Thứ hai, 20/05/2024, 15:06 [GMT+7]

Chung tay kiểm soát bệnh tăng huyết áp

Thứ sáu, 05/05/2017 - 23:23'
(BLC) – Trong 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh phát hiện mới 267 bệnh nhân bị tăng huyết áp. Lũy kế đến hết tháng 3 năm 2017 số bệnh nhân tăng huyết áp trong diện quản lý là 10.957 bệnh nhân. Con số đó không chỉ chứng minh sự gia tăng bệnh nhân tăng huyết áp mà còn là mối lo ngại cho cộng đồng và xã hội bởi những biến chứng nặng nề do bệnh tăng huyết áp gây ra.

Bệnh nhân Lê Xuân Lạng (phường Tân Phong, thành phố Lai Châu) điều trị tăng huyết áp tại Khoa Nội (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Tìm hiểu chúng tôi được biết, huyết áp là áp lực máu cần thiết tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Tăng huyết áp xảy ra khi áp lực máu trong động mạch tăng cao khiến tim phải hoạt động nhiều và mạnh hơn để bơm máu đến các cơ quan trong cơ thể dẫn tới đột quỵ, suy tim, suy thận và hàng loạt những tai biến về não như xuất huyết não, thiếu máu não… gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Bà Lù Thị Dú ở xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ - bệnh nhân tăng huyết áp đang được điều trị tại Khoa Nội (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chia sẻ: “Tôi có tiền sử tăng huyết áp từ nhiều năm nay. Mặc dù đã cố gắng kiểm soát bệnh song cách đây gần 1 tuần tôi thấy cơ thể mệt mỏi, đang cho gà ăn thì thấy nhức đầu, chóng mặt, ù tai và rất buồn nôn. Biết mình hay bị tăng huyết áp đột ngột nên tôi báo cho các con và được các cháu đưa vào Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ. Sau khi ổn định huyết áp tôi được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Qua thăm khám và làm các xét ngiệm bác sỹ nói tôi còn bị tiểu đường, nguyên nhân một phần do huyết áp không ổn định. Nhờ sự chăm sóc tận tình của các y bác sỹ trong Khoa, huyết áp của tôi đã ổn định trở lại, song do biến chứng của huyết áp cao nên tôi vẫn phải điều trị dài ngày bởi bệnh tiểu đường. Cùng phòng với bà Dú còn có ông Nguyễn Xuân Nghị - tổ 18, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu. Ông Nghị cho biết, tôi nhập viện cũng được vài ngày rồi, song bệnh nặng (tăng huyết áp độ 3) nên huyết áp của tôi vẫn rất thất thường. Nhiều lúc đau đầu dữ dội, đau cả ở vùng tim và thị lực giảm sút, thở gấp và nôn. Bác sỹ bảo mấy hôm trước, may mà người nhà đưa vào viện kịp thời nên tôi mới qua cơn nguy kịch, muộn một chút nữa thì hậu quả không lường. Tôi cũng rất lo lắng cho bệnh tình của mình vì bác sỹ bảo tăng huyết áp không được điều trị và kiểm soát tốt sẽ dẫn đến tổn thương nặng và gây các biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim, phình tách thành động mạch chủ, suy tim, suy thận … thậm chí dẫn đến tử vong. Hiện tôi đang cố gắng thực hiện theo hướng dẫn và uống thuốc đúng giờ theo đơn của bác sỹ, để đảm bảo huyết áp ổn định trở lại.

Hầu hết người mắc bệnh tăng huyết áp thường không có triệu chứng gì và phần lớn không biết mình bị bệnh, chỉ một số ít người có dấu hiệu hay gặp như choáng váng, nhức đầu, chóng mặt, ù tai, khó thở, hồi hộp... sau đó đi khám mới phát hiện mình bị bệnh. Chính vì vậy, không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra do người bị bệnh không được phát hiện, điều trị kịp thời và dẫn đến tình trạng nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù loà…, những biến chứng này ảnh hưởng nặng nề đến người bệnh, gây tàn phế và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Bác sỹ chuyên khoa II, thầy thuốc Nhân dân Đỗ Văn Giang – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Trước tình trạng gia tăng bệnh nhân tăng huyết áp, Bệnh viện đã triển khai nhiều hoạt động phòng chống tăng huyết áp nhằm mục tiêu phát hiện bệnh sớm, kiểm soát huyết áp, hạn chế biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Cụ thể, tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức đến cộng đồng dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng để giúp người dân nâng cao nhận thức về bệnh tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ mắc bệnh. Tổ chức khám sàng lọc, lập hồ sơ quản lý bệnh nhân và tư vấn chế độ ăn uống, sinh hoạt phòng ngừa bệnh... Tuy nhiên do đặc trưng của bệnh tăng huyết áp thường có diễn biến âm thầm nhưng để lại biến chứng hết sức nặng nề. Vì vậy người bị tăng huyết áp nên định kỳ theo dõi chỉ số huyết áp và thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý như: Giảm ăn mỡ động vật, giảm ăn đường (nếu có tiểu đường), hạn chế uống bia rượu và ngưng hút thuốc lá. Thường xuyên luyện tập thể dục nhằm tăng cường lưu thông máu trong cơ thể. Giữ đời sống tinh thần thoải mái nghỉ ngơi giải trí hợp lý…

Tuy nhiên để công tác phòng chống tăng huyết áp có hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế thì rất cần sự chung tay từ mỗi một người dân trong việc nâng cao nhận thức, kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có nguy cơ về tim mạch. Đặc biệt, việc điều trị tăng huyết áp là liên tục, lâu dài nên đòi hỏi người bệnh cần phối hợp chặt chẽ với các y bác sĩ trong quá trình điều trị để đạt hiệu quả cao.

Minh Anh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...