Tận tâm với sự nghiệp “trồng người”
Dáng người nhỏ nhắn, giọng nói nhẹ nhàng là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp cô giáo Phạm Bạch Ngọc tại phòng làm việc. Qua trò chuyện, được biết cô giáo Ngọc quê ở Ninh Bình. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2007, cô giáo trẻ quyết định lên Lai Châu xin việc và được nhận vào công tác tại Trường Mầm non Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ).
Cô giáo Ngọc chia sẻ: Thời điểm đó, Sì Lở Lầu là xã đặc biệt khó khăn, giao thông vất vả, mùa mưa nhiều bản không thể đi xe máy vì đường trơn trượt. 100% người dân sở tại là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế thiếu thốn, trình độ dân trí không đồng đều, phần đa phụ huynh chưa quan tâm đến việc học của con em, chủ yếu để ở nhà hoặc đưa đi nương. Do đó, ngày mới nhận công tác, tôi từng có ý định bỏ việc về quê. Nhìn học trò mặt mũi lấm lem, thiếu ăn, thiếu mặc và nguy cơ thất học, tôi thấy mình cần có trách nhiệm và nỗ lực hơn để góp phần vào sự nghiệp “trồng người” nơi đất khó.
Hình ảnh cô giáo trẻ Bạch Ngọc cùng đồng nghiệp không quản ngại khó khăn, vất vả, dù nắng hay mưa, dù mùa đông giá lạnh cần mẫn “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa trẻ tới lớp. Thậm chí cô đã dùng tiền lương của mình mua đồ ăn cho học sinh để khẩu phần ăn ở trường thêm đủ đầy. Đồng thời, chú trọng đổi mới phương pháp dạy học nhằm thu hút trẻ. Qua đó, tạo sự tin tưởng để phụ huynh yên tâm gửi gắm con em.
Cô giáo Phạm Bạch Ngọc (bên phải) kiểm tra thiết bị dạy học.
Từ những đóng góp của mình, cô Ngọc được đồng nghiệp, cấp trên tín nhiệm, bổ nhiệm vào nhiều vị trí quan trong trong trường. Và, tháng 3/2017 - dấu mốc quan trọng khi cô được bổ nhiệm là Hiệu trưởng Trường Mầm non Sì Lở Lầu; tháng 10/2021 được điều động về Trường Mầm non Mường So.
Tại ngôi trường mới, cô nhanh chóng nắm bắt công việc; kết nối và xây dựng khối đại đoàn kết trong toàn trường; cùng Ban Giám hiệu lãnh, chỉ đạo tập thể giáo viên không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và thực hiện tốt mô hình xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Chú trọng triển khai, thực hiện việc học tập và làm theo lời Bác, lấy hiệu quả công việc làm thước đo, đánh giá cán bộ, giáo viên từng năm học.
Cô Ngọc luôn gương mẫu thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và triển khai thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong nhà trường. Cùng Ban Giám hiệu xây dựng kế hoạch công tác trong năm học, lên kế hoạch cụ thể cho từng tháng, từng tuần. Phân tích tình hình, xác định mục tiêu phát triển nhà trường trong từng năm; xác định hoạt động, nguồn lực để đạt các mục tiêu phát triển phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương, chú ý đối tượng trẻ mầm non có nhu cầu giáo dục đặc biệt. Tổ chức các hoạt động xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa nhà trường với các bên liên quan trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, phát triển nhà trường và cộng đồng. Xây dựng và phát triển mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình; tư vấn, hỗ trợ và huy động cha mẹ trẻ tích cực phối hợp với nhà trường trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Chỉ đạo điều hành các hoạt động trong nhà trường thực hiện đúng tiến độ, hoàn thành 100% nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch công tác năm.
Vượt qua mọi khó khăn, cô Ngọc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Đặc biệt, xây dựng tập thể trường đoàn kết, được các cấp, ngành công nhận và trao tặng nhiều danh hiệu như: Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen đạt thành tích xuất sắc trong phong trào “Thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy và học” năm học 2020-2021; năm học 2021-2022, tập thể nhà trường được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua; năm học 2022-2023, tập thể nhà trường được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Đối với cá nhân, từ năm 2018 đến nay, cô Ngọc đạt nhiều danh hiệu như: Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; Lao động tiên tiến; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Đặc biệt, năm 2021 cô được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Minh Khôi
Bình luận