Thứ hai, 20/05/2024, 17:06 [GMT+7]

Cùng chia sẻ, xoa dịu nỗi đau da cam

Thứ tư, 10/05/2017 - 21:31'
(BLC) - Chiến tranh đã lùi xa, tưởng chừng như mọi nỗi đau, mất mát sẽ nguôi ngoai theo thời gian, nhưng vết thương chiến tranh, di chứng của chất độc hóa học đã gieo vào thân thể họ sự tàn phá ghê gớm, sự ảnh hưởng tới cả giống nòi. Để rồi hôm nay những tiếng kêu xé lòng cùng nụ cười vô thức, khuôn mặt ngơ ngác của nạn nhân chất độc da cam và con họ vẫn hàng ngày hiện hữu khiến cho bất kỳ ai chứng kiến cũng không khỏi chạnh lòng xót xa.

Theo lời giới thiệu của cán bộ Phòng Lao động, Thương binh và xã hội thành phố, chúng tôi đến thăm gia đình ông Trịnh Ngọc Phan ở tổ dân phố 16, phường Tân Phong - một trong những nạn nhân bị ảnh hưởng nặng bởi chất độc màu da cam – dioxin. Câu chuyện về những năm tháng chiến tranh khốc liệt được ông Phan tái hiện qua lời kể chậm rãi. Năm 1972, ông cùng nhiều thanh niên trai tráng trong làng rời quê hương Nam Định xung phong lên đường nhập ngũ. Được biên chế vào đoàn xe thuộc E27, F473 Đoàn 559. Nhiệm vụ của ông là cùng đồng đội chở quân tư trang, nhu phẩm phục vụ chiến trường Miền Nam. Biết bao chuyến hàng vượt qua mưa bom, đạn lạc góp phần đắc lực cho công cuộc giải phóng miền Nam. Chiến tranh kết thúc, ông trở về với thân hình lành lặn, ông hạnh phúc lắm, chỉ đến khi lập gia đình, sinh con rồi ông mới biết những chuyến xe xẻ dọc Trường Sơn cứu nước trải qua vùng bị rải chất độc dioxin đã khiến ông bị nhiễm độc da cam. Cũng từ đó, chất độc hóa học ngấm sâu vào cơ thể khiến ông Phan thường xuyên đau ốm, bệnh tật, suy giảm sức lao động hơn 81%. Đời sống kinh tế khó khăn. Nhưng nỗi đau ấy trở lên tột cùng khi người con thứ nhất bị ảnh hưởng chất độc hóa học mất đi thì người con thứ 2 của ông sinh ra cũng nhiễm chất độc hóa học. Cả ngày cứ ê a như trẻ lên ba với ánh mắt vô hồn, ngơ ngác, mọi sinh hoạt đều phải có người phục vụ. Đến nay anh Trịnh Văn Trung (con trai ông Phan) đã ngoài 30 tuổi song do ốm đâu thường xuyên nên cơ thể anh gầy gò ốm yếu, mọi hoạt động của anh đều phải có người giúp đỡ. Trong câu chuyện với chúng tôi, giọng ông nghẹn lại, cố giấu những giọt nước mắt khi nhắc đến con mình. Cùng với ông Phan, còn có rất nhiều nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin với những đứa trẻ mang trên mình dị tật bẩm sinh suốt đời đang lặng lẽ khóc thầm trong cô đơn với nỗi đau vò xé cả về thể xác lẫn tinh thần. Hơn ai hết, họ rất cần có sự đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ của toàn xã hội để có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn, vơi đi những mất mát, thiệt thòi mà nỗi đau từ những cuộc chiến tranh để lại.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Mường Tè trao quà cho nạn nhân da cam tại xã Bum Nưa. Ảnh: CTV

