Thứ tư, 08/05/2024, 03:28 [GMT+7]

Triển lãm Art dolls của nghệ sĩ trẻ Trần Thu Hằng: Búp bê gỗ kể chuyện

Thứ hai, 19/09/2011 - 08:52'
Triển lãm Art dolls - nghệ thuật búp bê -  mang tên "Thủ thỉ" của nghệ sĩ trẻ Trần Thu Hằng (sinh năm 1984) mới diễn ra được một tuần tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản (27 Quang Trung) nhưng đã được nhiều người biết tới.

Cuốn sổ lưu niệm đã có hàng chục trang viết chia sẻ câu chuyện về 21 tác phẩm búp bê gỗ sinh động của "cô nghệ sĩ trẻ ham chơi" này. Trần Thu Hằng chia sẻ câu chuyện búp bê của cô với bạn đọc Hànộimới.

Một tác phẩm của Trần Thu Hằng.

- Có nhận xét rằng Thu Hằng là “người đi tiên phong trong việc tạo ra dòng Art dolls tại Việt Nam”. Bạn nghĩ gì về điều này?

- Thật ra, khi bắt đầu mày mò làm búp bê tôi cứ nghĩ mình là người khám phá ra môn nghệ thuật liên quan đến những con búp bê bằng gỗ này. Sau đó mới biết thế giới có cả dòng nghệ thuật mang tên Art dolls. Nhưng có lẽ chính niềm tin tuyệt đối lúc đầu ấy đã cho tôi động lực, nhất là cảm hứng sáng tạo để hóa thân vào những con búp bê gỗ. Tôi thích búp bê từ nhỏ. Mỗi lần mẹ phải đi biểu diễn xa là khóc đầm đìa. Nhưng nếu mẹ hứa mang về cho một “em bê” là tôi nín.

Một nghệ sĩ đi trước trong giới mỹ thuật nói rằng “ở Việt Nam đã có nhiều người làm búp bê, như nghệ nhân Tuyết Chinh với những con búp bê mang trang phục dân tộc… nhưng không ai theo dòng Art dolls, tức là mỗi con búp bê là một sắc thái sinh động với những câu chuyện riêng…”. 

-  Liệu có phải môi trường gia đình nghệ sĩ đã cho bạn những điều kiện thuận lợi?

- Tôi học hội họa. Bố cũng chỉ có thể giúp tôi ở lĩnh vực này. Mẹ không biết về điêu khắc nhưng lại cho tôi nguồn cảm hứng lớn lao và đặc biệt là những kinh nghiệm trong nữ công gia chánh. Tôi mày mò dần, bắt đầu từ hội họa thôi. Những con búp bê lúc đầu rất ngô nghê. Và cả đến nay, nếu so búp bê của mình với búp bê của thế giới thì có thể mình vẫn vụng, nhưng quan trọng là mình có ý tưởng, có cách cảm cuộc sống riêng. Ngoài bố mẹ ra, tôi còn học ở mọi người xung quanh, từ người thợ cắt gạch, cắt kính… để làm phụ kiện cho búp bê.

- 21 tác phẩm của bạn đã kể những câu chuyện gì mà người xem để lại nhiều dòng lưu bút xúc động như vậy?

- Hầu như những tác phẩm búp bê của tôi đều mang khuôn mặt trẻ thơ. Có thể nhiều người đã tìm thấy bóng dáng tuổi thơ của họ trong những tác phẩm này. Đó là một “Chú bé đang ngồi bô”, rồi “Mẹ vắng nhà cũng được”. Hay như “Cứ bắc thang lên mái nhà là hái được sao”, “Ngủ gật”, “Ở lớp cô dạy em thế”, “Em cá ơi, đi ngủ thôi!”…

- Có một nghệ sĩ nước ngoài làm búp bê độc bản rồi gắn cho nó hình dáng, tên tuổi, số phận… riêng và bán được rất nhiều. Thu Hằng có nghĩ sẽ làm búp bê theo cách này?

- Đối với nghệ sĩ, mỗi tác phẩm là một đứa con tinh thần, mà có thể họ sẽ không bao giờ làm lại được lần thứ hai nữa. Nhiều người khuyên tôi nhân bản tác phẩm này lên, nhưng tôi nghĩ làm tràn lan thì tác phẩm sẽ mất cái hồn. Tôi nghĩ mình sẽ theo đuổi búp bê gỗ nghệ thuật. Bên cạnh đó, tôi làm những búp bê đặt hàng (chủ yếu là các phụ huynh muốn khắc họa chân dung con cái) bằng chất liệu silicon để có thể tự trang trải. Làm búp bê đặt hàng cũng cho tôi nhiều kinh nghiệm để quay trở lại làm búp bê gỗ nghệ thuật tốt hơn.

- Xin cảm ơn bạn!

 

Theo Hanoimoi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Trọn chữ “tâm” với hoạt động công đoàn
(BLC) - Theo danh sách những điển hình trong hoạt động công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh cung cấp, chúng tôi tìm gặp chị Bùi Thị Kim Liễu (Quản đốc Nhà máy chế biến Chè Lai Châu, Chủ tịch Công...