Xuân về trên biên giới
Cán bộ xã Pa Vây Sử (huyện Phong Thổ) thăm hỏi, động viên hộ nghèo.
Vượt qua những cung đường uốn lượn từ thành phố Lai Châu, chúng tôi đến xã Mồ Sì San. Suốt dọc đường đi, chúng tôi thấy nhiều ngôi nhà mới thuộc Đề án 645 hiện lên thật khang trang, được tô điểm thêm sắc cờ đỏ thắm tung bay phấp phới bên hiên nhà. Thế là mơ ước bao lâu nay của hộ nghèo có nơi an cư để lạc nghiệp cũng thành hiện thực bởi sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền các cấp.
Chúng tôi ghé thăm gia đình anh Chẻo Chỉn Páo ở bản Séo Hồ Thầu, xã Mồ Sì San. Tại đây, cán bộ biên phòng Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, cán bộ xã cùng với các thành viên trong gia đình anh đang dọn dẹp nhà mới; trang trí thêm cành đào, đồ dùng để chuẩn bị đón tết. Nhìn nét mặt vui tươi, tiếng cười giòn tan của những đứa trẻ, chúng tôi vô cùng hạnh phúc.
Xuôi bánh xe, chúng tôi về Pa Vây Sử - xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ với 495 hộ dân, trong đó hơn 99% là người dân tộc Mông sinh sống. Đất canh tác sản xuất nông nghiệp ít, bị chia cắt bởi đồi núi cao, dốc đứng, cộng thêm trình độ dân trí của bà con còn hạn chế, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo nơi đây chiếm hơn 2/3 số hộ trên địa bàn. Để giúp người dân vượt khó, thoát nghèo, cấp uỷ, chính quyền các cấp từ huyện đến xã đã quan tâm, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ về vốn vay, cây con giống, nhà ở. Tuyên truyền, nắm bắt tư tưởng và động viên khích lệ các hộ dân tự lực vươn lên, tích cực trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Chúng tôi cùng cán bộ xã Pa Vây Sử đến thăm gia đình anh Xẩy A Tủa ở bản Pờ Xa. Được biết, nhà A Tủa thuộc diện hộ nghèo lâu năm của bản. Ngoài 2 vợ chồng trẻ còn có thêm bố mẹ già và 2 đứa con nhỏ. Kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào việc cấy lúa, trồng ngô, trồng thảo quả, chăm sóc rừng để có thu nhập, đảm bảo cuộc sống hàng ngày. Trong căn nhà mới rộng rãi, sạch đẹp, vợ chồng anh không khỏi xúc động khi nhắc đến sự giúp đỡ của CBCS công an, biên phòng.
Trong năm vừa qua, toàn huyện Phong Thổ có hơn 600 ngôi nhà mới được xây dựng dành cho hộ nghèo ở 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Trong đó, có 600 ngôi nhà thuộc Đề án 645, còn lại là nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể huyện kết nối với tổ chức, tấm lòng hảo tâm trong và ngoài tỉnh triển khai xây dựng.
Qua đó, không chỉ giúp các hộ dân nghèo hiện thực hoá ước mơ có ngôi nhà kiên cố để ở, không phải lo ngày mưa ướt hay mùa đông gió lạnh ùa về; mà còn giúp các xã trên địa bàn rút ngắn thời gian hoàn thành tiêu chí nhà ở dân cư trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Riêng đối với xã Pa Vây Sử, năm 2022 đã có 31 hộ gia đình nghèo được xoá nhà tạm, dột nát.
Điều thật đặc biệt, trong mỗi căn nhà mới của hộ nghèo ở huyện biên giới Phong Thổ, chúng tôi đều thấy tấm ảnh Bác Hồ được treo ngăn ngắn trên tường, trang trí thêm đèn nhấp nháy. Hỏi bà con, chúng tôi biết thêm, treo ảnh Bác Hồ để bày tỏ sự biết ơn, nhờ có Bác Hồ vĩ đại, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cấp uỷ, chính quyền các cấp, hộ nghèo được sống bình an, hạnh phúc trong sự che chở, đùm bọc, yêu thương của mọi người.
Cán bộ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, xã Mồ Sì San (huyện Phong Thổ) giúp hộ nghèo trang trí nhà cửa đón tết trong ngôi nhà mới.
Những bông lau nở trắng rừng, những cành đào, cành mận nở thắm báo hiệu mùa xuân đã về. Trong mỗi nếp nhà từ bản biên giới, vùng sâu, vùng xa cho đến những bản du lịch đều tràn ngập tiếng cười hạnh phúc của mọi người cùng với khúc nhạc xuân rộn vang. Ở biên giới Phong Thổ, mùa xuân năm nay đẹp biết bao.
Đinh Đông - Ngọc Duy
Bình luận