Chủ nhật, 19/05/2024, 10:15 [GMT+7]

Dự án Phòng chống HIV/AIDS tại Lai Châu: Thành công và những thách thức

Thứ tư, 26/12/2012 - 15:36'
(BLC) – Sau 7 năm triển khai thực hiện Dự án Phòng chống HIV/AIDS tại Lai Châu đã góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động trong cộng đồng về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đặc biệt qua Dự án đã tạo điều kiện cho hàng ngàn lượt người được tiếp cận với các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS.

Nâng cao nhận thức cho các đối tượng có nguy cơ cao

Với đặc thù là tỉnh miền núi, trình độ dân trí thấp, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, chính vì vậy Dự án được triển khai tại 6/7 huyện thị, tập trung vào 4 chương trình: giáo dục truyền thông thay đổi hành vi, dự phòng lây nhiễm HIV; can thiệp giảm thiểu tác hại; theo dõi, giám sát và đánh giá và đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng chống HI/AIDS.

Để công tác tuyên truyền đến được với mọi người dân, cán bộ làm công tác Phòng chống HIV/AIDS đã không quản khó khăn, tổ chức các cuộc rà soát, thu thập số liệu thông tin, đặc biệt ở các điểm nóng về ma túy trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, lựa chọn những điểm có nguy cơ cao về lây nhiễm HIV/AIDS tập trung truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, từ đó thay đổi hành vi, thái độ về công tác phòng chống HIV/AIDS.

Cán bộ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh tuyên truyền các biện pháp phòng chống HIV/AIDS tại bản Nà Dân 1.

 Chị Lò Thị Cậy - ở bản Nà Dân 1, xã Mường Kim, huyện Than Uyên chia sẻ, “Năm 17 tuổi tôi lấy chồng ở xã Mường Cang, huyện Than Uyên. Sau gần 1 năm chung sống tôi phát hiện chồng mình nghiện ma túy. 5 năm sau chồng tôi mất, tôi đi bước nữa với anh Lò Văn Khàn ở bản Nà Dân 1, người con trai riêng của chồng là Lò Văn Chài lại sa vào ma túy. Nghe người ta nói cháu bị AIDS nhưng tôi thực sự chưa biết AIDS là gì. Được nghe cán bộ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, huyện đến tận bản tuyên truyền, tư vấn và giải thích tôi đã hiểu và không còn lo sợ nữa”.

Không chỉ chị Cậy mà nhiều người dân có mặt tại buổi truyền thông đã hiểu những kiến thức cơ bản như: “Con đường lây nhiễm HIV/AIDS”; “làm thế nào để biết mình bị nhiễm HIV?”, “HIV/AIDS có lây qua ăn uống không, có thuốc chữa không?”; “Nhiễm HIV trong bao lâu thì chết?”… Điều mà trước đây bà con không biết, chỉ thấy lo lắng và sợ khi sống gần người nhiễm HIV/AIDS.

Sau các buổi truyền thông đó, người dân và những người có hành vi nguy cơ cao còn hiểu về tầm quan trọng và lợi ích của dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện (TVXNTN) và đến với dịch vụ TVXNTN. Các kết quả xét nghiệm được cán bộ Trung tâm trực tiếp đem trở lại tới từng bản, từng xã tại nơi lấy mẫu máu hoặc Trạm y tế xã. Với những người có kết quả dương tính sẽ được những người trực tiếp chăm sóc điều trị, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS giữ bí mật tuyệt đối và tư vấn sâu hơn cho bệnh nhân, giới thiệu dịch vụ hỗ trợ thuận lợi nhất cho bệnh nhân và người nhà biết cách chăm sóc người bệnh, để họ tự giữ gìn cho bản thân tránh lây lan, gia đình và cộng đồng.

