Thứ hai, 20/05/2024, 13:35 [GMT+7]

Nà Tăm vào cuộc đẩy lùi tảo hôn

Thứ ba, 28/03/2017 - 15:01'
(BLC) - Nhận định hệ lụy của tảo hôn sẽ kéo theo đói nghèo, bệnh tật, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, xã Nà Tăm (huyện Tam Đường) nâng cao nhận thức cho Nhân dân thông qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định liên quan đến hôn nhân gia đình, tác hại của tảo hôn.

Chúng tôi may mắn được tham gia buổi truyền thông ngoại khóa về tác hại của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống do cán bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình huyện tổ chức. Buổi truyền thông thu hút 100 em học sinh Trường THCS xã Nà Tăm tham gia. Với mong muốn giúp các em hiểu được hậu quả, tác hại của tảo hôn, ngoài tài liệu, tờ rơi, cán bộ dân số còn lồng ghép câu chuyện thực tế về tảo hôn xảy ra trên địa bàn huyện để học sinh thảo luận, chia sẻ, từ đó nâng cao hiểu biết, kiến thức cho bản thân. Buổi truyền thông đã tạo được không khí trao đổi sôi nổi xoay quanh các vấn đề: tảo hôn không chỉ vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình mà còn là rào cản đối với tương lai của các cặp vợ chồng trẻ như: học hành dở dang, không nghề nghiệp, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi phải làm chồng, làm vợ trong lúc cơ thể chưa phát triển hoàn thiện. Tảo hôn cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến suy giảm chất lượng dân số, tính mạng của trẻ sơ sinh như: nguy cơ sinh non, sinh nhẹ cân, thai chết lưu, chết sơ sinh cao hơn.

Cán bộ dân số tuyên truyền tới học sinh Trường THCS Nà Tăm tác hại của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.

Chia sẻ với chúng tôi, em Lò Thị Thanh Hoa -  lớp 8A, Trường THCS xã Nà Tăm tâm sự: “Qua buổi truyền thông, em tích lũy được kiến thức, hiểu biết về tác hại của kết hôn sớm, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, tương lai sau này. Vì vậy, em sẽ cố gắng học tập tốt để có công ăn việc làm ổn định và tuyên truyền cho người thân trong gia đình, các bạn trong bản không lấy chồng, vợ sớm khi còn đi học”.

Trò chuyện với chị Lê Thị Tám - cán bộ dân số xã Nà Tăm, chúng tôi được biết, bà con trong xã chủ yếu là dân tộc Lào (chiếm 99,7%). Trình độ dân trí không đồng đều, nhất là phụ nữ có tỷ lệ mù chữ cao, phong tục tập quán còn lạc hậu dẫn đến tỷ lệ tảo hôn, tình trạng sinh con thứ 3 còn nhiều. Theo thống kê của UBND xã, năm 2014, toàn xã có 13 cặp tảo hôn, năm 2015 9 cặp, năm 2016 3 cặp và 2 tháng đầu năm nay đã có 2 cặp tảo hôn. Nguyên nhân chủ yếu là do suy nghĩ lạc hậu của bậc phụ huynh khi cho rằng con gái 15 - 16 tuổi mà chưa có chàng trai nào để ý coi như ế. Ngoài sức ép phải lấy chồng sớm từ gia đình, những cô, cậu tuổi mới lớn nơi đây đều có chung cuộc sống khó khăn, gia đình đông anh em, ngoài thời gian lên lớp còn phải làm việc nhà, lên nương giúp bố mẹ dẫn đến tâm lý muốn bỏ học. Cùng với đó, tục kéo vợ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn tăng cao. Hệ lụy dễ nhận thấy nhất là những đôi vợ chồng đang ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” này đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Đến thăm gia đình em Lò Văn Chai (17 tuổi) và Lò Thị Điếng (18 tuổi) ở bản Nà Hiềng vừa cưới nhau chưa đầy 1 tháng. Tâm sự với chúng tôi, Chai cho biết: “Em nghỉ học từ hồi cấp 2 vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Sau nhiều lần đi chơi thấy Điếng chăm chỉ chịu khó nên em bảo bố mẹ sang hỏi Điếng về làm vợ, do chưa đủ tuổi nên chúng em chưa đăng ký kết hôn”. Vì gia đình đông anh em nên thời gian tới Chai và vợ phải ra ở riêng. Không vốn liếng, đất sản xuất, không nghề nghiệp, tương lai của các con sau này liệu vợ chồng Chai có lo được?.

Được biết, quyết tâm giảm tỷ lệ tảo hôn, những năm qua, xã Nà Tăm tập trung vận động Nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú: thảo luận nhóm, nói chuyện trực tiếp thông qua các buổi sinh hoạt tại cộng đồng và gia đình về tác hại của việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, lợi ích của việc đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh đúng quy định. Trong năm 2016, xã tuyên truyền tại gia đình được 670 lượt hộ; thảo luận nhóm 51 buổi với 1.700 người tham dự; chiếu video 4 buổi/9 bản.

Tuy nhiên, khó nhất trong vấn đề tuyên truyền là nhận thức bà con quá lạc hậu, nhiều cặp vợ chồng chưa đến tuổi vẫn lén lún kết hôn. Do đó, ngoài việc tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của người dân, các bản đưa các quy định Luật Hôn nhân và Gia đình, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào quy ước bản làng, tiêu chuẩn để đánh giá gia đình văn hóa. Hy vọng thêm giải pháp này sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số, giảm tình trạng tảo hôn nơi đây.

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...