Thứ tư, 18/09/2024, 03:40 [GMT+7]

Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa

Thứ tư, 07/08/2024 - 09:42'
Thực hiện Kết luận số 109-KL/ThU, ngày 20/11/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Lai Châu về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/ThU, ngày 12/12/2015 về lãnh đạo phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn, các chi bộ, Đảng bộ cơ sở đã thực hiện tốt công tác quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. UBND thành phố ban hành kịp thời các kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc để chỉ đạo thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đến nay, nhiều chỉ tiêu thực hiện cơ bản đảm bảo theo tiến độ.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng Phòng Kinh tế thành phố, dưới sự lãnh, chỉ đạo của Thành ủy, các chi bộ, Đảng bộ cơ sở, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội, UBND thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, chính sách về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tới toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân biết và thực hiện. Gắn việc tuyên truyền chủ trương, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong các lớp tập huấn nghiệp vụ xây dựng tổ dân phố, bản phát triển toàn diện và hội nghị tuyên truyền tại khu dân cư. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Nhân dân nắm được chủ trương, chính sách, tích cực tham gia thực hiện, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập.
UBND thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức rà soát thực trạng hạ tầng các khu vực sản xuất nông nghiệp để huy động, ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp, nhất là các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, trong đó chủ yếu là hạ tầng giao thông, thủy lợi. Được biết, ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ hơn 72 tỷ đồng cho phát triển các vùng sản xuất tập trung, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, nâng cấp, sửa chữa hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng… Đến thời điểm này, cơ bản hạ tầng giao thông nội đồng phục vụ sản xuất được đầu tư, tỷ lệ cứng hóa đạt gần 70%; tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp đảm bảo nước tưới, tiêu chủ động từ hệ thống kênh mương thủy lợi đạt trên 80%. Điều này tạo thuận lợi cho người dân đi lại, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập.

Người dân thành phố Lai Châu thu hái chè.

Thành phố khuyến khích người dân thực hiện việc chuyển đổi các diện tích đất canh tác cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: hoa, chè để hình thành các vùng sản xuất hàng hoá quy mô lớn, tập trung. Đến nay đã hình thành vùng sản xuất tập trung như: vùng lúa chất lượng 342ha tại các xã: San Thàng, Sùng Phài và phường Quyết Thắng; vùng chè 963,45ha tập trung tại 2 xã: San Thàng, Sùng Phài và phường Quyết Tiến, sản lượng chè hằng năm đạt trên 10.000 tấn, riêng năm 2022 sản lượng chè búp tươi ước đạt 10.892 tấn; vùng hoa 78,65ha, rau, chủ yếu tại xã San Thàng, phường Quyết Tiến, trong đó có khoảng 30ha trồng rau chuyên canh, tăng vụ tập trung; 160,4ha cây ăn quả tại phường Quyết Thắng, Quyết Tiến, Tân Phong và xã San Thàng; 280,4ha mắc-ca. Có 66 lượt sản được chứng nhận sản phẩm OCOP.
Chị Tẩn Thị Giao ở bản Huổi Lùng (xã Sùng Phài) chia sẻ: Với mô hình mắc-ca được hỗ trợ trồng từ năm 2017, hiện nay gia đình tôi có 330 gốc mắc-ca cho thu hoạch đều đặn, mỗi năm bán quả thu về gần 50 triệu đồng. Nhờ đó, chất lượng cuộc sống gia đình tôi được cải thiện, vợ chồng tôi có điều kiện tiếp tục đầu tư vào sản xuất.
Bên cạnh đó, thành phố có 12 cơ sở chăn nuôi tập trung, ứng dụng phương pháp nuôi công nghiệp, bán công nghiệp gắn với chăn nuôi an toàn sinh học và bảo vệ môi trường. Một số cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, chăn nuôi an toàn sinh học như: trang trại chăn nuôi lợn của bà Nguyễn Thị Hòa (phường Đông Phong), trang trại chăn nuôi lợn của hộ Mai Đình Đồng (xã San Thàng), hộ Nguyễn Văn Hòa (xã Sùng Phài). Ngoài ra, còn hỗ trợ phát triển nuôi thả đàn ong với quy 525 đàn theo hướng tự nhiên, kiểm soát dịch bệnh tạo các sản phẩm mật ong đặc trưng của thành phố Lai Châu…
Năm 2023, giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích của thành phố đạt 115,7 triệu đồng/ha. Trên cơ sở đó, năm 2024, thành phố ước giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên một đơn vị diện tích đạt 126 triệu đồng/ha/năm. Dự kiến đến hết năm 2025, giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích sẽ đạt 135 triệu đồng/ha (đạt 100% mục tiêu đề ra).
Thời gian tới, Thành ủy Lai Châu tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện các nghị quyết, đề án, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn theo kế hoạch giai đoạn, hàng năm đã xác định. Tin rằng với sự lãnh, chỉ đạo kịp thời, sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn thành phố sẽ đem lại những kết quả cao, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Ngọc Bảo

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nậm Nhùn khó đạt chỉ tiêu trồng rừng
Năm 2024, huyện Nậm Nhùn được giao chỉ tiêu kế hoạch trồng 325ha rừng, trong đó trồng rừng phòng hộ 50ha và rừng sản xuất 275ha. Theo kế hoạch, việc triển khai trồng rừng sẽ được hoàn thành trước...
Thư, điện, thông điệp thăm hỏi Việt Nam về ảnh hưởng của cơn bão số 3
Bày tỏ tình đoàn kết và sẻ chia với Việt Nam về những thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, lãnh đạo các nước trên thế giới tiếp tục gửi thư, điện, thông điệp tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô...
Nữ y sỹ nhiệt tình với công việc
Với tấm lòng tận tâm vì sức khỏe của nhân dân, y sỹ Đỗ Thị Kiều (Trạm Y tế xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu) luôn tận tụy hết mình với công việc, được bà con trên địa bàn tin yêu.
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.