

Chúng tôi có dịp cùng với cán bộ Ngân hàng CSXH huyện tới tham quan mô hình phát triển kinh tế của một số hộ dân ở bản Bình Luông (thị trấn Tam Đường). Trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà sàn khang trang mọc lên san sát, những khóm hoa đang đua nhau khoe sắc hai bên đường làm cho Bình Luông mang vẻ đẹp bình yên, no ấm.
Bản Bình Luông có 56 hộ, 249 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Thái sinh sống, đây cũng là một trong những bản có kinh tế phát triển của thị trấn Tam Đường. Hiện nay, cả bản có 25 hộ vay vốn, với tổng dư nợ trên 1 tỷ đồng. Các hộ được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, chủ yếu đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản, lợn. Đến nay, cả bản có 98 con trâu, trên 200 con lợn.
Gia đình bà Nhất (bản Bình Luông, thị trấn Tam Đường) sử dụng vốn vay từ ngân hàng chính sách để chăn nuôi lợn.
Trước đây, gia đình bà Lù Thị Nhất (ở Bình Luông) là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2018, bà được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tam Đường cho vay 40 triệu đồng. Có nguồn vốn, bà mua lợn nái, trâu để chăn nuôi. Sau hơn 3 năm kể từ lần đầu tiên được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình bà đã sở hữu mô hình chăn nuôi với 25 con lợn, 2 con trâu, thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng. Bà Lù Thị Nhất chia sẻ: “Trước đây, kinh tế khó khăn, gia đình tôi chỉ chăn nuôi vài con gà phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình. Sau khi được Ngân hàng CSXH huyện, cho vay vốn, gia đình tôi xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố để chăn nuôi lợn nái và trâu sinh sản. Nhờ chăm sóc chu đáo cùng với phòng trừ dịch bệnh đầy đủ nên đàn lợn, đàn trâu của gia đình tôi sinh sản, phát triển tốt. Hàng năm duy trì nuôi 3 con lợn nái, 25-30 con lợn con, 2 con trâu, 30 con gà. Chăn nuôi đã giúp gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định, kinh tế khá hơn trước. Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ phù hợp để người nông dân vơi bớt khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế”.
Chia tay Bình Luông, chúng tôi tiếp tục đến với bản Tiên Bình (thị trấn Tam Đường). Nằm trên quốc lộ 4D, bản Tiên Bình có điều kiện tự nhiên thuận lợi phát triển các loại cây trồng, vật nuôi như: chè, lúa, cây ăn quả, chăn nuôi trâu sinh sản, lợn… Để có vốn đầu tư phát triển kinh tế, trên 60% hộ dân trong bản vay vốn Ngân hàng CSXH huyện thông qua các tổ chức hội như: hội nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh… đầu tư mua trâu, bò, mở rộng diện tích trồng chè. Nhiều năm qua, chăn nuôi, trồng trọt đã từng bước đem lại hiệu quả, cho thu nhập cao, điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Thảo, Vương Thị Thanh Hương; anh Vũ Viết Hoàng, Vũ Ngọc Kiên.
Chị Nguyễn Thị Thảo (bản Tiên Bình) phấn khởi nói: “Nhờ được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, năm 2017 tôi được vay 100 triệu đồng thông qua hội phụ nữ thị trấn. Từ số tiền đó, tôi mua 2 con trâu phát triển kinh tế, nhờ áp dụng đúng yêu cầu kỹ thuật trong chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, đàn trâu sinh trưởng, phát triển tốt, nhân đàn lên được 6 con. Ngoài ra, với số vốn vay, gia đình tôi còn đầu tư mua phân bón để chăm sóc lúa, chè, chanh leo, đào ao thả cá. Nhờ đó, đời sống của gia đình tôi phát triển hơn trước, thu nhập trung bình 200 triệu đồng/năm”.
Không chỉ riêng gia đình chị Thảo, bà Nhất, trên địa bàn huyện còn có hàng ngàn hộ khác được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp từ Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư cây, con giống phát triển trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh thương mại, dịch vụ. Từ năm 2016 đến nay, Ngân hàng CSXH huyện triển khai cho vay chương trình hộ nghèo 1.065 triệu đồng với 31 hộ vay, chương trình giải quyết việc làm cho 50 hộ với số tiền 2.433 triệu đồng, vốn vay chủ yếu được đầu tư vào trồng, chăm sóc chè và chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Ngoài ra, với 13 chương trình tín dụng, đến thời điểm này, tổng dư nợ trên địa bàn huyện là 369.702 triệu đồng (đạt 97,3% kế hoạch năm) với 7.162 hộ vay.
Để chủ trương của Chính phủ đến đúng đối tượng, kịp thời, hiệu quả, tại tất cả các điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH trên địa bàn các xã, thị trấn đều niêm yết công khai các văn bản, chính sách tín dụng và các bảng, biển theo quy định; đồng thời hướng dẫn quy trình thủ tục vay vốn. Tổ giao dịch thực hiện giao dịch tại xã, thị trấn vào đúng ngày, giờ quy định; trang bị đầy đủ phương tiện, máy móc, thiết bị, đảm bảo an toàn và phục vụ tốt cho công tác giao dịch. Để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), Ngân hàng CSXH huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hộ vay về trách nhiệm trả nợ phân kỳ, trả tiền lãi hàng tháng và gửi tiền theo quy ước của tổ. Từ đó, các hộ dân trên địa bàn huyện tiếp cận với các chính sách, hiểu được quyền lợi, trách nhiệm của mình khi vay vốn, thực hiện đóng lãi, trả nợ đúng thời gian quy định.
Trao đổi với chúng tôi, chị Đỗ Thị Thanh - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Tam Đường cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn huyện có 185 tổ TK&VV, qua đánh giá có 173 tổ hoạt động tốt, 12 tổ hoạt động khá, không có tổ hoạt động trung bình, yếu. Hàng tháng, chúng tôi thực hiện tốt việc giao ban với các tổ để nắm bắt tình hình tại cơ sở. Cùng với đó, phòng tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ quản lý vốn ủy thác cho cán bộ chuyên trách; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đóng tiền lãi hàng tháng đầy đủ, có biện pháp xử lý đối với các trường hợp nợ quá hạn. Thông qua nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách đã góp phần tích cực trong việc xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển”.

Thành phố Lai Châu: Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản

Mang ấm no, hạnh phúc đến với nhân dân

Quản lý, vận hành kênh mương hiệu quả phục vụ sản xuất
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi

Công bố quyết định thành lập các Đội quản lý Điện lực khu vực và công tác cán bộ

Nùng Nàng vào vụ thu hoạch lê

Nhiều giải pháp giảm nghèo ở Bình Lư
Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Tam Đường







