Thứ hai, 20/05/2024, 10:19 [GMT+7]

Tự tử bằng lá ngón - câu chuyện chưa hồi kết ở vùng cao Sìn Hồ

Thứ hai, 10/04/2017 - 15:13'
(BLC) - Tình trạng người dân ăn lá ngón tự tử ở các xã vùng cao huyện Sìn Hồ xảy ra từ rất lâu, dù các cấp chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động. Điều này quả thực đáng báo động bởi có những cái chết thương tâm chỉ từ lí do rất giản đơn: không cho kết hôn vì chưa đủ tuổi, mâu thuẫn gia đình...

Xã Tủa Sín Chải có phần lớn đồng bào dân tộc Mông sinh sống, từ đầu năm đến nay có đến 2 người ăn lá ngón tự tử. Đầu tiên là chị Lý Thị D. ở bản Háng Lìa. Do xin tiền chồng đi chơi tết không được nên chị D. đã lên rừng tìm lá ngón ăn, khi được phát hiện đưa đi cấp cứu thì đã quá muộn. Chị D. chết để lại cho chồng 6 đứa con mà đứa lớn nhất cũng chỉ mới 13 còn bé nhất lên 3. Tiếp đến là ông Lý Chừ S. ở bản Tủa Sín Chải, 55 tuổi, do buồn chán ông nói với vợ là muốn chết, không muốn sống nữa để rồi cũng lên rừng tìm lá ngón ăn. Giờ đây, vợ ông lại lủi thủi một mình vì cô con gái duy nhất đã đi lấy chồng.

Lá ngón là loại cây mọc tự nhiên có rất nhiều ở các xã vùng cao của huyện Sìn Hồ.

Cách đây chưa lâu, Tòa soạn Báo Lai Châu cũng đã nhận được đơn của gia đình ông Giàng A. T. ở bản Nậm Khăn (xã Tả Ngảo) về việc con gái bị một thanh niên cùng bản kéo về làm vợ nhưng cháu không đồng ý rồi 2 lần đi tìm lá ngón ăn với mục đích tự tử nhưng đã được gia đình phát hiện và can ngăn kịp thời. Sau sự việc ấy, 2 bên gia đình cũng đã có nhiều đơn thư gửi các cơ quan chức năng nhằm tố cáo, đòi đền bù tiền bạc và tài sản. Từ đó gây mất đoàn kết bản làng - vốn là truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mông. Cùng với đó, nhiều bạn trẻ ở các bản thuộc các xã vùng cao của huyện Sìn Hồ hiện nay có quan hệ yêu đương từ rất sớm, nhiều em chưa đến tuổi kết hôn nhưng vẫn yêu cầu bố mẹ phải cưới vợ, cưới chồng cho mình. Nếu gia đình cấm, cản sẽ lên rừng tìm lá ngón tự tử, chính vì vậy các gia đình buộc phải tổ chức hôn lễ cho dù không hề muốn.

Ông Giàng A Páo - Phó Chủ tịch UBND xã Tủa Sín Chải cho biết: “Xã đã tuyên truyền, vận động nhiều nhưng tình trạng người dân ăn lá ngón tự tử trên địa bàn xã vẫn cứ xảy ra, điều này cũng khiến cho lãnh đạo xã hết sức đau đầu. Chúng tôi đã từng huy động cả Đoàn Thanh niên và người dân đi nhổ bỏ loại cây này nhưng nhổ rồi nó lại mọc và tại các cánh rừng của xã rất dễ dàng tìm thấy loại cây độc này. Thời gian tới, chúng tôi cũng vẫn tiếp tục kiên trì tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao nhận thức về tác hại của lá ngón, tránh những mất mát không đáng có”.

Nguyên nhân dẫn đến việc ăn lá ngón rất đơn giản như vợ xin tiền chồng đi chơi tết nhưng chồng không cho, uống rượu nhiều bị vợ nói nên chán đời, vợ chồng cãi nhau, bị gia đình cấm cản không cho kết hôn khi chưa đủ tuổi…

Không chỉ ở Tủa Sín Chải mà hầu khắp các xã vùng cao của huyện Sìn Hồ không khó để tìm được cây lá ngón, bởi loại vây này mọc ở mọi nơi và mang độc tính cực cao, chỉ cần ăn vài lá là có thể mất mạng. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng từ năm 2016 đến nay, cũng có tới hàng chục trường hợp ở các xã vùng cao của huyện Sìn Hồ tìm đến lá ngón để tự tử, có người được phát hiện cứu chữa kịp thời, song có những trường hợp đã mất mạng. Tình trạng ăn lá ngón tự tử có thể nói rất đáng lo ngại, song các cấp chính quyền địa phương vẫn chưa thể để tìm giải pháp ngăn chặn một cách hiệu quả.

Ông Lê Thanh Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết: “Chuyện người dân ăn lá ngón tự tử trên địa bàn huyện vẫn xảy ra bắt nguồn từ những mâu thuẫn trong gia đình, anh em, bạn bè. Đã có thời điểm chúng tôi huy động các lực lượng, đặc biệt là các xã ra quân phá nhổ cây lá ngón nhưng đây là loại cây mọc tự nhiên, sức phát triển mạnh nên để phá nhổ hết rất khó. Các kế hoạch tuyên truyền, phá nhổ cũng đã được tiến hành phần nào hạn chế các trường hợp ăn lá ngón nhưng một số nơi vẫn kéo dài dai dẳng, xảy ra chủ yếu ở đồng bào dân tộc Mông”.

Thiết nghĩ, để thay đổi được tình trạng trên, các cấp chính quyền cần có những tác động tích cực hơn để dần xóa bỏ nỗi đau dai dẳng mang tên lá ngón.

Nguyễn Tùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...