

Màu xanh của lúa đông xuân đã thay thế màu nâu của đất bỏ hoang trước đây.
Sì Lở Lầu là xã vùng biên xa xôi nhất của huyện Phong Thổ. Do điều kiện địa hình chủ yếu là núi cao, khí hậu khắc nghiệt, lượng nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thiếu nên trước đây người dân trong xã chỉ làm được 1 vụ lúa rồi bỏ hoang, rất lãng phí. Từ vụ đông xuân năm 2021-2022 trở lại đây, cơ quan chuyên môn của huyện Phong Thổ đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thí điểm chuyển đổi đất 1 vụ thành 2 vụ với giống lúa VNR20.
Thực tế thăm diện tích lúa đông xuân tại bản Tỷ Phùng (xã Sì Lở Lầu), chúng tôi nhận thấy trên khắp các thửa ruộng bậc thang lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Màu xanh đậm của lúa đã thay thế màu nâu bạc phếch của đất để hoang trước đây. Sức sống và sự sinh sôi của lúa cùng với các cây trồng khác hòa cùng hình ảnh bà con nông dân nô nức làm cỏ, chăm sóc lúa, mang đến cảm giác yên bình và niềm tin về một cuộc sống tốt hơn cho bà con nơi đây.
Công tác chăm sóc lúa đông xuân luôn được người dân xã Sì Lở Lầu chú trọng.
Chị Cồ Gà Chư - người dân bản Tỷ Phùng nói: “Trước cấy lúa gia đình tôi chỉ thu 30 bao thóc, vụ đông xuân năm 2021-2022 nhờ tăng vụ gia đình tôi thu được 60 bao, rất phấn khởi. Năm nay, gia đình tôi vẫn giữ nguyên diện tích. Thăm đồng thấy lúa tốt, không bị sâu bệnh, hy vọng thu được năng suất cao hơn”.
Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ, vụ đông xuân năm nay, toàn huyện gieo cấy 754,8ha lúa, đạt 102,28% kế hoạch, tăng 16,8ha so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân diện tích lúa tăng tập trung chủ yếu ở 2 xã: Vàng Ma Chải và Sì Lở Lầu. Trong đó, riêng xã Sì Lở Lầu trồng lúa VNR 20 tại các bản: Xin Chải, bản Mới, Tỷ Phùng, Tả Chải quy mô 29ha. Xã Vàng Ma Chải trên 2ha giống TBR 225 triển khai tại bản Hoang Thèn.
Thành công bước đầu của mô hình tạo động lực để cán bộ và người dân nỗ lực hơn trong quá trình phát triển kinh tế. Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiếp tục phối hợp với các xã vùng cao rà soát, quy hoạch các vùng để tuyên truyền, vận động Nhân dân mở rộng diện tích cấy lúa đông xuân, đặc biệt là các khu vực có độ cao dưới 900m so với mực nước biển. Từ đó, tạo điều kiện giúp người dân có thêm nguồn lương thực, tăng thu nhập, từng bước vươn lên giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Tin đọc nhiều

Bước chuyển mình đáng tự hào

Trồng chè theo hướng hữu cơ
Tam Đường bảo đảm nước sản xuất

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Đồng hành xây dựng sản phẩm OCOP

Nậm Nhùn sẵn sàng mùa trồng rừng

Tập trung phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân

Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh; đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền









