

Được sự giới thiệu của Hội Nông dân huyện Phong Thổ, chúng tôi đến thăm gia đình anh Ma A Dình - tấm gương tiêu biểu làm kinh tế ở bản Xì Phài (xã Dào San). Vừa đến nơi, chúng tôi gặp vợ chồng anh đang hái lứa lê cuối cùng để giao cho khách. Những trái lê chín vàng, tuy vỏ hơi sần, ráp nhưng ngọt thanh, mọng nước.
Cầm trái lê trên tay, anh Dình phấn khởi: Bây giờ hết vụ nên quả thưa lắm, tháng trước quả sai trĩu cành. Vợ chồng tôi hái bán được 8 tạ rồi, giá bán 20.000 đồng/kg; chỗ này chắc còn được khoảng 1-2 tạ nữa thôi. Bù lại cho năm trước không được thu vì mưa đá. Cách đây khoảng 6 năm, trên đất ruộng không có nước, nghe cán bộ xã tuyên truyền, vận động, gia đình tôi chuyển sang trồng 150 cây lê (giống do huyện hỗ trợ). Sau hơn 3 năm trồng, chăm sóc, lê cho thu hoạch ổn định, giá trị kinh tế cao gấp 6-7 lần so với cấy lúa. Ngoài ra, vợ chồng tôi cũng tranh thủ khai hoang diện tích đất đồi trồng sắn, ngô; trồng chuối; trồng cỏ voi làm thức ăn cho đàn gia súc. Nhà nông mà, làm mỗi thứ một ít để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Hiện nay, gia đình tôi trồng 300m2 sắn, 1ha chuối; nuôi 3 con trâu, 4 con lợn; mỗi năm thu được 40 bao ngô, 55 bao thóc. Bình quân thu nhập trên 70 triệu đồng/năm.
Nông dân xã Khổng Lào (huyện Phong Thổ) phát triển mô hình nuôi dê sinh sản.
Hội Nông dân huyện Phong Thổ có 17 hội cơ sở (bao gồm 16 xã, 1 thị trấn), 172 chi hội với 12.675 hội viên. Những năm qua, cùng với sự chăm chỉ, cần cù, chịu khó của người nông dân trong việc xác định “nuôi con gì, trồng cây gì” để nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng, Hội Nông dân huyện đã triển khai những giải pháp cụ thể, linh hoạt nhằm tạo động lực, niềm tin cho hội viên nông dân đổi thay tư duy, phương thức sản xuất, lựa chọn loại hình kinh tế phù hợp với điều kiện gia đình.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Teo Văn Kho - Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho hay: Thời gian qua, Hội tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Vận động cán bộ, hội viên, nông dân phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau thông qua việc trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ về ngày công, cây, con giống… Cùng với đó, hội triển khai 13 dự án hỗ trợ nông dân từ nguồn vốn của tỉnh, Trung ương tạo điều kiện cho hơn 120 hộ nông dân tham gia; chủ yếu là nuôi dê sinh sản, trâu, bò thương phẩm với số vốn trên 5,6 tỷ đồng; giúp đỡ gần 3 nghìn hội viên vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện với tổng dư nợ trên 120 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Hội phối hợp với các đơn vị, phòng, ban chức năng của huyện hỗ trợ, tư vấn về cây, con giống; hướng dẫn khoa học, kỹ thuật, đào tạo nghề giúp nông dân nâng cao kiến thức. Đồng thời, khuyến khích nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Được biết, từ năm 2020 đến nay, Hội Nông dân huyện mở 10 lớp bồi dưỡng kiến thức kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp; phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ Hội Nông dân tỉnh và các tổ chức khác mở 40 lớp dạy nghề ngắn hạn cho hơn 1.200 hội viên, nông dân tham gia. Tổ chức thành lập và ra mắt 2 chi hội nghề nghiệp: “Du lịch canh nông", “Nuôi ngựa bạch sinh sản”; 2 tổ hội nghề nghiệp "Nuôi dê sinh sản” ở các xã: Nậm Xe, Sin Suối Hồ với 75 hội viên; 3 tổ hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn, 33 nhóm nông dân cùng sở thích và 13 nhóm tham gia mô hình phát triển kinh tế.
Theo chân của cán bộ Hội Nông dân xã Khổng Lào, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi dê sinh sản của gia đình anh Pờ Văn Thức, chị Lò Thị Sung (bản Huổi Phặc). Vừa lúc đàn dê của gia đình anh chị về chuồng, con nào, con nấy căng tròn bụng.
Chị Sung chia sẻ: Cuối năm 2020, gia đình tôi được Hội Nông dân huyện tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh, mua được 8 con dê (7 dê cái, 1 dê đực). Tôi được tham gia lớp tập huấn về chăm sóc, phòng bệnh cho đàn dê. Về áp dụng, tôi thấy đàn dê khỏe mạnh, phát triển tốt; hàng ngày tôi vệ sinh chuồng trại; lúc nhàn rỗi thì thả ra bãi chăn của bản, cắt cỏ ngoài đồng cho ăn. Sau nửa năm, đàn dê nhân lên được 16 con. Vợ chồng tôi mừng lắm. Hy vọng, với mô hình nuôi dê sinh sản, thu nhập của gia đình sẽ khá lên, có điều kiện sửa sang lại nhà, mua sắm một số đồ dùng tiện nghi, phục vụ sinh hoạt.
Từ sự giúp đỡ của Hội Nông dân huyện, các hội viên thi đua lao động sản xuất; linh hoạt, sáng tạo trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tích cực tham gia các loại sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Năm 2020, toàn huyện có 768 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) các cấp; trong đó cấp cơ sở có 578 hộ, cấp huyện 142 hộ, cấp tỉnh 46 hộ, cấp Trung ương 5 hộ. Năm 2021, hội viên, nông dân huyện Phong Thổ tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp theo nhóm hộ; mở rộng loại hình sản xuất tổng hợp; phấn đấu đạt chỉ tiêu 860 hộ SXKDG các cấp.

Hướng phát triển kinh tế mới

Tăng gần 200 đồng/lít, giá xăng RON95-III vượt ngưỡng 20.000 đồng/lít

Thúc đẩy phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bền vững

Ưu tiên nguồn lực, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng

Công ty Điện lực Lai Châu thành lập các đội quản lý khu vực

Thành phố Lai Châu: Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản

Mang ấm no, hạnh phúc đến với nhân dân

Quản lý, vận hành kênh mương hiệu quả phục vụ sản xuất







