

Anh Sử tra cán dao cho khách hàng.
Kể lại quãng thời gian bén duyên với nghề rèn, anh Sử chia sẻ: Khi 20 tuổi, tôi cũng muốn có một công việc ổn định để đảm bảo cuộc sống nhưng ngoài cấy lúa, trồng ngô không biết làm gì để mưu sinh. May mắn thay, ông nội tôi vốn là thợ rèn lâu năm trong bản đã động viên tôi học nghề. Nghề rèn có thể chế tạo ra nhiều vật dụng, tuy nhiên tôi thích chuyên tâm vào làm dao.
Trong những sản phẩm làm rèn thì liềm là khó nhất, nếu rèn được liềm là rèn được thứ khác. Do đó anh cũng học chế tạo liềm trước để nắm được kỹ thuật uốn cong, tán sắt đều tay. Tuy nhiên khi làm dao, anh lại gặp khó khăn trong việc nung sắt, thép và tạo hình cho sản phẩm. Không biết bao nhiêu con dao bị hỏng, giòn do nung quá già, bao nhiêu lá thép phải bỏ do chưa xác định được độ chín của sản phẩm khiến anh Sử đôi lúc chán nản. Mong ước nối nghiệp ông, anh Sử quyết tâm học và 7 năm sau, anh tự mở lò rèn riêng.
Nếu trước đây làm cả buổi mới được 1 con dao thì nay anh chỉ mất 2 giờ đồng hồ và đảm bảo theo yêu cầu của khách hàng. Không những thế, đôi bàn tay anh thuần thục với công việc đến độ rèn 100 con dao giống nhau như đúc. Việc chia sắt, thép cũng hợp lý, cân đối.
Trong các công đoạn, khó nhất và cũng là khâu quan trọng nhất là tôi dao. Bởi nếu trong quá trình tôi dao vào máng nước không đúng tỷ lệ thì con dao sẽ bị hỏng. Do đó, anh Sử không dùng dầu nhớt xe máy mà sử dụng nước lã và chỉ đổ nước bằng 1 phần lưng của con dao. Bởi như thế con dao vừa sắc, bền lại dẻo. Theo anh Sử, nếu dùng dầu nhớt để tôi dao như nhiều thợ rèn khác thì khi mài đá, dao sẽ trơn không có độ sắc ngọt, dầu bám lưỡi dao khó mài. Còn nếu cho dao ngập nước thì dễ bị cong, mẻ.
Để mỗi con dao sử dụng trong thời gian dài, anh thường thu mua lá nhíp ô tô làm nguyên liệu rèn dao. Trải qua mỗi lần làm dao, anh tự đúc kết kinh nghiệm cho bản thân, thay đổi cách tôi, nung thép, đập búa trên đe. Vào mùa hè, anh cho thêm đá lạnh vào nước tôi dao để dao càng thêm cứng, sắc bén.
Hiện nay, anh Sử có thể làm từ 4 - 8 con dao/ngày. Với mức giá từ 120 – 500 nghìn đồng/con tùy chủng loại và kích cỡ, cán bằng gỗ hay sừng trâu. Trung bình một năm anh Sử thu nhập 120 triệu đồng từ làm dao bán. Nhiều người dân các nơi trong huyện đến đặt hàng như: Sìn Hồ, Tam Đường; Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên). Công việc rèn dao của anh Sử diễn ra suốt 4 mùa trong năm, ít có thời gian rảnh rỗi. Một mình xoay xở nên công việc rất vất vả, chẳng lúc nào ngơi tay.
Công đoạn đánh dao ai cũng biết nhưng tôi dao thì nhiều người ở xã Dào San còn đến nhờ anh giúp. Tại lò rèn nhà anh Sử chúng tôi gặp anh Đồng Văn Mơn ở bản Tây An (xã Mường So, huyện Phong Thổ) đến mua dao và cho biết: Từ lâu tôi đã nghe danh tiếng anh Sử rèn dao tốt nên tìm đến đây mua. Được tận mắt chứng kiến, tôi thấy anh làm dao rất tỷ mỉ, cẩn thận, nhiệt tình tư vấn. Tôi đã mua được con dao ưng ý.
Nghề rèn không chỉ giúp gia đình nâng cao thu nhập mà với anh Sử hơn hết là duy trì nghề truyền thống của cha ông.
Tin đọc nhiều







