Thứ hai, 20/05/2024, 14:31 [GMT+7]

Dịch bệnh dại vẫn diễn biến phức tạp

Thứ năm, 06/04/2017 - 21:06'
(BLC) – Đó là nhận định của ngành Y tế bởi riêng trong quý I năm 2017, số người tiêm vắc xin phòng dại tại các huyện, thành phố lên đến 227 người (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016). Mặc dù chưa có trường họp tử vong song điều đáng nói là vẫn còn trường hợp đến tiêm phòng do bị chó cắn song con chó đã mất tích không thấy trở về nhà. 

Hiện đã bắt đầu bước vào thời điểm bùng phát dịch dại trên đàn chó song dạo quanh một số tuyến đường, phố chính tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, tình trạng chó thả rông vẫn rất phổ biến. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, hiện nay toàn tỉnh có gần 31.000 hộ dân nuôi chó với gần 58.000 con chó. Đây là điều kiện thuận lợi để bệnh dại phát triển nếu không được tiêm phòng định kỳ. Chị Giàng Thị Dơ xã Tả Lèng, huyện Tam Đường vừa bị con chó lạ cắn khi đi làm nương về. Chị Dơ cho biết, cuối giờ chiều khi vừa đi nương về gần đến nhà mình bị một con chó lạ lao ra cắn thẳng vào bắp chân. Mình cũng sát trùng vết thương bằng nước muối loãng và xà phòng, song mình chợt nhớ mấy năm trước có người trong xã đã chết vì chó dại cắn nên nhờ chồng chở xuống Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiêm vắc xin phòng dại. Ngoài ra, mình cũng được cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tư vấn, hướng dẫn các biểu hiện và cách phòng, chống bệnh dại. Mình đã hiểu và sẽ về truyền đạt lại cho những người thân trong gia đình và bà con trong bản, đặc biệt nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó để bảo vệ chính bản thân mình và những người xung quanh...

Cán bộ Trạm Thú y huyện Tam Đường tuyên truyền đến người dân thị trấn biện pháp phòng chống bệnh dại trên đàn chó, mèo.

Bệnh dại thường bùng phát từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm. Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng, đó chính là môi trường thuận lợi cho bệnh dại phát triển. Vì thế, người dân phải hết sức cảnh giác với chó dại và không nên chủ quan. Thời gian ủ bệnh của bệnh dại thường kéo dài, sớm nhất cũng phải nửa tháng, đa số vài ba tháng, có người kéo dài đến một vài năm. Nó phụ thuộc vào vị trí cắn, càng gần  thần kinh trung ương càng phát bệnh nhanh. Theo đồng chí Trần Thị Liên - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, mặc dù các ngành chức năng trong tỉnh đã đẩy mạnh các biện pháp truyền thông nâng cao nhận thức cho Nhân dân về bệnh dại. Phối hợp điều tra, rà soát, tiêm phòng cho đàn chó, tiêu diệt chó thả rông, tiêm phòng dại cho người bị chó nghi dại cắn. Để phòng ngừa bệnh dại, cách tốt nhất là đưa chó đi tiêm vắc xin chống dại hàng năm. Khi ra đường, chó phải đeo rơ-mõm, dây xích… Tuy nhiên do địa bàn rộng, dân cư sống rải rác, trình độ nhận thức của một bộ phận đồng bào vùng sâu vùng xa còn thấp nên chưa chú trọng tiêm phòng dại cho đàn chó; tình trạng chó thả rông chưa có thiết bị bảo vệ còn diễn ra nên khó khăn cho việc tiêm phòng dại.

Thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền và nâng cao hiểu biết, nhận thức về bệnh dại cho Nhân dân; khuyến cáo người dân, khi bị chó cắn, cần phải xử lý ngay vết thương theo đúng quy trình và đến cơ quan y tế để được tư vấn tiêm phòng và điều trị. Đồng thời, củng cố nhân lực tại các điểm cung cấp dịch vụ tiêm phòng của Trung tâm Y tế dự phòng, đảm bảo đủ vắc xin phục vụ người dân đến tiêm phòng bệnh dại. Cùng với sự vào cuộc của ngành y tế, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác giám sát để phát hiện sớm các ổ dịch dại, triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên chó. Phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý, không để tình trạng chó chạy rông và có biện pháp quản lý hiệu quả chó, mèo vô chủ; tiêm vắc-xin phòng dại cho chó, mèo đạt tỉ lệ đảm bảo hiệu lực phòng bệnh…

Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra do bệnh dại, người dân cần nâng cao cảnh giác, đề phòng chó dại tấn công trong mùa hè. Nếu bị chó cắn, không nên chủ quan, cần khẩn trương đến cơ quan y tế để được tư vấn, điều trị. Những hộ nuôi chó cần tự giác đưa chó đi tiêm phòng dại để đảm bảo an toàn cho gia đình và cộng đồng.

Khi bị súc vật nghi dại cắn, cần sơ cứu và đến các điểm tiêm phòng. Sau khi khám và hỏi kỹ, bác sĩ sẽ chỉ định là tiêm văc xin hay không. Sẽ phải tiêm ngay nếu: Con vật lên cơn hoặc có biểu hiện nghi dại; vết cắn ở đầu, mặt, cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục, kể cả khi chỉ bị sây sát nhẹ; có nhiều vết cắn nguy hiểm, sâu.; không theo dõi được con vật; tại nơi bị cắn có súc vật bị dại.

Trong các trường hợp sau, bác sĩ sẽ không tiêm mà dặn bệnh nhân theo dõi con vật trong 15 ngày: Vết cắn nhẹ, xa não, con vật vẫn sống bình thường khỏe mạnh. Không phát hiện bệnh dại ở súc vật trong khu vực. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chó cắn ngoài quần, tuy trên da vẫn có vết xước nhưng cũng không cần tiêm vì không bị virus xâm nhập; trong thời gian theo dõi, nếu con vật bị ốm, bỏ ăn, chết, mất tích hay bị bán, mổ thịt thì cần đi tiêm. Sau 15 ngày, nó vẫn sống khỏe mạnh thì có thể yên tâm.

Khi bị súc vật cắn nên sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, sữa tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Trong lúc rửa vết thương, không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn. Sau đó bệnh nhân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng bởi bệnh dại hoàn toàn có thể tránh được nếu như người bị chó dại cắn được tiêm phòng đúng phác đồ.

Vân Nga

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...