Thứ hai, 20/05/2024, 16:23 [GMT+7]

Phòng chống, điều trị bệnh đái tháo đường: Người dân thờ ơ

Thứ hai, 09/05/2011 - 10:45'
(BLC) - Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là nguyên nhân của những biến chứng nặng nề như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, mắt, thận, loét chân dẫn đến cắt cụt chân… Song hiện nay tại tỉnh ta 90% số các đối tượng được phỏng vấn không hiểu về yếu tố nguy cơ gây bệnh ĐTĐ, 95% người được hỏi không biết gì về biện pháp phòng bệnh.

Những con số

Bệnh ĐTĐ - bệnh lý rối loạn nội tiết chuyển hóa nặng nề là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 hoặc thứ 5 ở các nước phát triển và được xem là “đại dịch” ở các nước đang phát triển. Bệnh ĐTĐ và các biến chứng của nó gây giảm tuổi thọ từ 12 – 14 năm; cứ 30 giây trên thế giới lại có 1 người ĐTĐ có biến chứng bàn chân bị cắt cụt chi.

Bác sỹ Trung tâm Nội tiết tỉnh tư vấn cho bà Nguyễn Thị Biềng chế độ ăn điều trị bệnh đái tháo đường.Ảnh Hải Yến

Năm 2001, lần đầu tiên điều tra dịch tễ bệnh ĐTĐ của Việt Nam được tiến hành theo các quy chuẩn quốc tế. Kết quả điều tra là tiếng chuông cảnh báo về tình trạng bệnh ĐTĐ. Tỷ lệ bệnh ĐTĐ là 4%, tỷ lệ các yếu tố nguy cơ dẫn đến ĐTĐ là 38,5%, nhưng điều đặc biệt là có tới 64,9% số người mắc bệnh ĐTĐ không được phát hiện và hướng dẫn điều trị.

Bệnh ĐTĐ không chỉ tăng nhanh ở các khu công nghiệp, thành phố mà còn cả ở vùng miền núi. Tại tỉnh ta có 90% số các đối tượng được phỏng vấn không hiểu về yếu tố nguy cơ gây bệnh ĐTĐ, 95% người được hỏi không biết gì về biện pháp phòng bệnh, số còn lại có biết về yếu tố nguy cơ gây bệnh ĐTĐ và cách phòng bệnh nhưng mức độ hiểu biết rất hạn chế.

Người dân thờ ơ

Dự án phòng chống bệnh ĐTĐ lần đầu tiên được triển khai toàn quốc năm 2009. Đến nay tại tỉnh ta với sự vào cuộc chủ yếu của Trung tâm Nội tiết (Sở Y tế). Đã khám sàng lọc được 7.226 đối tượng tại 30 xã của 7 huyện, thị; trong đó phát hiện 143 người mắc bệnh ĐTĐ, 971 người mắc bệnh tiền ĐTĐ.

Đây là tảng băng nổi, còn tảng băng chìm – số người mắc bệnh và có nguy cơ mắc bệnh lớn hơn rất nhiều. Bệnh nhân được phát hiện đầu tiên là ông Nguyễn Huy Vinh, 54 tuổi ở xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên.

Qua điều tra xã hội học tại một nhóm 10 người ngẫu nhiên tại lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính khóa 16 (học viên chủ yếu là trưởng, phó các phòng, ban, trung tâm của các sở, ban, ngành tỉnh), thật bất ngờ là đa số người trả lời không biết sự nguy hiểm và những yếu tố nguy cơ gây bệnh ĐTĐ.

Do đó, chuyện đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, biên giới – khó khăn trong tiếp cận thông tin, tìm hiểu về bệnh, không biết và hiểu bệnh là điều dễ hiểu. Vậy nên công tác tuyên truyền, phòng chống bệnh ĐTĐ là việc không đơn giản, đòi hỏi sự đầu tư công sức không nhỏ.

Trò chuyện với bác sỹ Nguyễn Thị Long Vân - Trưởng Khoa Khám bệnh và theo dõi điều trị (Trung tâm Nội tiết tỉnh) được biết, các bệnh nhân ĐTĐ, tiền ĐTĐ được khám, tư vấn về chế độ ăn, lối sống định kỳ 1 tháng/lần. Nhiều bệnh nhân được giới thiệu về trung tâm khám, tư vấn nhưng không đến. Ở các huyện xa đã đành nhưng ngay tại thị xã Lai Châu - địa bàn dân số có trình độ văn hóa cao hơn so với các địa phương khác, đi lại thuận tiện hơn song rất ít bệnh nhân hoặc người dân chủ động đến khám và phát hiện bệnh.

