Thứ bảy, 18/05/2024, 19:02 [GMT+7]

Gia tăng tình trạng mắc tật khúc xạ ở lứa tuổi học sinh

Thứ sáu, 12/04/2013 - 20:56'
(BLC) - Theo kết quả điều tra của Trung tâm Y tế (TTYT) dự phòng tỉnh thì tỷ lệ mắc tật khúc xạ ở học sinh tiểu học và trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn tỉnh năm 2007 là 1,7% đến năm 2010 tỷ lệ này đã lên 2,6%. Qua nghiên cứu điều tra mới đây tại thị xã Lai Châu thì có tới 9,2% số học sinh tiểu học và THCS bị mắc tật khúc xạ.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, tật khúc xạ là các bất thường của hệ thống quang học của mắt, làm mắt nhìn mờ hơn, ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập. Tật khúc xạ bao gồm (cận thị, viễn thị, loạn thị). Nguyên nhân của sự gia tăng tỷ lệ mắc tật khúc xạ, đặc biệt là cận thị ở lứa tuổi học sinh là do chế độ học tập của các em ngày càng quá tải, thời gian nghỉ ngơi vui chơi ít, chủ yếu: xem ti vi, chơi điện tử, đọc sách, truyện, sử dụng máy vi tính và vấn đề về cường độ ánh sáng trong trường học cũng đáng lo ngại.

Bàn ghế của học sinh lớp 5A1, Trường Tiểu học số 2, thị xã Lai Châu  chỉ phù hợp với học sinh THPT. Đó cũng là nguyên nhân gây tật khúc xạ ở mắt.

Để có kết quả chính xác và so sánh về tỷ lệ và các yếu tố liên quan đến vấn đề cận thị ở các em học sinh, Bác sỹ Trần Thị Liên – Giám đốc TTYT Dự phòng tỉnh đã tiến hành nghiên cứu thực trạng và các yếu tố liên quan đến tật khúc xạ của học sinh tiểu học và THCS tại thị xã Lai Châu năm học 2011- 2012. Qua nghiên cứu trên 1.167 học sinh cho thấy: tỷ lệ mắc cận thị ở học sinh nữ là 9,9%, nam là 8,5% và ở các khuc vực như thành thị, nông thôn cũng có sự khác biệt, chẳng hạn như học sinh ở khu vực phường Tân Phong có tỷ lệ mắc tật khúc xạ chiếm 11,3% cao gấp 5 lần so với khu vực xã San Thàng là 2,5%. Tỷ lệ mắc tật khúc xạ ở học sinh THCS chiếm cao hơn (học sinh THCS chiếm 15%, tiểu học chiếm 6,1%) và tỷ lệ này cũng chiếm cao hơn ở dân tộc kinh là 11%, dân tộc Thái 8%, dân tộc khác chiếm 2%.

Qua đo cường độ chiếu sáng tại 49 lớp học trên địa bàn thị xã Lai Châu có tới 43 lớp không đạt tiêu chuẩn cho phép. Đa số các lớp học có độ sáng từ 90  - 230 Lux cường độ ánh sáng không đồng đều, thiếu ánh sáng ở khu vực bảng viết và khu vực giữa lớp (theo tiêu chuẩn thì phải đạt độ sáng là 300 Lux đối với đèn huỳnh quang đồng đều tại các điểm đo).

Kết quả đánh giá hiệu số sử dụng bàn ghế tại 49 lớp học này cũng có tới 44 lớp không đạt tiêu chuẩn vệ sinh so với chiều cao học sinh. Đa số các trường học chỉ sử dụng một loại bàn ghế loại VI cho tất cả các lớp học, thực tế thì loại bàn ghế này chỉ phù hợp với học sinh cấp III. Việc học sinh ngồi trên bàn ghế cao hơn chiều cao của cơ thể dẫn đến các em luôn phải điều tiết mắt để nhìn được rõ hơn.

Ngoài ra, thời gian học tập, sử dụng mắt liên tục, xem vô tuyến, sử dụng máy vi tính… của học sinh cũng dẫn đến nguy cơ mắc tật khúc xạ. Qua điều tra nghiên cứu thì tỷ lệ trung bình một học sinh học tập từ 5 - 7 giờ chiếm khá cao (65,2%), thời gian sử dụng mắt liên tục dưới 1h theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới thì chiếm số lượng thấp (14,7%), còn lại 85,3% các học sinh sử dụng mắt liên tục không nghỉ trên 1h.

Thời gian xem vô tuyến, sử dụng máy vi tính của học sinh từ 2h trở lên chiếm trên 60%. Việc học tập nhiều, sử dụng mắt liên tục từ 2h trở lên ở các học sinh đã làm cho tỷ lệ mắc tật khúc xạ cao gấp từ 4 -7 lần so với học sinh học tập ít hơn và sử dụng mắt liên tục dưới 1h. Việc sử dụng mắt liên tục kéo dài trên 1h khiến mắt phải điều tiết mạnh và quá tải sẽ dẫn đến hậu quả nguy cơ mắt bị tật khúc xạ.

Để hạn chế mắc tật khúc xạ ở lứa tuổi học sinh, dựa trên những kết quả nghiên cứu, tác giả đưa ra một số khuyến nghị như: ở các trường học nên dùng loại bàn ghế có thể điều chỉnh được hiệu số để phù hợp với tầm vóc của học sinh; bổ sung thêm hệ thống đèn chiều sáng để đảm bảo đủ cường độ chiếu sáng và phải đồng đều ở mọi điểm trong lớp học.

Bên cạnh đó, các trường học cần tăng cường công tác truyền thông, vận động gia đình cũng như các em học sinh bố trí thời gian học tập, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí một cách hợp lý, có sự xen kẽ và phải có sự kiểm soát của các bậc phụ huynh, không nên để con em mình sử dụng mắt liên tục trên 1h; cần duy trì khám mắt định kỳ cho học sinh nhằm phát hiện sớm các bệnh về mắt; kiểm tra định kỳ các yếu tố vệ sinh trường học, kịp thời đưa ra những khuyến cáo cần thiết cho nhà trường nhằm hạn chế nguy cơ mắc tật khúc xạ ở học sinh.

Mai Hoa – TTTTGD&SK

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...