Thứ sáu, 26/04/2024, 03:00 [GMT+7]

Văn hóa sử dụng điện thoại di động: Chưa định hình đã mai một

Thứ năm, 15/08/2013 - 08:20'
Điện thoại nói chung và điện thoại di động (ĐTDĐ) nói riêng là phương tiện liên lạc, công cụ giao tiếp hữu ích không thể thiếu trong xã hội hiện đại. Thế nhưng, dưới góc nhìn của những nhà nghiên cứu văn hóa, phương tiện giao tiếp này tiềm ẩn nguy cơ làm mai một bản sắc văn hóa Việt...

Theo thống kê, hiện một người dân đăng ký và sử dụng 1,5 thuê bao. Chiếc ĐTDĐ ngày nay ngoài chức năng liên lạc còn có thể đưa ra các dịch vụ giải đáp, hỗ trợ hữu ích cho người sử dụng như định vị GPRS, truy cập internet, tương tác qua âm thanh, hình ảnh… Những lợi ích mà ĐTDĐ mang lại là không thể phủ nhận. 

Xây dựng văn hóa sử dụng ĐTDĐ  và tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân, nhất là lớp trẻ là điều cần thiết trong thời điểm hiện nay. Ảnh: Thanh Hải

Xây dựng văn hóa sử dụng ĐTDĐ và tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân, nhất là lớp trẻ là điều cần thiết trong thời điểm hiện nay. Ảnh: Thanh Hải

Tuy nhiên, không phải lúc nào ĐTDĐ cũng được sử dụng đúng công năng, mục đích, ý nghĩa. Theo kết quả khảo sát của Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, có 57% người có thu nhập cao cho rằng ĐTDĐ là sự thể hiện khả năng kinh tế của mỗi người; 23,1% người nghèo và 25% người có thu nhập trung bình cũng có cùng quan niệm trên; 24,4% nghĩ rằng ĐTDĐ thể hiện sự sành điệu, nên luôn muốn sử dụng chiếc thời thượng nhất. "Những con số này phần nào chứng tỏ nhiều người mặc nhiên thừa nhận những người có thu nhập cao là những người có địa vị xã hội cao. Ở góc độ này, ĐTDĐ giúp cá nhân khách thể hóa địa vị xã hội của mình, vì thế nhiều người thu nhập thấp và trung bình cũng cố gắng để có thể sở hữu được một chiếc điện thoại đôi khi gấp 2 - 3 lần lương tháng của họ để thể hiện địa vị xã hội. Đó là điều nguy ngại", TS Bùi Hoài Sơn, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh. Không những thế, người sử dụng ĐTDĐ ngày nay còn có quyền quyết định sự thành công hay thất bại của một cuộc thi, một sự kiện hoặc một cá nhân, điển hình như các chương trình tương tác với các phương tiện truyền thông đang "hot" hiện nay như: Tìm kiếm tài năng Việt, Giọng hát Việt, Bước nhảy hoàn vũ... Tưởng như việc bình chọn này là khách quan, công khai, nhưng dưới góc nhìn của TS Bùi Hoài Sơn, "kênh giao tiếp" này là một trong những nguyên nhân khiến cái tôi cá nhân thể hiện ngày một rõ, trong khi người Việt ta vốn trọng cộng đồng, tình đoàn kết.

Đáng nói hơn, hành vi sử dụng ĐTDĐ không văn hóa của một bộ phận không nhỏ lớp trẻ đã làm ảnh hưởng xấu tới văn hóa. "Thí sinh dùng điện thoại để quay cóp, tra cứu đáp án, gửi đề thi ra ngoài, làm lộ đề thi… Không ít giáo viên cũng phàn nàn về việc tiết học đang tiến hành thì bị gián đoạn bởi tiếng chuông điện thoại trong lớp bất ngờ vang lên. Nhiều bậc phụ huynh còn đầu tư cho con những chiếc điện thoại đắt tiền, sành điệu. Họ đã góp phần hình thành thói quen đua đòi, tiêu tiền hoang phí khi bản thân các em còn đang ngồi trên ghế nhà trường", bà Nguyễn Liên Hương, Tạp chí VHNT Việt Nam lo ngại. Thêm nữa, hiện tượng sử dụng một loại ngôn ngữ rất khác lạ so với tiếng Việt trong tin nhắn của giới trẻ mà có người gọi là ngôn ngữ ý đang dần làm mất đi sự trong sáng, chuẩn mực của tiếng Việt. 

Sử dụng ĐTDĐ cũng cần kỹ năng?

Dù Luật Giao thông đường bộ quy định rõ: "Cấm người đang điều khiển mô tô, xe gắn máy có hành vi sử dụng điện thoại di động"; Nghị định 71/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cũng đưa ra mức xử phạt 60.000 - 80.000 đồng/người đang điều khiển mô tô, xe gắn máy sử dụng ĐTDĐ, thiết bị âm thanh; thông điệp an toàn giao thông "Gọi điện thoại khi lái xe thì thần chết sẽ gọi bạn" gửi đi khắp nơi nhưng không phải ai cũng ý thức được điều đó. Trên đường phố không hiếm người lái xe bằng một tay vì còn bận… a lô, có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Còn trong trường học, không có quy định nào cấm học sinh sử dụng điện thoại di động nên rất khó để quản lý. 

Từ thực trạng này, bà Nguyễn Liên Hương kiến nghị nên xây dựng văn hóa sử dụng ĐTDĐ và tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân, nhất là lớp trẻ. Để làm được điều này, ngành giáo dục nên đưa văn hóa sử dụng ĐTDĐ vào giảng dạy, coi đây là một trong những kỹ năng sống, giúp học sinh, sinh viên biết khai thác các chức năng của điện thoại, biết sử dụng đúng lúc, đúng chỗ với mục đích. Nhà trường và phụ huynh học sinh cần phối hợp để có những định hướng đúng đắn, bổ sung thêm kiến thức, phát động nhiều phong trào để những người trẻ tuổi có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, không nên tạo ra một ngôn ngữ khác lạ khiến việc giao tiếp trong cộng đồng trở nên khó khăn. Phạt nặng đối với những người vẫn ngang nhiên sử dụng ĐTDĐ khi tham gia giao thông. Những đề xuất trên không phải không có lý khi văn hóa sử dụng ĐTDĐ ở nước ta chưa định hình, còn những mặt trái của nó thì đã thấy rõ.

 

Theo Minh Ngọc (hanoimoi)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...