Thứ năm, 12/09/2024, 11:40 [GMT+7]

Giảm lãi suất-Điều kiện cần và đủ

Thứ bảy, 11/02/2023 - 10:46'
Đơn hàng sụt giảm, môi trường kinh doanh bất định nên chưa khi nào các doanh nghiệp mong muốn ngân hàng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ giảm chi phí đầu vào như lúc này. Nhưng cái khó là, để giảm lãi suất thị trường phải hội tụ những yếu tố nhất định.

 

Khó giảm thêm lãi suất huy động khi thanh khoản của các ngân hàng thương mại chưa được cải thiện. Ảnh: TTXVN

Khó giảm thêm lãi suất huy động khi thanh khoản của các ngân hàng thương mại chưa được cải thiện. Ảnh: TTXVN

Mặt bằng lãi suất đang ở mức nào

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tại thời điểm cuối tháng 12/2022, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,2-0,6%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng; 5,3-5,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới sáu tháng; 6,2-7,6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ sáu đến 12 tháng; 6,0-7,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ hơn 12 tháng đến 24 tháng và 6,9-7,2%/năm đối với kỳ hạn hơn 24 tháng.

Lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 9,0-10,7%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,7%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (5,5%/năm). Lãi suất cho vay bằng USD bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 3,9-5,4%/năm đối với ngắn hạn; 5,8-5,9%/năm đối với trung và dài hạn...

Tuy nhiên, đây là mức lãi suất bình quân. Thực tế, trên thị trường lãi suất huy động cao nhất, hiện vẫn ở mức trên, dưới 11%/năm (tùy theo từng ngân hàng thương mại sẽ kèm theo những điều kiện nhất định); mức lãi suất huy động phổ biến kỳ hạn trên sáu tháng hiện 9-10%/năm. Mức lãi suất này, so các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp thì người gửi tiết kiệm đang "ngồi mát ăn bát vàng".

Lãi suất huy động cao thì tất yếu lãi suất cho vay cao. Tùy từng đối tượng khách hàng và chiến lược kinh doanh riêng, mỗi ngân hàng thương mại sẽ tính toán mức lãi suất cho vay cho từng nhóm khách hàng, thậm chí cho từng khách hàng cụ thể, song nhìn chung các ngân hàng thương mại sẽ duy trì biên lãi ròng (NIM) ở mức 3-4%. Như vậy lãi suất cho vay có thể lên đến trên 12%/năm; đặc biệt các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán, cho vay tiêu dùng…, lãi suất cho vay còn cao hơn nữa. Ngay sau khi lãi suất huy động có dấu hiệu hạ nhiệt, tháng 1/2023 một số ngân hàng thương mại đã công bố những gói tín dụng hỗ trợ lãi suất cho những nhóm khách hàng nhất định, như: gói tín dụng quy mô 30 nghìn tỷ đồng cho vay ngắn hạn của BIDV với lãi suất chỉ từ 8%, cho vay hơn 18 tháng lãi suất 10,9%; OCB dành khoảng 25 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi với lãi suất cho vay ngắn hạn từ 8-12%/năm với doanh nghiệp, và tối đa khoảng 12% với cá nhân...

Lãi suất sẽ giảm vào quý III này?

Kinh tế thế giới sau khi Covid-19 xuất hiện tiếp tục có nhiều yếu tố bất định. Vì thế, ngân hàng trung ương các nước đã và đang triển khai biện pháp chưa có tiền lệ, dẫn đến phản ứng của thị trường cũng ngày càng khó đoán định. Và chính vì sự bất định này khiến việc kiểm soát lạm phát của các nước trở nên khó khăn, dấu hiệu suy thoái của những nền kinh tế lớn trên thế giới đã rõ nét hơn. Những yếu tố bên ngoài này tác động thị trường trong nước, cộng với những yếu tố chủ quan và khách quan khác khiến lãi suất cho vay chưa giảm.


