Công ty Cổ phần Trà Than Uyên:
Khẳng định bản lĩnh trên thương trường
Sóng gió trên bước đường sản xuất, kinh doanh chè trong chặng đường 60 năm qua mà Công ty phải dũng cảm bước qua thì có nhiều, song thời điểm đại dịch Covid-19 xảy ra, Ban lãnh đạo công ty mới thấm thía và đối mặt với áp lực khắt khe mà thương trường mang lại khi trong những ngày cận tết Nguyên đán năm 2021, nguồn chè còn tồn trong kho lên tới hàng nghìn tấn - điều mà từ trước đến nay Công ty chưa bao giờ gặp phải. Là do chính sách cách ly, cấm biên giữa các nước trên thế giới nên việc tiêu thụ chè gặp cản trở trong việc xuất ra thị trường nước ngoài. Trong khi đó, hầu hết thị trường sản phẩm chè thô của Công ty đều thuộc các nước châu Á. Giờ đây, cơn bão dịch đã đi qua song nhìn lại thời khắc đó,
Công ty luôn tự hào vì đã bản lĩnh vượt qua để tiếp tục vững vàng và đầy tự tin với chiến lược kinh doanh mới. Người đứng đầu Công ty, Chủ tịch Hội đồng Quản trị - ông Vũ Ngọc Sang sở hữu cả một kho kinh nghiệm và bản lĩnh để ứng biến linh hoạt với thương trường. Ông cho rằng, như một quy luật của vạn vật, một cái cây, hay một đời người rồi cũng đến lúc già cỗi và mất đi. Những đồi chè có tuổi đời già nửa đời người cũng đến lúc phải được thay thế bằng cây trồng mới. Đó là lý do vì sao Công ty chuyển đổi toàn bộ diện tích chè cỗi sang trồng các loại cây ăn quả.
Theo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023 mà ông Vũ Hoàng Mạnh - Giám đốc điều hành Công ty cung cấp cho thấy, sản lượng chè búp tươi, chè khô đều vượt so với kế hoạch đề ra. Trong đó, doanh thu thực hiện được gần 83 tỷ đồng (đạt 110,66%), đóng góp vào ngân sách Nhà nước 900 triệu đồng. Hiện nay, Công ty duy trì chăm sóc và khai thác gần 400ha chè nguyên liệu. Để nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm chè, Công ty đã ký biên bản ghi nhớ với đối tác là Tập đoàn Quế Lâm nhằm định hướng cho sản xuất chè theo hướng hữu cơ. Trong đó đã xây dựng quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và cung cấp toàn bộ phân bón đầu vào theo hướng hữu cơ để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm chè khi khai thác, chế biến. Mục tiêu là sản phẩm của công ty sản xuất ra sẽ tiếp cận được với các thị trường khó tính hơn trên thế giới.
Vùng nguyên liệu dứa rộng 25ha chuẩn bị cho thu hoạch trong tháng 5/2024.
Về chuyển đổi diện tích chè năng suất thấp sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, Đảng bộ Công ty Cổ phần Trà Than Uyên đã xây dựng thành chương trình trọng điểm của nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo đó, từ năm 2021, Công ty đã tiến hành trồng 7ha xoài Đài Loan, 5ha bơ booth và bơ 34, đến nay đã ra quả bói. Cũng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Công ty trồng thêm 5ha hồng xiêm, 25 dứa Queen và 20ha mít ruột đỏ indo, trồng hoa nhài để ướp hương cho chè. Ngoài ra, Công ty còn xây dựng 3.000m2 nhà màng trồng dưa lưới Ichiba. Đây là giống dưa lưới cao cấp của Nhật Bản nhưng khi trồng trên đất Tân Uyên lại rất phù hợp và sản phẩm dưa này của công ty vừa được tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Về vấn đề đầu ra của các sản phẩm hoa quả, công ty đã chủ động tìm kiếm, kết nối ký kết hợp tác với các đơn vị bao tiêu sản phẩm. Cụ thể đối với diện tích dứa đã trồng và dự kiến thu hoạch trong tháng 5 và 6/2024, công ty đã ký kết với Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Quang Hà (tỉnh Điện Biên) tiêu thụ sản phẩm. Còn đối với diện tích cây mít, Công ty cũng đã được đơn vị bao tiêu sản phẩm ký kết hợp tác. Đối với 2 cây trồng này, kế hoạch của công ty là trồng thử nghiệm trước, sau đó sẽ tư vấn kỹ thuật và tuyên truyền vận động nhân dân trên địa bàn mở rộng diện tích cung cấp nguyên liệu phục vụ nhà máy chế biến hoa quả của Công ty trong tương lai. Vừa qua, công ty đã làm việc với Công ty Thạch rau câu Long Hải tìm kiếm cơ hội liên kết đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hoa quả để có nguyên liệu phục vụ cho việc sản xuất. Do đó, đầu ra của các loại cây ăn quả như: mít, dứa, chanh leo của người dân trồng trên địa bàn trong tương lai là rất thuận lợi.
Với sản phẩm trồng trong nhà màng, số lượng chưa nhiều nên thị trường nội tiêu là chính và chuyển về các chợ đầu mối, siêu thị ở miền xuôi như: Hà Nội, Hải Phòng. Kế hoạch dài hơi, công ty sẽ mở rộng khoảng 2ha nhà màng, tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ và đa dạng các sản phẩm hơn nữa như: cà chua, dưa chuột…
Về định hướng sản xuất trong thời gian tiếp theo, công ty sẽ trồng thêm 5ha dứa Queen, nâng tổng diện tích lên 30ha; trồng thêm 15-20ha mít ruột đỏ Indo. Diện tích trồng hoa quả sẽ được chuyển từ những diện tích chè cỗi, năng suất thấp sang. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang trồng cây ăn quả không chỉ là nhiệm vụ lâu dài trong chiến lược sản xuất kinh doanh của Công ty mà còn là giải pháp đắc lực cùng với huyện Tân Uyên thực hiện chỉ tiêu trồng cây ăn quả theo nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Với những bước đi linh hoạt và có tính toán, chuẩn bị thật kỹ lưỡng của Công ty Cổ phần Trà Than Uyên, chúng tôi tin tưởng vào chiến lược kinh doanh và bản lĩnh doanh nghiệp của một đơn vị đứng đầu địa phương về thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Mong rằng, những dự án mới sẽ sớm đem về những “trái ngọt” phục vụ tốt cho thị trường người tiêu dùng, giúp công ty tăng trưởng doanh thu, nâng cao thu nhập cho người lao động và bổ sung đắc lực cho nguồn thu ngân sách địa phương.
T.H
Bình luận