Thứ bảy, 18/05/2024, 01:52 [GMT+7]

Nguy hiểm từ việc sinh con tại nhà

Thứ sáu, 18/09/2015 - 15:11'
(BLC) - Chỉ cần có bà đỡ; dụng cụ đỡ đẻ đơn giản là dao hoặc kéo, bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và con… Ấy vậy mà, đó lại là sự lựa chọn của nhiều phụ nữ bản Nà Hum, xã Bình Lư (huyện Tam Đường) khi quyết định sinh con tại nhà.

Bản Nà Hum cách trung tâm xã Bình Lư 4km, có 98 hộ, chủ yếu là dân tộc Thái sinh sống. Từ trước tới nay, thay vì đến Bệnh viện, Trạm y tế xã để sinh con thì nhiều chị em trong bản lại lựa chọn “vượt cạn” tại nhà, bất chấp nguy hiểm có thể đối mặt với tử thần mỗi khi sản phụ rơi vào tình trạng khó sinh. Khi chúng tôi hỏi “Tại sao các chị không đến trạm y tế hay nhờ đến sự giúp đỡ của y, bác sỹ?” thì đều nhận được câu trả lời do phong tục tập quán cộng với tâm lý xấu hổ, đường giao thông đi lại khó khăn. Từ trước tới nay, việc sinh con tại nhà cũng không có gì nguy hiểm nên đó là chuyện bình thường”.

Bà Điêu Thị Tèm – người có thâm niên đỡ đẻ tại nhà chia sẻ: “Từ trước tới nay các chị em trong bản đều được các bà, mẹ đỡ đẻ. Riêng tôi khi mang thai 5 đứa con, đến ngày sinh đều chỉ một mình vì mẹ chồng và mẹ đẻ mất sớm nên phải tự tay chuẩn bị các dụng cụ như túi nilon và dao là đủ. Thường thì chỉ sau hơn một tiếng vật lộn với cơn đau thì con ra đời. Mỗi lần sinh, vì lo cho con, vượt qua cơn đau, tôi đều ngồi dậy lấy dao tự tay cắt rốn cho các con của mình. Tự đỡ đẻ cho mình cũng thành quen và có thêm kinh nghiệm. Giờ tôi cũng đã có hai con dâu và lần lượt tự đỡ đẻ cho 8 đứa cháu nội. Trong lúc đỡ đẻ cũng gặp khó khăn như: thai to, chảy máu nhiều, lúc đó chủ yếu dựa vào kinh nghiệm chứ có được đào tạo gì về chuyên môn đâu nên mỗi lần gặp ca khó đẻ, lo nhưng cũng chỉ cầu mong vào sự may mắn”.

Cán bộ Trạm y tế xã Bình Lư (huyện Tam Đường) tuyên truyền cho bà con bản Nà Hum về cách chăm sóc thai nhi và sự an toàn khi sinh tại các cơ sở y tế.

Chúng tôi cùng chị Hà Thị Mến - nữ hộ sinh Trạm y tế xã Bình Lư đến thăm gia đình chị Lường Thị Xoan vừa sinh con tại nhà vào ngày 26/4/2015. Do không đi khám thai định kỳ nên chị không biết dự kiến ngày sinh của mình là bao nhiêu. 23 giờ đêm, chị bỗng thấy đau bụng, chồng lại đi làm xa, bố mẹ đi vắng, chị liền gọi bà hàng xóm cạnh nhà đến giúp. Trong quá trình chuyển dạ, do thai to phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ chị mới sinh xong. Khi em bé cất tiếng khóc chị mới thở phào nhẹ nhõm  Đây cũng là lần thứ 2 chị sinh con tại nhà.

Không chỉ chị Mến, hầu như các sản phụ ở trong bản Nà Hum đều lựa chọn sinh tại nhà dù trong bản có nhiều trường hợp đẻ rơi ngoài đường. Trường hợp sinh con của chị Tòng Thị Hoa là trường hợp đáng tiếc. Lần đầu mang thai, dù lo lắng nhưng do không nhớ chính xác ngày sinh, đến khi đau bụng thì gia đình chị Hoa gọi bà đỡ trong bản đến giúp. Mặc dù mẹ tròn con vuông, nhưng hạnh phúc chưa tày gang thì vài ngày sau em bé có biểu hiện chướng bụng và qua đời khi gia đình chưa kịp đưa bé đến bệnh viện.