Thứ nhất, vấn đề thanh khoản của các ngân hàng thương mại. Lãi suất huy động cao khiến tiền gửi tiết kiệm tăng, nhưng tính chung cả năm 2022, tăng trưởng huy động vốn chỉ bằng 50% tốc độ tăng của tín dụng (năm 2022 tín dụng tăng 14,5%) khiến thanh khoản của các ngân hàng thương mại không dồi dào, thậm chí có thời điểm khó khăn, lãi suất liên ngân hàng vẫn ở mức cao.

So thời điểm "đỉnh cao" - tháng 10, 11/2022, hiện lãi suất huy động của nhiều ngân hàng thương mại đã giảm, nhưng vì thanh khoản chưa được cải thiện nên đến thời điểm này các ngân hàng thương mại, nhất là những ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ không dám giảm thêm lãi suất huy động. Theo Ngân hàng Nhà nước, năm 2022 sở dĩ huy động vốn của ngân hàng khó khăn còn có nguyên nhân từ việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, khiến vòng quay vốn trong nền kinh tế chậm. Do đó, nếu năm nay vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước (hơn 756 nghìn tỷ đồng) được giải ngân đúng kế hoạch sẽ tác động tích cực đến thanh khoản ngân hàng.

Thứ hai, lãi suất huy động chưa giảm mạnh còn do những lo ngại từ tác động từ động thái của FED và những ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới. Xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu vẫn tiếp diễn sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước nâng cao cảnh giác trước sức ép lên tỷ giá, lạm phát. Nếu đồng USD tiếp tục tăng giá mạnh, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải chấp nhận VND mất giá ở mức độ nhất định (năm 2022 có thời điểm USD lên giá 8% so VND) khiến các ngân hàng thương mại phải duy trì mức lãi suất huy động hấp dẫn, bảo đảm thực dương cho người gửi tiền. Mà lãi suất huy động chưa giảm sâu thì lãi suất cho vay khó giảm. Chưa kể, ngân hàng còn cần "độ trễ" nhất định để giảm lãi suất cho vay sau khi đã nâng lãi suất huy động lên cao trong năm 2022.

Thứ ba, hiện ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn chính trong nền kinh tế. Mặc dù Việt Nam đã nhận được nhiều cảnh báo của các tổ chức tài chính quốc tế về việc tỷ lệ cấp tín dụng/GDP quá cao sẽ dẫn đến nhiều rủi ro, hệ lụy nhưng do huy động vốn trên các kênh khác như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp không được cải thiện thậm chí còn bất động nên cầu tín dụng vẫn rất lớn. Cầu tăng thì giá (lãi suất vay vốn) khó có khả năng giảm.

Năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, lạm phát khoảng 4,5%. Như vậy hệ thống ngân hàng không còn chịu nhiều áp lực về hỗ trợ phục hồi kinh tế như năm 2022, mà mục tiêu ưu tiên sẽ là kiểm soát lạm phát; bảo đảm an toàn hệ thống. Do đó, cung tín dụng sẽ không cao như năm trước, và nếu lạm phát được kiểm soát tốt, lãi suất cho vay sẽ giảm vào quý III năm 2023, nhưng sẽ tập trung vào những nhóm khách hàng nhất định.

Chính phủ vừa có cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan về việc sửa đổi bổ sung Nghị định 31/2022/NĐ-CP nhằm đẩy mạnh chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước. Chương trình này được triển khai hiệu quả cũng sẽ tác động đến khả năng giảm mặt bằng lãi suất cho vay thời gian tới.

Cập nhật Thứ sáu, ngày 10/02/2023 - 14:14 /VŨ VÂN/https://nhandan.vn/

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nguy cơ cao sạt lở tại bản tái định cư Nậm Manh
Đứt gãy đường vào bản, nước phun lên giữa nhà vào những ngày mưa to, nứt chân tà-luy âm là những hiện tượng đã và đang diễn ra với 36 hộ tại bản tái định cư Nậm Manh (xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn).
Nhiệt tình, trách nhiệm
Với tinh thần trách nhiệm, đức tính cần cù, chịu khó nghiên cứu, học hỏi, có tư duy và phương pháp làm việc khoa học, năng động, sáng tạo, chị Lò Thị Tán (33 tuổi), công chức văn hóa - xã hội xã...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.