Những kết quả đáng khích lệ

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, trung bình mỗi năm tỉnh ta phát hiện trên 300 người được phát hiện nhiễm HIV, số nhiễm này đã tiềm ẩn ngoài cộng đồng nhiều năm qua. Các huyện, thị có số người nhiễm HIV/AIDS cao là: Tam Đường, Tân Uyên, Thị xã, Sìn Hồ. Nguyên nhân chủ yếu do một bộ phận giới trẻ có lối sống buông thả, nghiện chích ma túy, số người tiêm chích ma túy chưa dám công khai cùng tham gia chương trình can thiệp giảm hại và sự kỳ thị với người nhiễm HIV ở các khu dân cư... là những “rào cản” lớn cho việc phòng, chống căn bệnh này.

Người dân bản Nà Dân 1 lấy mẫu máu xét nghiệm HIV/AIDS.

Những chương trình, hoạt động do Dự án tài trợ đã mang lại hiệu quả rất tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh. Cụ thể từ Chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại đã giúp cho trên 80% người nghiện chích ma túy (NCMT) ở các xã Dự án được nhận bơm kim tiêm sạch; trên 70% người NCMT được phát tài liệu truyền thông về HIV/AIDS. Qua điều tra ban đầu năm 2007 tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm người NCMT từ 40,3%; năm 2010 tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm NCMT là 25,9% (giảm 14,4% so với năm 2007).

Đặc biệt Dự án đã giúp tỉnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho hệ thống phòng chống HIV/AIDS đó là đội ngũ cộng tác viên (là cán bộ y tế từ xã đến huyện) đã biết làm công tác truyền thông và triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS ở cơ sở. Đó là những nhân tố quan trọng để duy trì các hoạt động phòng/chống HIV/AIDS ở cơ sở sau khi Dự án kết thúc (tháng 12/2012).

Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Tính đến 12/2012, lũy tích số ca nhiễm HIV: 2.497 người, trong đó 1.805người nhiễm HIV được quản lý có địa chỉ còn sống; số bệnh nhân AIDS đang điều trị: 360 người; số người nhiễm HIV đã tử vong: 591 người.

Phần lớn người nhiễm HIV/AIDS vẫn chưa dám đối mặt với căn bệnh. Công tác quản lý người nhiễm còn khó khăn bởi theo Luật, người nhiễm HIV có quyền giấu tên nên một người bị nhiễm có thể mang tới 3 - 4 tên với những địa chỉ khác nhau.

Cơ sở hỗ trợ điều trị kết nối dịch cũng có nhiều như hệ thống các Trung tâm Y tế và bệnh viện Đa khoa tỉnh… nhưng đối tượng chủ yếu nghiện chích ma túy chủ yếu là người dân nghèo, trình độ nhận thức hạn chế sự hợp tác với cán bộ y tế chưa cao, sự quan tâm chăm sóc của gia đình chưa tốt. Việc truyền thông tư vấn nhằm xét nghiệm phát hiện sớm cũng khó khăn, đa số các trường hợp phát hiện bị nhiễm HIV do có bệnh trong người mới đi xét nghiệm và tình cờ phát hiện ra. Nhiều trường hợp khi bệnh nặng mới tìm đến với các cơ sở y tế để được tư vấn hỗ trợ điều trị.

 “Chính vì vậy, để công tác phòng chống HIV/AIDS đem lại hiệu quả bền vững, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng. Bởi làm tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS chính là bảo vệ tương lai nòi giống và sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và đất nước” - Bà Lê Thị Mai – Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết.

Sau 7 năm triển khai thực hiện Dự án, Chương trình truyền thông thay đổi hành vi đạt 95% so mục tiêu đề ra. Chương trình can thiệp giảm hại tỷ lệ đạt 80%. Chương trình đào tạo nâng cao năng lực đạt 100%. Qua hoạt động thực tế của Dự án đã tạo ra một đội ngũ cộng tác viên (là cán bộ y tế) từ xã đến huyện biết làm công tác truyền thông và triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS ở cơ sở.

 

 

Hoài Thương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...