Thứ tư, 15/05/2024, 13:40 [GMT+7]

Thời tiết giao mùa – trẻ nhập viện tăng đột biến

Thứ sáu, 26/09/2014 - 14:26'
(BLC) - Những ngày này, thời tiết giao mùa, nhiệt độ thay đổi đột ngột khiến nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa… phải nhập viện. Điều này đã gây nên tình trạng quá tải tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Có mặt tại Khoa nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) những ngày cuối tháng  9, chúng tôi được chứng kiến hình ảnh rất nhiều trẻ em (từ 0-15 tuổi) nằm điều trị do bị viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, hen, tiêu chảy… Cháu Phạm Anh Phúc ở xã Pa Tần (huyện Sìn Hồ) mới hơn 1 tháng tuổi đang nằm trên giường bệnh với khuôn mặt xanh xao, hốc hác. Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, mẹ cháu Phúc ngồi kế bên xót xa kể: “Cách đây khoảng 1 tuần cháu Phúc húng hắng ho, nghĩ là ho thông thường nên gia đình chưa đưa cháu đi khám. Hai ba ngày sau cháu ho nhiều hơn, thở khò khè. Cháu còn lười ăn, nôn trớ. Thấy vậy gia đình sợ quá, vội vàng đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau khi khám bệnh, bác sĩ kết luận cháu Phúc bị suy hô hấp phải hút đờm, giãi, cho thở ôxi sau đó kê đơn thuốc cho cháu uống”. Suốt mấy ngày liền Phúc phải nằm điều trị ở phòng cấp cứu. Cách đây 2 ngày, Phúc đỡ và được chuyển ra phòng điều trị bình thường.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc bệnh nhân.

Mới 4 tháng tuổi nhưng cháu Sùng A Ninh thường trú tại xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) đã phải nhập viện cấp cứu đến 3 lần. Gần đây nhất là cháu nhập viện ngày 12/9 trong tình trạng ho kéo dài, khó thở, bỏ bú. Theo lời kể của anh Sùng A Chung bố của cháu Ninh thì mấy hôm đầu, thấy Ninh ho ít, không sốt cao, không có biểu hiện bệnh nặng nên anh tự ý mua thuốc về cho cháu uống. Sau vài ngày, bệnh của Ninh không những không thuyên giảm mà còn có dấu hiệu nặng hơn. Đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bác sỹ chuẩn đoán Ninh bị viêm phổi nặng, suy hô hấp độ 3. Hiện, cháu Ninh đang điều trị tại phòng cấp cứu.

Được biết, nguyên nhân chính khiến nhiều trẻ em vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, điều trị là do thời tiết giao mùa, sức đề kháng kém, cơ thể chưa kịp thích ứng với sự thay đổi của môi trường dẫn đến mắc bệnh. Số lượng trẻ em nhập viện tăng cao nhất là từ ngày 15 tháng 8 đến nay. Trung bình 1 ngày Khoa Nhi thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận khoảng 30 trẻ em đến khám bệnh, ngày đông nhất có thể lên đến 60 bệnh nhân (tăng hơn 2 lần so với bình thường). Số lượng bệnh nhân nhập viện mới điều trị trung bình khoảng 10-15 bệnh nhân/ngày, nâng tổng số bệnh nhân đến khám, điều trị từ 15/8 đến nay lên đến 700 lượt bệnh nhân.

“Số lượng bệnh nhân nhi nhập viện thời điểm này cao nhất trong năm 2014 và cũng cao nhất từ năm 2009 đến nay. Bệnh nhân đông khiến 15 phòng điều trị nội trú với 50 giường bệnh hầu như không có giường trống, có lúc 2, 3 bệnh nhân phải ghép chung 1 giường. Các y bác sĩ trong khoa cũng phải gác lại mọi công việc của cá nhân, gia đình, dồn hết sức mình chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân”. - Bác sĩ Tô Thị Hảo - Phó trưởng Khoa nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết.

Ngoài việc đi buồng hàng ngày để nắm bắt tình hình bệnh nhân, hướng dẫn, nhắc nhở người nhà bệnh nhân cho các cháu ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống thuốc đúng theo chỉ định, giữ gìn vệ sinh chung, các y bác sĩ còn phải luôn chủ động nguồn thuốc dự trữ, trang thiết bị, nhân lực. Huy động tối đa bác sĩ, điều dưỡng làm việc theo ngày, ca. 1 ngày thường có 15-20 y bác sĩ làm việc, những ngày nghỉ bố trí thêm nhân lực. Với những ca khó, tổ chức hội chẩn từ cấp khoa đến cấp bệnh viện, tìm ra biện pháp điều trị hiệu quả nhất giúp bệnh nhân nhanh phục hồi sức khỏe.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh, thời gian tới, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, để phòng bệnh giao mùa bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh nên cho trẻ sinh hoạt, vui chơi ở những nơi thoáng mát, sạch sẽ, không khí trong lành. Thường xuyên vệ sinh nhà ở, đồ chơi của trẻ. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh tai-mũi-họng đúng cách, tránh cho trẻ tắm quá lâu hay đi chân đất trên nền nhà ẩm ướt. Khi đi ra ngoài đường nên đeo khẩu trang cho trẻ để tránh gió, bụi.

Về dinh dưỡng, cần cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, thường xuyên cho trẻ uống nhiều nước và ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi. Nếu thấy trẻ có biểu hiện không bình thường như: ăn uống bú ít hơn ngày thường, sốt, chảy dịch mũi nhiều, quấy khóc, thở thanh, thở khò khè, tiêu chảy… thì cha mẹ phải khẩn trương đưa trẻ đến các trung tâm y tế khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc cho con uống bởi uống thuốc không đúng bệnh trẻ lâu khỏi, không khỏi bệnh, thậm chí bệnh nặng hơn...

 

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...