

Mới nhất ở Hô Ta có lẽ là tuyến đường giao thông liên bản. Đâu rồi những ổ trâu, ổ gà, những hòn đá tảng chắn ngang đường đi? Đâu rồi những vũng nước đọng, những đoạn đường đất sét nhão bùn vào mỗi mùa mưa? Đâu những làn bụi mù trắng xóa vào mỗi mùa hè khi có chiếc xe tải vận chuyển chè búp ngang qua bản? Ký ức đó đã trở thành quá khứ của người dân Hô Ta bởi nay các tuyến đường nội bản, liên bản đã được trải dài bằng những đoạn bê tông phẳng lỳ đến tận cổng từng gia đình. Từ khi có đường, bà con ai cũng phấn khởi, mọi sinh hoạt, đi lại đều thuận tiện, các gia đình đầu tư xây dựng, nâng cấp, kiên cố lại nhà cửa khang trang.
Anh Hoàng Văn May – Bí thư Chi bộ bản Hô Ta cho hay: Trước đây, anh May vừa trong vai trò là trưởng bản kiêm bí thư chi bộ nhưng nay thì xã đã phân thêm vai trưởng bản cho người khác, do đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở bản được san sẻ và chuyên hóa hơn.
Anh May nhớ lại: Không ai có thể tưởng tượng trước đây đường vào Hô Ta khó đi thế nào đâu. Vào mùa mưa, đường trơn nên phụ nữ, trẻ nhỏ đi học về bị trượt ngã thường xuyên. Chính vì việc đi lại bất tiện như thế nên khi bản vận động bà con góp đất, góp công cùng với nhà nước làm đường giao thông rất thuận lợi. Trước đây, mặt đường hẹp, muốn đường đẹp, bản tiếp tục vận động Nhân dân hiến đất nên mặt đường rộng 3,5m nay đã lên 4,5m với tổng chiều dài gần 600m. Giờ đây, được xã quan tâm hỗ trợ thêm kinh phí, bản tiến hành trồng các loại hoa như: ngũ sắc, cúc mặt trời, mười giờ Nhật Bản, hiện đang bén rễ lên xanh tốt. Chẳng mấy, ngoài màu xanh của chè, bức tranh ở bản Hô Ta còn được điểm tô bởi muôn màu của sắc hoa mới.
Đường giao thông nội bản được xây dựng là thành quả của người dân chung tay với Nhà nước thực hiện.
Như để “khoe” nhiều hơn những cái “mới” ở bản, Bí thư Chi bộ Hoàng Văn May đưa chúng tôi mục sở thị cánh đồng của bản. Chiều muộn, gió mơn man từ đồng đất thổi về, hương lúa, hương cây thoang thoảng mùi thơm thật dễ chịu.
Anh May chậm rãi tay ga, hướng mắt ra cánh đồng phía trước, tự tin: Chị thấy không, cánh đồng này trước đây bà con thu hoạch xong vụ mùa là để không, chỉ trồng 1 vụ. Nay thì có tới trên 37ha lúa đã được bà con tiếp tục thâm canh, cùng với 66,7ha lúa 2 vụ, hệ số sử dụng đất ở bản đã được tăng lên rất nhiều. Nhờ chăm sóc tốt, chủ yếu bằng nguồn phân chuồng từ nuôi trâu, năng suất lúa 2 vụ của bản đạt trung bình 7,5 tấn/ha. Điều chúng tôi đang trăn trở lớn nhất là làm sao để bà con đưa các giống lúa hàng hóa như: séng cù, tẻ râu, nếp co giàng vào gieo cấy mới nâng cao được giá trị kinh tế trên 1 đơn vị diện tích. Cái này thì gia đình tôi đang thực hiện, sau khi nhìn thấy hiệu quả bà con sẽ học theo ngay”.
Quả là vai trò tiên phong gương mẫu của người đảng viên có ý nghĩa rất lớn đối với bà con dân bản Hô Ta. Với 7 thành phần dân tộc, nhưng đều đoàn kết thống nhất thực hiện chủ trương cũng như nghe theo sự vận động, tuyên truyền của trưởng bản, bí thư chi bộ, điều đó không hề dễ chút nào. Thế nhưng ở Hô Ta, bà con cứ nhìn vào gương bí thư chi bộ mà làm, ví như việc “tìm cách” để trâu không vào ăn cỏ phá vườn chè thì chỉ có cách nhổ sạch cỏ trong các rãnh chè thì trâu mới không còn nguồn thức ăn. Cách làm này đã thực sự hiệu quả, đến nay thì trâu không còn vào phá chè, mà bà con đã nuôi nhốt, trồng cỏ voi, tích trữ rơm rạ làm nguồn thức ăn chăn nuôi. Với 200 con trâu/157 hộ, tính trung bình thì nhà nào cũng có “đầu cơ nghiệp”, như là tài sản lớn cố định để giải quyết những công việc lớn trong mỗi gia đình.
Để trâu sinh trưởng, phát triển nhanh, không chỉ vận động bà con chăm sóc tốt, chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi từ mùa hè hay trong mùa đông giá rét mà công tác phòng chống dịch bệnh cũng được bản quan tâm hướng dẫn bà con. Lợi thế của bản là bí thư chi bộ đồng thời cũng là nhân viên y tế bản nên phần nhiều, anh May cũng vận dụng kiến thức chuyên môn để tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm cũng như bằng “uy tín” của mình truyền đạt lại cho bà con. Trước đây, bà con vẫn chưa hiểu tường tận và vì chưa nhận thức được nên hiệu quả chăn nuôi còn hạn chế. Đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi của bản được kiểm soát tốt.
Còn đối với “công cuộc” vận động các gia đình không sinh con thứ 3 trước đây cũng là việc vô cùng khó. Nhà nào cũng muốn có nếp, có tẻ, không muốn sinh con 1 bề nên cứ “cố bao giờ đủ mới thôi”. Nhưng bằng sự kiên trì vận động, mưa dầm thấm lâu, và vì những ví dụ sinh động của hệ lụy từ việc sinh con thứ 3, không đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng để các con bằng bạn, bằng bè… Thấm thía việc đó, giờ đây, tình trạng sinh con thứ 3 ở bản đã giảm đến 90%.
Những điều “mới” mà Hô Ta có được như hôm nay tất cả là nhờ nhận thức của người dân đã thay đổi, nhận thức đúng giúp bà con hành động đúng. Và đó là cơ sở, nền tảng quan trọng để Hô Ta mỗi ngày tươi đẹp, khang trang hơn.

Thành phố Lai Châu: Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản

Mang ấm no, hạnh phúc đến với nhân dân

Quản lý, vận hành kênh mương hiệu quả phục vụ sản xuất
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi

Công bố quyết định thành lập các Đội quản lý Điện lực khu vực và công tác cán bộ

Nùng Nàng vào vụ thu hoạch lê

Nhiều giải pháp giảm nghèo ở Bình Lư
Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Tam Đường







