Thứ hai, 20/05/2024, 15:16 [GMT+7]

Nỗ lực kiểm soát thực phẩm bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng

Thứ năm, 13/04/2017 - 16:19'
(BLC) – Chưa bao giờ, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm lại “nóng” như hiện nay. Nó trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng, người sản xuất chế biến, người quản lý và các cấp chính quyền. Tuy nhiên, do lợi nhuận của người bán cũng như thói quen ăn uống tùy tiện của một bộ phận người tiêu dùng đã và đang tiếp tay cho nhiều hàng quán chưa đảm bảo an toàn thực phẩm phát triển.   

Dạo một vòng quanh những tuyến đường Trần Phú, Trần Hưng Đạo, ven Hồ Thủy Sơn trên địa bàn thành phố Lai Châu, đặc biệt những tuyến đường ở gần các trường học, chợ… chúng tôi dễ dàng bắt gặp những quán ăn vặt đường phố, vỉa hè, bán đủ các loại thực phẩm từ xúc xích, thịt nướng, đến các loại chè, hoa quả dầm, nước mía... Hầu hết thức ăn đường phố đã được nấu chín hoặc chế biến sẵn, để trong những chiếc xoong nhôm hoặc chậu nhựa, xếp thành hàng trong các quầy hàng. Việc chế biến, lấy thức ăn cho khách đa số được chủ quán thực hiện bằng tay trần, bát đũa cốc dùng xong được lau rửa rất qua loa, khăn lau tay chung với khăn lau bát đũa, thậm chí lau cả bàn… Tại Trường Mầm non Họa Mi (phường Đông Phong, thành phố Lai Châu) vào giờ tan tầm, cùng với việc để xe không theo hàng lối của các bậc phụ huynh thì có gần chục quầy bán hàng lưu động tập kết ở khu vực cổng trường. Cảnh đón đưa trẻ cũng như việc trao đổi, mua bán hàng diễn ra hết sức tấp nập và lộn xộn. Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều mặt hàng được đưa đến phục vụ các em nhỏ như ngô luộc, bánh rán, xúc xích nướng, kẹo, bánh, sữa, nước ngọt… Điều đáng nói là những loại thức ăn chế biến trực tiếp cho trẻ em để sát mặt đường đầy bụi mà không che đậy. Kế bên cạnh là hàng bán tôm, cá (cá được mổ trực tiếp ngay cổng trường); rau xanh, hành, tỏi tươi khô đều có đủ… phục vụ các bậc phụ huynh. Do người kinh doanh thường bán hàng lưu động, không có địa điểm cố định nên việc kiểm định nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu cũng khó thực hiện… Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, các loại thực phẩm sản xuất, chế biến trong nước và nhập khẩu lưu thông trên thị trường ngày càng nhiều, việc sử dụng các chất phụ gia trong sản xuất cũng trở nên phổ biến. Các loại phẩm màu, đường hóa học đang bị lạm dụng trong pha chế nước giải khát, sản xuất bánh kẹo; chế biến thức ăn sẵn như thịt quay, giò chả; thực phẩm ướp hàn the, rau quả ngâm hoá chất và tồn dư thuốc trừ sâu vẫn còn bày bán trên thị trường… đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn thực phẩm có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Đoàn Kiểm tra liên ngành Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Trạm Thú y, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ lấy mẫu kiểm tra tại chợ Mường So.

Trước thực trạng trên, để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tham mưu, đồng thời triển khai nhiều hoạt động tích cực như: truyền thông giáo dục bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc phổ biến Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm phạm luật, các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; trong xuất, nhập khẩu thực phẩm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn...

Theo đó, từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng trong tỉnh đã phối hợp tổ chức thanh, kiểm tra 3.340 lượt cơ sở, trong đó có 2.799 cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh, đạt 84% tổng số cơ sở được kiểm tra giám sát. Qua kiểm tra đã phát hiện 550 cơ sở vi phạm, trong đó xử phạt hành chính 22 cơ sở với số tiền trên 16 triệu đồng, 117 cơ sở bị tiêu huỷ sản phẩm ước trị giá khoảng 30 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 1 cơ sở. Triển khai công tác thanh, kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đối với các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống, cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh. Cương quyết xử lý các cơ sở chế biến kinh doanh các mặt hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Trong quý 1, số cơ sở vi phạm về điều kiện con người như: chưa tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho chủ cơ sở và nhân viên phục vụ, chưa tham gia xác nhận kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định là 208/1.990 cơ sở (chiếm 10,4%); vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở 60/1.990 cơ sở (chiếm 3%); vi phạm về điều kiện trang thiết bị dụng cụ 54/1.990 cơ sở (chiếm 2,7%); kinh doanh thực phẩm hết hạn 94/1.427 cơ sở (chiếm 6,3%). Các vi phạm đã xử lý theo hình thức phạt tiền, cảnh cáo, nhắc nhở và tiêu hủy sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Đối – Giám đốc Sở Y tế khẳng định, thời gian qua, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được ngành Y tế quan tâm, chú trọng. Ngay từ đầu năm, Sở Y tế đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến chính sách pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành liên quan tiến hành thanh, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và bếp ăn tập thể. Các hoạt động phối hợp liên ngành trong xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm đã góp phần ngăn chặn hàng hóa, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, gia súc, gia cầm nhập lậu, nội tạng động vật không bảo đảm chất lượng, xử lý các cơ sở sử dụng phụ gia cấm ngoài danh mục, thực phẩm bẩn, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm...

An toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ có vai trò quan trọng trong chiến lược bảo vệ sức khỏe con người mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chính vì vậy, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn đang được các ngành chức năng trong tỉnh dồn lực kiểm soát với mục tiêu cuối cùng là mang đến cho người tiêu dùng những loại thực phẩm sạch, hạn chế tối đa thực phẩm bẩn gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, mỗi người tiêu dùng phải là một mắt xích phát hiện cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, cần thông tin cho cơ quan chức năng kịp thời để có biện pháp xử lý. Từ đó, từng bước ngăn chặn thực phẩm bẩn tuồn vào thị trường, nhất là vùng đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.

Trong quý 1/2017, toàn tỉnh xảy ra 1 vụ ngộ độc rượu Methanol tại các xã vùng biên của huyện Phong Thổ từ ngày 13 đến ngày 26/2/2017 với tổng số ca ngộ độc đến khám 535 người. Trong đó, số ca ngộ độc phải nằm viện điều trị là 150 người và số người tử vong là 10 người.

Nguyễn Tâm

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...