Thứ năm, 02/05/2024, 11:17 [GMT+7]

Sắc màu hữu nghị

Thứ ba, 31/12/2019 - 12:29'
(BLC) - Lễ hội ném còn 3 nước Việt - Lào - Trung lần thứ VI là dịp để huyện Mường Tè nói riêng, tỉnh Lai Châu nói chung giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, đất và người Lai Châu hùng vĩ, tươi đẹp, mảnh đất Mường Tè giàu truyền thống, đặc sắc về văn hóa và mến khách. Do đó, diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể dục độc đáo, thu hút đông đảo đại biểu, du khách, bạn bè quốc tế và Nhân dân mọi miền Tổ quốc về tham dự. Phóng viên Báo Laichau Online ghi lại một số ý kiến.

<> Liên hoan nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc

Tăng cường giao lưu, hợp tác, đối ngoại

Đồng chí Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Lễ hội: Lễ hội là sự kiện quan trọng nhằm tăng cường giao lưu, hợp tác, đối ngoại giữa các huyện giáp biên giới; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa Đảng, chính quyền, Nhân dân khu vực biên giới. Đây không chỉ là hoạt động ngoại giao Nhân dân còn quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc tỉnh Lai Châu nói chung, huyện Mường Tè nói riêng tới bạn bè quốc tế.

Với sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, các hoạt động tại Lễ hội đảm bảo yêu cầu, mục đích, đặc biệt thể hiện rõ bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc huyện Mường Tè cũng như các địa phương nước bạn tham dự.

Quyết liệt chỉ đạo, huy động tổng lực phục vụ Lễ hội

 Đồng chí Mai Văn Thạch - Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội: Lễ hội tổ chức tại huyện Mường Tè có tác động to lớn và sâu sắc. Bởi, đây là sự kiện chính trị, văn hóa, đối ngoại hết sức quan trọng trong năm 2019. Tuy nhiên, lần đầu tiên đăng cai tổ chức nên gặp nhiều khó khăn: huyện biên giới, kinh tế chưa phát triển, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, kinh phí hạn chế; quy mô lớn, lượng khách đông nhất từ trước đến nay, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy…

Ngay từ đầu năm, huyện thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, các Tiểu ban (nội dung, tuyên truyền; cơ sở vật chất, hậu cần; an ninh trật tự); phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên đảm bảo theo kế hoạch của UBND tỉnh. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Ngoại vụ, Công an tỉnh và các sở, ngành liên quan chuẩn bị tốt nội dung chương trình nghệ thuật, điều lệ, trọng tài, huấn luyện vận động viên thi đấu thể thao, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ Lễ hội. Ban hành kế hoạch, công văn yêu cầu, phân công nhiệm vụ các địa phương chuẩn bị Lễ cúng còn, không gian văn hóa, Lễ hội ẩm thực đường phố, trang trí tuyến đường, khu dân cư... Các đơn vị chủ động triển khai thực hiện công tác đón tiếp, đảm bảo an ninh trật tự cho các đoàn vận động viên quốc tế.

Đón tiếp chu đáo, trọng thị

Ông Hoàng Kiến Phúc – Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban công tác Mặt trận thống nhất huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc): Đoàn Đại biểu huyện Giang Thành rất vui mừng khi lần đầu tiên đến Mường Tè tham dự Lễ hội. Chúng tôi cử đoàn vận động viên, diễn viên tham gia đầy đủ các nội dung về thể thao, văn hóa theo kế hoạch. Ấn tượng đối với thành viên trong Đoàn là công tác chuẩn bị của đơn vị bạn rất chu đáo, đón tiếp trọng thị, thân tình, Nhân dân mến khách. Lễ hội đã thể hiện rõ nền văn hoá đặc sắc của mỗi dân tộc của các địa phương tham dự thông qua gian hàng Hội chợ, chương trình nghệ thuật khai mạc, liên hoan nghệ thuật và trình diễn trang phục, lễ hội đường phố... Đây thực sự là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc và sự hợp tác thương mại của 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc.

Giới thiệu văn hóa đặc sắc của dân tộc Si La

Nghệ nhân Hù Cố Xuân (dân tộc Si La, bản Seo Hai, xã Kan Hồ, huyện Mường Tè): Si La là một trong những dân tộc dưới 1.000 người hiện đang sinh sống tại huyện Mường Tè. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, nhà nước với nhiều chính sách hỗ trợ đặc biệt, đồng bào Si La gìn giữ, khôi phục nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc.

Lễ hội ném còn giữa các huyện có chung đường biên giới 3 nước Việt - Lào - Trung lần thứ VI tổ chức tại huyện Mường Tè, chúng tôi rất vui mừng vì có cơ hội giới thiệu tới Nhân dân các dân tộc và du khách, bạn bè quốc tế những nét đặc trưng trong văn hóa từ sinh hoạt, sản xuất, đời sống tinh thần của đồng bào Si La thông qua không gian văn hóa. Không chỉ dựng ngôi nhà truyền thống, trưng bày vật dụng gắn liền với tập quán sản xuất, sinh hoạt hàng ngày, chúng tôi còn trực tiếp thể hiện những làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc.

