, 22:33 [GMT+7]

Sao Mai 2011: Một mùa giải nhạt nhòa

Thứ ba, 06/09/2011 - 08:12'
Không có giải đặc biệt cho thí sinh nổi bật của cả mùa Sao Mai như kỳ vọng ban đầu của những người tổ chức, 3 ngôi sao mới lên ngôi là Đào Thị Tố Loan, Lương Nguyệt Anh và Đoàn Thị Thúy Trang đều sáng nhưng không nhiều cá tính. Điều đáng nói là Sao Mai lần này thiếu hẳn sức hút và bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý trong khâu tổ chức.

Ba nữ quán quân 

Trong đêm chung kết xếp hạng diễn ra tối 4-9 vừa qua, giải nhất phong cách thính phòng Đào Thị Tố Loan và giải nhất phong cách dân gian Lương Nguyệt Anh đều thành công ở các ca khúc bị coi là "cũ". Chọn "Cô gái vót chông" (Hoàng Hiệp), Tố Loan khắc phục được nhược điểm hát nhanh và cao không rõ lời ở những lần thi trước khi cô hát với tiết tấu chậm, nhẹ nhàng. Tố Loan cũng bộc lộ sự thông minh khi đem lại cảm giác hồi hộp cho người nghe ở đoạn khoe giọng vocal. Lương Nguyệt Anh làm sáng ca khúc quê mình "Làng quan họ quê tôi" (Nguyễn Trọng Tạo). Cô hát ngọt ngào, đằm thắm, lại có cả nét trẻ trung, dễ thương của các cô gái ngày nay.

Tố Loan (giữa) đoạt giải nhất Sao Mai phong cách thính phòng. 

Tưởng như phong cách nhạc nhẹ là dễ dự đoán quán quân nhất khi Lê Việt Anh (Hà Nội) chinh phục hoàn toàn khán giả ở những vòng thi trước với sở trường acoustic sáng tạo, giàu tiết tấu. Thế nhưng Đoàn Thị Thúy Trang (Hà Nội) lại xuất sắc giành ngôi vị cao nhất. Ở Thúy Trang có sự tươi mới, trẻ trung và vẻ ưa nhìn. Cô biết chọn "gu" nhạc nhẹ hiện nay của giới trẻ và tỏa sáng đúng lúc. Trong khi Lê Việt Anh bỗng nhiên không phát huy sự tinh tế và thông minh như trước mà lại "phá" trong "Vậy thôi" (Xuân Thủy) khiến cả mình và người nghe hơi mệt.

Cả 3 dòng nhạc đều là nữ soán ngôi để lại tiếc nuối cho khán giả với phần thể hiện được đánh giá là tốt của Vũ Thắng Lợi (Quảng Ngãi - phong cách thính phòng) và Nguyễn Huy Quyết (Hải Phòng - phong cách nhạc nhẹ). 

Thiếu hẳn sự hấp dẫn

Sân khấu đêm chung kết xếp hạng lộng lẫy, sống động vớt vát cho một mùa Sao Mai nhạt nhòa và nhiều điểm không hợp lý nhất từ trước đến nay. Năm 2005, Ban tổ chức cuộc thi đã chia 3 phong cách âm nhạc để thí sinh có thể phát huy được sở trường, được coi là quyết định "đột phá" và khiến cho Sao Mai khác biệt và uy tín hơn hẳn nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát khác. Nhưng năm nay, việc thay đổi quy chế, cộng điểm cho thí sinh được bình chọn nhiều nhất để liên tục những gương mặt được giới chuyên môn đánh giá cao bị loại, đã gây nhiều phản hồi. Ở một cuộc thi có tính chuyên nghiệp cao như Sao Mai thì sự công bằng từ đánh giá của Ban giám khảo, vốn là những nghệ sĩ âm nhạc hàng đầu, phải đặt lên trước nhất. Thí sinh được lựa chọn phải khiến giới chuyên môn và khán giả "tâm phục khẩu phục". Có lẽ, Ban tổ chức Sao Mai lần sau cần lưu ý về thay đổi này.

Có thể thấy, Sao Mai ngày càng nhạt nhòa và kém sức hút cũng bởi đối tượng thí sinh vẫn từ các "lò" học viện, nhạc viện, đại học âm nhạc lớn, nên "gu" chọn bài, xử lý bài hát thường giống hệt các mùa thi trước. Hơn nữa, chương trình với hàng loạt sự cố (âm thanh kém, mất điện) và phát sóng muộn khiến khán giả chán nản khi theo dõi. Song nguyên nhân chính vẫn là cách thức tổ chức một chương trình truyền hình thiếu hẳn sự hấp dẫn. Ưu thế của Sao Mai là chất lượng thí sinh đầu vào rất tốt, lại chia thành 3 phong cách âm nhạc nên khuyến khích được mọi đối tượng theo dõi. Vậy mà Sao Mai 2011 nhận được quá ít sự quan tâm cả của giới chuyên môn và khán giả. Thậm chí nó còn kém sức hút hơn cả phiên bản "đàn em" là Sao Mai điểm hẹn. Tại sao như vậy và làm thế nào để Sao Mai trở thành một cuộc thi được nhiều đón đợi như trước đây? Câu hỏi ấy xin gửi những người tổ chức.

Theo Hanoimoi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...