Giới trẻ thế giới: Lan tỏa “thói quen xanh”
Những chiếc xe đạp tre được làm bởi các thành viên tổ chức thanh niên Bright Generation Community Foundation tại Ghana.
Một trong những tổ chức thanh niên hoạt động vì môi trường được biết đến trong thời gian gần đây là Mạng lưới thanh niên hành động vì khí hậu (YoU-CAN) do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) bảo trợ. Được thành lập vào tháng 12-2019, mục đích của YoU-CAN là tập hợp những người trẻ tuổi trên toàn thế giới, cùng nhau làm việc để hỗ trợ Chiến lược hành động của UNESCO về chống biến đổi khí hậu.
Vận hành mạng lưới của YoU-CAN là ban lãnh đạo gồm 15 thành viên xuất sắc được bầu chọn từ các châu lục trên thế giới. Với chuyên môn đa dạng, ngay sau khi công bố vào tháng 7-2020, ban lãnh đạo YoU-CAN đã xây dựng định hướng chiến lược, cơ cấu quản trị và hành động cho thời gian tới, gồm: Thúc đẩy hoạt động vì môi trường thông qua việc chia sẻ và nâng cấp các ý tưởng ngay từ địa phương; nâng cao quyền làm chủ và vai trò lãnh đạo của thanh niên trong các hoạt động chống biến đổi khí hậu; khuyến khích khả năng sáng tạo và đổi mới trong các hoạt động vì môi trường.
Joy Chiadika, một trong những thành viên ban lãnh đạo YoU-CAN ở Nigeria cho biết: “Tôi quan tâm tới việc làm thế nào để xây dựng các cộng đồng phát triển bền vững và có khả năng thích ứng đối với biến đổi khí hậu ở châu Phi. Với kinh nghiệm từng tham gia nhiều dự án tại Nigeria, tôi đã hỗ trợ các tổ chức thực hiện nhiều chương trình nâng cao năng lực nhằm giải quyết vấn đề nghèo đói, thiếu năng lượng, biến đổi khí hậu. Hiện tại, tôi là trưởng nhóm nghiên cứu phát triển năng lượng tái tạo và môi trường (REES) tại châu Phi. Các thế hệ tương lai có thể phải đối mặt với những thảm họa khí hậu và thiên nhiên. YoU-CAN mang đến một cơ hội tuyệt vời cho tôi và những người trẻ khác trên toàn thế giới để giải quyết thách thức này”.
Còn theo Vương Minh, một đại diện YoU-CAN tại Trung Quốc: “Với tư cách đại diện cho tương lai của trái đất, chúng tôi đang cố gắng đưa ra những hành động thực tế nhằm chống biến đổi khí hậu vì một tương lai bền vững thông qua nền tảng khoa học cụ thể. Việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong chương trình nghị sự tới năm 2030 là công việc vô cùng cấp bách. Đây không phải là công việc của một người hay một quốc gia. Chúng ta cần làm việc cùng nhau và bắt đầu hành động ngay bây giờ. Đó là lý do YoU-CAN ra đời”.
Đánh giá về vai trò của thanh niên trong các hoạt động bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, nhà ngoại giao người Costa Rica Christiana Figueres, nguyên Tổng Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu cho rằng, thanh niên ngày càng nhận thức được những thách thức to lớn mà biến đổi khí hậu gây ra. Chính vì vậy, họ đang phối hợp hành động mạnh mẽ trên toàn cầu để bảo vệ tương lai của chính mình. Các chương trình hoạt động của giới trẻ đang truyền cảm hứng cho tất cả mọi người và nhân rộng các dự án bảo vệ môi trường. “Không chỉ ở các quốc gia tiên tiến mà ngay cả ở những khu vực khó khăn của châu Phi, chúng ta đều thấy vai trò tích cực của thanh niên, thể hiện trách nhiệm của họ đối với trái đất” - bà Christiana Figueres chia sẻ.
Tại Ghana, 2 năm qua, tổ chức thanh niên Bright Generation Community Foundation đã triển khai thành công dự án phát triển xe đạp tre nhằm khuyến khích sử dụng phương tiện vận chuyển không khói. Dự án giúp nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường, tạo việc làm cho rất nhiều thanh niên, cải thiện sinh kế cho địa phương thông qua việc trồng tre, tiêu thụ sản phẩm xe đạp hoàn thiện...
Hằng năm, nhiều bạn trẻ tại các nước đang phát triển đã được trao giải thưởng “Nhà vô địch của Trái đất”. Đây là danh hiệu cao quý do Liên hợp quốc trao tặng nhằm ghi nhận và vinh danh những cá nhân xuất sắc có những hoạt động, sáng kiến tích cực, mang tính đột phá để bảo vệ môi trường. Liliana Jaramillo, một nhà sinh vật trẻ tại Ecuador đã nhận giải thưởng này vào năm 2017. Nhờ kiến thức khoa học, cô đã tiến hành dự án khôi phục lại hệ động thực vật đang có nguy cơ biến mất ở đất nước mình. Dự án được khởi xướng tại Quito, quê hương của Liliana, bằng việc lập danh mục các loài động, thực vật bản địa, lên phương án bảo tồn và khuyến khích người dân cùng tham gia.
Theo các báo cáo của Liên hợp quốc, thanh niên đang sử dụng sức mạnh tiếng nói tập thể để vận động và dẫn dắt các chiến dịch hướng tới môi trường. Hành động của họ sẽ tiếp sức cho những chương trình phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đồng thời bảo vệ màu xanh của trái đất trong tương lai.
Cập nhật 14:01 thứ bảy ngày 23/04/2022/QUỲNH DƯƠNGdientu@hanoimoi.com.vn
Bình luận