

Đến Nậm Tăm sau khi vượt con đèo dốc gần 30km từ thành phố Lai Châu, chúng tôi vào vùng đất được coi là “thảo nguyên” nơi vùng thấp, với địa hình rộng, bằng phẳng lại có nhiều đồng cỏ. Tận dụng lợi thế này, bà con trên địa bàn xã tập trung đầu tư xây dựng các chuồng trại kiên cố, quy hoạch các bãi chăn thả phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung. Hiện nay, toàn xã có 4.200 con gia súc, trên 24.000 con gia cầm, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt 5,71%/năm, sản lượng nuôi, đánh bắt thuỷ sản 30 tấn mỗi năm.
Có được kết quả này là cả một quá trình vì bao đời nay, bà con nơi đây chủ yếu phát triển chăn nuôi theo hướng tự phát, quen với việc thả rông, phó mặc vào tự nhiên, không quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Vì vậy, để thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xã tổ chức nhiều cuộc họp bản, tuyên truyền, đối thoại với dân để triển khai các mô hình chăn nuôi hiệu quả, vận động bà con đầu tư xây dựng chuồng trại, cử cán bộ trực tiếp xuống bản hướng dẫn giúp đỡ bà con các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong khối nông nghiệp của huyện tổ chức các lớp dạy nghề, cập nhật kiến thức về chăn nuôi; tạo điều kiện giúp bà con tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp. Xã yêu cầu các tổ chức hội, đoàn thể triển khai các đợt học hỏi, thăm quan mô hình chăn nuôi tiêu biểu để biết nhiều cách làm, có sự so sánh, tiếp thu cái hay áp dụng vào mô hình của bản thân.
Người dân bản Pá Khôm, xã Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ) làm giàu từ chăn nuôi dê.
Chị Quàng Thị Dung (bản Pá Khôm) cho biết: Trước đây, ngoài thả rông tôi không biết làm cách nào để vật nuôi phát triển, nhất là khi chúng bị bệnh. Được cán bộ xã tuyên truyền, chỉ ra cách làm mới, hiệu quả, tôi đầu tư vào chăn nuôi dê và gia cầm. Tích cực học hỏi, tìm hiểu kiến thức, áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc, phòng bệnh nên vật nuôi phát triển tốt. Hiện gia đình tôi có 61 con dê, hơn trăm con gia cầm các loại, mỗi năm thu nhập gần 200 triệu đồng.
Chăn nuôi từng bước phát triển, người dân ở 10 bản của xã hăng hái đầu tư xây dựng các mô hình, quy hoạch bãi chăn thả, xây dựng đồng cỏ. Với phương pháp nuôi bán tự nhiên, hàng ngày, bà con đưa đàn gia súc lên các bãi cỏ để chăn thả, tối lùa về nuôi nhốt chuồng. Đối với chuồng trại nuôi nhốt, người dân dựng xa nơi ở, xây bằng gạch, xi măng hoặc dùng ván gỗ. Mỗi chuồng trại có bể chứa chất thải và được vệ sinh, khử mùi thường xuyên, người dân còn chủ động tiêm phòng định kỳ, tìm hiểu về các loại dịch bệnh để kịp thời phòng ngừa.
Người dân quan tâm xây dựng mô hình nuôi lợn thịt.
Đàn gia cầm phát triển nhanh về số lượng và ít nhiễm bệnh, tuỳ theo điều kiện thời tiết, người dân thay đổi phương thức chăn nuôi, hè thì vệ sinh chuồng trại thoáng mát, đông đến lắp bóng điện sưởi ấm, dùng bạt, tôn che chắn chỗ hở trong chuồng. Ngoài ra, người dân còn tận dụng mặt nước lòng hồ thuỷ điện làm lồng bè. Nhờ vậy, chăn nuôi ở Nậm Tăm ngày càng phát triển, mang lại nguồn thu lớn cho bà con.
Anh Lò Văn Sâu - Chủ tịch UBND xã nhận định: Nhờ thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2023 xuống còn 21,69%, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng. Thời gian tới, xã triển khai thêm nhiều biện pháp để chăn nuôi phát triển, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.
Tin đọc nhiều

Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II: Chuẩn bị cho vụ khai thác mủ năm 2025

Nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

Phát huy vai trò của ngành Điện xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững

Chè cổ thụ trên đất Tả Lèng

Giá sắn giảm mạnh, nông dân Hoang Thèn gặp khó
Nông nghiệp Phúc Than nhiều khởi sắc

Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình
Nậm Hàng tích cực chăm sóc lúa đông xuân