Một số bệnh nhân ở giai đoạn đầu của bệnh nên các biểu hiện bên ngoài hầu như người bệnh và những người xung quanh chưa nhận thấy do đó chủ quan mình vẫn còn khoẻ, lúc nào ốm không đi lại, ăn uống được mới lo chữa trị.

Bà Nguyễn Thị Biềng ở phường Quyết Thắng, thị xã Lai Châu năm nay 65 tuổi, qua khám sàng lọc tại khu dân cư, bà được phát hiện mắc bệnh ĐTĐ. Song bà không đi khám định kỳ theo hướng dẫn, dù bác sỹ đến tận nhà đưa đi.

Bà Biềng có gần 40 năm nghiện thuốc lá (mỗi ngày hút khoảng 10 điếu) và hiện chỉ nặng 33,5kg. Bà tâm sự: “Tôi không biết về sự nguy hiểm của bệnh ĐTĐ, các yếu tố nguy cơ gây bệnh ĐTĐ. Từ trước tới nay tôi ít khi bị bệnh nặng chỉ đau đầu, cảm cúm, uống thuốc là khỏi. Từ khi phát hiện mắc bệnh ĐTĐ, tôi được các bác sỹ tư vấn, hướng dẫn chế độ ăn, tập luyện… và hẹn lịch khám định kỳ. Do thấy trong người vẫn khoẻ, không đau ở đâu cả nên tôi nghĩ chưa đến lúc phải đi khám thường xuyên tại cơ sở y tế”.

Làm gì để hạn chế tỷ lệ người mắc bệnh mới?

Bác sỹ Trần Đỗ Kiên  - Giám đốc Trung tâm Nội tiết cho biết: Phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ để can thiệp kịp thời (như thay đổi lối sống, kiểm soát tốt đường huyết…) hoàn toàn có thể ngăn ngừa, làm chậm phát triển bệnh, làm chậm biến chứng bệnh. Nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là hiểu biết của nhân dân về bệnh ĐTĐ rất hạn chế. Khó khăn thứ hai là Trung tâm chưa được mở phòng khám nội tiết nên sau khi bệnh nhân khám ở trung tâm xong phải đi hơn 3km sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám lại và mới được cấp thuốc.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, thiết nghĩ Sở Y tế cần quan tâm cho phép Trung tâm Nội tiết mở Phòng khám, tăng cường bác sỹ, đầu tư đồng bộ các trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ khám, điều trị bệnh.

Vấn đề cấp thiết và lâu dài, đặc biệt quan trọng đó là nâng cao hiểu biết, ý thức phòng chống và điều trị bệnh của người dân. Theo đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền về bệnh ĐTĐ tới mọi tầng lớp nhân dân. Thực hiện nhiệm vụ này, năm nay Trung tâm Nội tiết tỉnh tiếp tục triển khai chương trình phòng chống bệnh ĐTĐ tại 17 xã với trên 30 nghìn đối tượng nguy cơ, khám sàng lọc 4.250 đối tượng, truyền thông về bệnh ĐTĐ bằng nhiều hình thức như tuyên truyền trên báo, đài phát thanh - truyền hình, tờ rơi, tranh tuyên truyền, tư vấn, truyền thông trực tiếp, mở các lớp tập huấn, tăng cường giám sát…

Bệnh ĐTĐ gồm 2 loại: ĐTĐ typ 1 (chiếm khoảng 5-10% bệnh nhân ĐTĐ) thường xuất hiện ở trẻ em và người trẻ tuổi, thể trạng gầy, có các triệu chứng lâm sàng như: đái nhiều, uống nhiều, ăn nhiều, mệt mỏi, sút cân… xuất hiện rầm rộ, cấp tính và trong thời gian ngắn.

ĐTĐ typ 2 (chiếm 90 – 95% các trường hợp mắc ĐTĐ). Bệnh nhân thường là người trên 30 tuổi, béo phì… Bệnh diễn biến âm thầm, các triệu chứng như: đái nhiều, uống nhiều, ăn nhiều, mệt mỏi, sút cân… thường không điển hình. Do đó bệnh thường được phát hiện muộn, khi đã có biến chứng.

 

Thảo Chi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...