Thứ hai, 20/05/2024, 01:36 [GMT+7]

Rèn luyện y đức có khó?

Thứ ba, 03/03/2015 - 09:46'
(BLC) - Đạo đức nghề nghiệp trong ngành Y tế vẫn được xã hội gọi là y đức. Xã hội luôn dõi theo, đánh giá đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế và khen, chê ở các góc độ khác nhau. Công bằng mà nói, cán bộ y tế phải chịu nhiều áp lực nghề nghiệp.

Đạo đức nghề y vì thế cũng bị tác động bởi các yếu tố khách quan. Khi người thân bị bệnh, ốm đau, gia đình lo lắng, mong được cán bộ y tế tiếp đón, chăm sóc với điều kiện tốt nhất, khỏi bệnh sớm nhất. Nhưng để chẩn đoán và điều trị đúng bệnh cần kiểm tra kỹ lưỡng. Vì vậy, đòi hỏi mỗi thầy thuốc phải tỷ mỷ, thận trọng mỗi quy trình. Môi trường làm việc của cán bộ y tế luôn trong tình trạng khẩn trương, căng thẳng. Ở nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa còn thiếu hoặc không đồng bộ  về trang thiết bị y tế cần thiết trong khi đường sá xa xôi, thầy thuốc có khi lực bất tòng tâm. Nghề y là nghề có thời gian đào tạo dài và đòi hỏi luôn phải cập nhật kiến thức mới nhưng mức thu nhập, chế độ đãi ngộ lại chưa tương xứng. Bên cạnh đó, người thầy thuốc hàng ngày phải đối mặt với các biểu hiện tiêu cực của cơ chế thị trường và các vấn đề cơm áo, gạo tiền của bản thân và gia đình.

Hội thi tuyên truyền về thực hiện quy tắc ứng xử thường xuyên được ngành Y tế tỉnh tổ chức nhằm nâng cao tay nghề, kỹ năng giao tiếp cho cán bộ y tế.Ảnh: Phương Thuý 

Nhận thức rõ điều đó, ngành Y tế Lai Châu luôn coi trọng giáo dục rèn luyện y đức cho cán bộ trong ngành. Nhiều văn bản, quy định về y đức được ban hành; triển khai số điện thoại đường dây nóng, lắp đặt hệ thống camera giám sát, hòm thư góp ý... Ban Cán sự Đảng Bộ Sở Y tế xây dựng Kế hoạch số 49 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị trong ngành Y tế giai đoạn 2011-2015 với 8 nội dung trọng tâm. Vì vậy, đạo đức nghề nghiệp trong ngành Y tế có nhiều chuyển biến tích cực, được Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao, nhất là việc giảm tải bệnh viện, giảm thủ tục phiền hà, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, ứng dụng thành công các tiến bộ khoa học, cứu chữa thành công các ca bệnh hiểm nghèo, chuyển giao công nghệ cho tuyến dưới, phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm… Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận nhân viên trong ngành Y tế có biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu người bệnh hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm với người dân. Trong tổng số trên 10.000 cuộc điện thoại qua đường dây nóng của ngành Y tế năm 2014 có không ít trường hợp người bệnh hoặc gia đình phàn nàn về y đức của nhân viên y tế.

Vấn đề đặt ra là rèn luyện y đức có khó? Trong lịch sử y học nước nhà đã có rất nhiều thế hệ thầy thuốc, cán bộ y tế  như Giáo sư Hồ Đắc Di, bác sỹ Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung… hành nghề y trong điều kiện chiến tranh, khó khăn, thiếu thốn nhưng họ đã vượt qua để làm tròn bổn phận của người thầy thuốc “trị bệnh cứu người”, được sử sách lưu truyền, xã hội muôn đời biết ơn, yêu kính. Mỗi nhân viên y tế đều học tập và làm theo được. Hãy bỏ lại những vướng bận về gia đình để nơi làm việc luôn có nét mặt thân thiện, lời nói nhẹ nhàng, cử chỉ ân cần động viên chia sẻ. Khám, điều trị cần tư vấn, hướng dẫn tận tình, tránh tình trạng lôi kéo về phòng mạch cá nhân hoặc lợi dụng sự ít hiểu biết của người dân để bán thuốc giá cao… Bên cạnh đó, bản thân mỗi nhân viên y tế phải tích cực học tập nâng cao kỹ năng nghề nghiệp để phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn.

Dân gian vẫn có câu rằng “dao sắc không gọt được chuôi”, dù là cán bộ y tế trong đời vẫn có lúc là người bệnh. Hãy đặt mình vào vị trí của người bệnh, trong tình huống đó ta mong muốn được ứng xử thế nào thì hãy làm đúng như thế với mọi người bệnh. Năm 2015, đánh dấu mốc trong 60 năm Bác Hồ gửi thư cho ngành Y tế (27/2/1955 -27/2/2015) mỗi công chức, viên chức trong ngành Y tế Lai Châu nguyện thực hiện lời căn dặn của Người “Phải thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”. Đó là điều quyết định nhất đến đạo đức trong ngành Y. Làm được như vậy, Y đức phải đâu xa vời và rèn luyện, tu dưỡng y đức phải đâu là khó!

Giáp Thị Chỉ

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...