Hiện nay, tỉnh ta có 193 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 26 người con bị nhiễm chất độc hóa học của người hoạt động kháng chiến. Để góp phần khắc phục hậu quả của chất độc hóa học, giảm bớt khó khăn cho nạn nhân chất độc da cam trong tỉnh, những năm qua tỉnh ta đã có nhiều biện pháp thiết thực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam như: đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, triển khai các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” “Uống nước nhớ nguồn”, “Ủng hộ nạn nhân chất độc da cam”... để huy động các nguồn lực, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Sở Lao động, thương binh và xã hội luôn quan tâm đến công tác chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam bằng các hoạt động phối hợp, theo dõi, nắm bắt việc bảo đảm chế độ, chính sách đối với nạn nhân kịp thời, đầy đủ. Triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của nhà nước như: Trợ cấp hàng tháng theo mức độ suy giảm khả năng lao động từ ngày Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động do bệnh tật từ 81% trở lên được hưởng phụ cấp như bệnh binh cùng tỷ lệ suy giảm khả năng lao động. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, sống ở gia đình được trợ cấp người phục vụ bằng một lần mức chuẩn. Khi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chết, người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí; đại diện thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng ba tháng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi. Khi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên chết, thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng như thân nhân của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên chết… Năm 2016, toàn tỉnh đã chi trả cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học/tháng 416.747.000 đồng. Con bị nhiễm chất độc hóa học của người hoạt động kháng chiến/tháng 24.782.000 đồng.

Hội Chữ thập đỏ cũng tích cực kêu gọi các tổ chức phi Chính phủ, những tấm lòng hảo tâm nhân ái trong cả nước. Làm tốt vai trò là cầu nối, đưa những tấm lòng hảo tâm đến gần hơn với những nạn nhân chất độc da cam, chắp cánh cho những mảnh đời bất hạnh vượt lên chính mình. Từ năm  2011 đến nay, Hội Chữ thập đỏ tỉnh chỉ đạo các cấp Hội thực hiện tốt phong trào vì nạn nhân chất độc da cam. Hàng năm, vận động ủng hộ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật, vận động Hội Hữu nghị Pháp - Việt, UBND quận I, thành phố Hồ Chí Minh giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật nghèo tại tỉnh 1 tỷ 785 triệu đồng, hỗ trợ sinh kế qua mô hình nuôi bò và dê sinh sản; Quỹ Lawrence S.Ting (thành phố Hồ Chí Minh) trao tặng 190 chiếc xe lăn, xe lắc trị giá 420 triệu đồng. Hàng năm, các cấp Hội đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình bị ảnh hưởng chất độc da cam nhân Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam đã giúp nạn nhân chất độc da cam xoa dịu nỗi đau vươn lên hòa nhập cộng đồng. Dẫu hằng ngày họ vẫn đang đối diện với nỗi đau, nhưng trong đời sống tinh thần, nạn nhân chất độc da cam trong tỉnh đã được sẻ chia, xoa dịu bằng tình người ấm áp. Đó chính là nguồn động viên lớn lao giúp họ vượt lên những mất mát, thiệt thòi để hòa nhập cộng đồng. Anh Hoàng Công Ngự ở khu 26 thị trấn Tân Uyên xúc động nói cho biết: “Mặc dù là nạn nhân chất độc da cam không thể sinh con, song tôi đã bàn với vợ xin con nuôi, cùng với sự giúp đỡ của tỉnh, huyện, chính quyền địa phương về vật chất cũng như tinh thần gia đình tôi vượt lên hoàn cảnh, vươn lên ổn định cuộc sống”.

Sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền và sự nhiệt tình ủng hộ của các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế - xã hội, các nhà hảo tâm và Nhân dân cũng như sự cố gắng của các cấp Hội đã góp phần xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam trong tỉnh. Tuy nhiên, so với sự mất mát to lớn của các nạn nhân chất độc da cam thì những cố gắng bù đắp đó vẫn còn rất nhỏ bé. Vì vậy trong thời gian tới, các ngành chức năng tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, các hội quần chúng để vận động kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh gúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, cùng nhau chung tay xoa dịu nỗi đau, giúp nạn nhân da cam ổn định cuộc sống. Góp phần giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ để lại trong chiến tranh ở Việt Nam nói chung, tỉnh ta nói riêng và tri ân những người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Thạch Anh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...