Theo số liệu thống kê của Trạm y tế xã Bình Lư, năm 2014 toàn xã có 111 ca sinh nhưng có tới 41 ca lựa chọn cách sinh con tại nhà tập trung ở các bản: Nà Hum, Nà Khan, Nà San, Nậm Ún. Từ đầu năm đến nay, toàn xã có 15 ca sinh tại nhà trong đó bản Nà Hum có 7 ca.  Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, chị Hà Thị Mến - nữ hộ sinh Trạm y tế xã Bình Lư cho biết: “Mặc dù các sản phụ đều có thẻ bảo hiểm y tế, khi đến bệnh viện, trạm y tế không phải đóng viện phí nhưng do phong tục tập quán họ đều lựa chọn cách sinh tại nhà. Trong quá trình mang thai, các chị em không đến trạm y tế khám thai, siêu âm định kỳ dẫn đến việc dự kiến ngày sinh rất khó. Chúng tôi cũng thường xuyên xuống tận gia đình tuyên truyền, vận động, giải thích việc sinh con tại nhà rất nguy hiểm. Nếu gặp phải trường hợp thai ngôi ngược dễ dẫn đến các tai biến cho mẹ và bé. Sản phụ dễ bị băng huyết hoặc khi gia đình dùng dao, kéo cắt rốn cho bé nếu không được vô trùng, em bé sẽ bị nhiễm trùng uốn ván sơ sinh… Sau khi sinh sức khỏe bà mẹ rất yếu, nếu sinh tại bệnh viện hoặc trung tâm y tế thì các bác sĩ theo dõi sẽ đảm bảo cho sức khỏe sản phụ. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của chúng tôi, các chị em trong độ tuổi sinh đẻ đều “để ngoài tai”. Sinh con tại nhà đã ăn sâu vào tiềm thức và khó có thể thay đổi trong một sớm, một chiều”.

Với mong muốn bà con thay đổi nhận thức, hiểu được sự nguy hiểm khi sinh con tại nhà, trong các buổi họp bản, tiêm chủng, cán bộ y tế và cán bộ dân số xã Bình Lư thường xuyên xuống tuyên truyền phụ nữ trong thời kỳ mang thai đi khám thai định kỳ nhưng đa số chị em vẫn còn tâm lý e ngại không đến khám nên không biết tình trạng sức khỏe của thai nhi. Đặc biệt, trong các đợt triển khai chiến dịch cán bộ dân số xã luôn chú trọng tuyên truyền, tư vấn cho phụ nữ độ tuổi sinh đẻ cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc thai nhi và sự an toàn khi sinh tại Trạm y tế xã. Đối với những trường hợp sinh khó thì hướng dẫn cho chị em chuyển lên các bệnh viện tuyến trên. Ngoài ra, để phục vụ cho việc sinh đẻ, Trạm y tế xã Bình Lư trang bị đầy đủ các thiết bị y khoa như: bộ đỡ đẻ, bộ kiểm tra cổ tử cung, bộ hồi sức sơ sinh… nhằm hạn chế các tình huống xấu xảy ra đối với sản phụ”.

Trong câu chuyện với chị Lường Thị Biểu đang mang thai ở tháng thứ 6, khi  chúng tôi hỏi chị có dự định sinh ở bệnh viện không thì chị lắc đầu trả lời: “Tôi sinh con tại nhà thôi vì có mẹ chồng sẽ đỡ đẻ rồi. Lần sinh trước tôi cũng đẻ tại nhà, có sao đâu! Trong bản ai cũng sinh ở nhà mà”. Vẫn biết để vận động bà con thay đổi nhận thức trong thời gian ngắn là rất khó, nhưng để đảm bảo an toàn cho mẹ và con, các sản phụ nên đến các cơ sở y tế để sinh. Để làm được điều này, cần sự chung tay góp sức của cấp ủy, chính quyền, các cán bộ làm công tác dân số cùng vào cuộc, để những sự việc đau lòng đáng tiếc không xảy ra với phụ nữ mang thai trong quá trình sinh nở.

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...