Ném còn - môn thể thao hấp dẫn nhất

Vận động viên Cà Thị Đay (Đoàn thành phố Điện Biên): Từ lâu, ném còn trở thành trò chơi dân gian hấp dẫn nhất của dân tộc Thái, thường tổ chức vào dịp lễ, tết, ngày hội và hiện nay đã đưa vào nội dung thi đấu trong một số giải thể thao. Quả còn được tung lên cao nhằm hướng vòng tròn trên đỉnh cột, khi vút qua cột tre, những dây tua ngũ sắc cũng lướt xòe với màu sắc rực rỡ rất đẹp mắt.

Chơi ném còn không chỉ mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Thái mà có thể rèn luyện sự tinh tế, khéo léo như một môn thể thao, tinh thần sảng khoái, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó bản trên, mường dưới. Do đó, không phân biệt giới tính, độ tuổi, không khí cuộc chơi luôn sôi động, hấp dẫn.

Khi được lựa chọn tham gia Đoàn vận động viên thi đấu thể thao tại Lễ hội, tôi chuẩn bị rất kỹ. Thời tiết nắng đẹp, ít gió nên tôi khá hài lòng với thành tích của mình: 4/10 lần ném còn qua vòng tròn trên cao và 5/10 lần ném còn vào thùng. Khi các vận động viên thi đấu nhận được sự cổ vũ, khích lệ của rất đông khán giả nên đều tự tin, thoải mái, thi đấu hết mình.

Tinh thần thể thao cao thượng

Vận động viên Thạo Sổm Tụi Phon Sạ Vẳn Lào Chung (Đoàn tỉnh Phông Sa Lỳ, Lào): Đây là lần thứ 3 tôi tham gia thi đấu môn tù lu, đẩy gậy, kéo co tại Lễ hội. Mỗi môn đều đòi hỏi sức khỏe, kỹ chiến thuật và niềm đam mê nhưng quan trọng nhất trong thi đấu là tinh thần thể thao cao thượng. Tham gia thi đấu 3 ngày qua, tôi nhận thấy các vận động viên của 4 đoàn bạn đều rất nỗ lực, quyết tâm, tuân thủ điều lệ thi đấu và tôn trọng đối thủ. Nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về thể lực, chiến thuật, tôi đạt một số thành tích. Tôi rất vui vì sự chuẩn bị chu đáo về sân bãi, nơi ăn nghỉ, chăm sóc sức khỏe của đoàn chủ nhà giúp chúng tôi thi đấu đạt kết quả như mong muốn.

Ấn tượng lễ hội vùng biên

Chị Đặng Lê Thạch Thảo (Du khách Hà Nội): Lần đầu tiên tôi tham dự Lễ hội ném còn ở vùng cao Tây Bắc. Trước khi đến, tôi đã cập nhật nhiều thông tin nhưng quả thật có quá nhiều bất ngờ. Tôi đặc biệt ấn tượng với không gian văn hóa của 7 dân tộc huyện Mường Tè. Ở đây tái hiện toàn diện đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc huyện biên giới xa xôi. Trang phục truyền thống rất đẹp; nhạc cụ với âm hưởng riêng có của núi rừng đi vào lòng người. Tôi cùng bạn bè dành cả ngày tham quan, tìm hiểu vẫn thấy chưa đủ. Những hình ảnh tôi chụp, khi gửi lên mạng xã hội được bạn bè “like” và nhắn gửi chắc chắn 1 lần lên Tây Bắc, ghé thăm Mường Tè để tận mắt trải nghiệm, khám phá.

Sự kiện văn hóa ý nghĩa

Chị Lý Thị Hồng (khu 1, thị trấn Mường Tè): Sinh ra và lớn lên tại huyện nhưng lần đâu tiên tôi được tham gia phục vụ và chứng kiến Lễ hội có quy mô lớn, nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trong huyện cũng như nước bạn Lào, Trung Quốc.

Ném còn là trò chơi gắn bó với chúng tôi rất lâu nhưng chủ yếu vẫn là phần hội, phần lễ làm rất đơn giản. Sau khi thị trấn được giao chuẩn bị, tổ chức Lễ cúng còn, tham gia làm quả còn, lễ vật, tôi thấy tự hào, trân quý hơn bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Thái. Tôi tin chắc sau Lễ hội, nghi lễ cúng còn sẽ được chú trọng duy trì.

Tham dự các hoạt động: hội chợ thương mại, không gian văn hóa, chương trình văn nghệ, thể thao của các đoàn tham gia cũng như lượng du khách, Nhân dân từ khắp các xã của huyện tề tựu tại thị trấn, tôi cảm nhận rõ quê hương đổi khác, có thể tự tin phát triển du lịch, chắc chắn các bạn một lần đến tham quan, trải nghiệm sẽ nhớ mãi.

Nhóm P.V (thực hiện)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Nêu gương sáng trong cộng đồng dân cư
Mới đây, chúng tôi có chuyến công tác tại xã Mường Khoa (huyện Tân Uyên), được đồng chí Trương Thanh Hiếu - Bí thư Đảng ủy xã giới thiệu về Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Nậm So - Lò Văn Đôi tuy tuổi...