Thứ ba, 08/10/2024, 18:58 [GMT+7]

Những người con bất tử

Thứ năm, 29/08/2024 - 10:07'
Cách đây hơn 36 năm, ngày 14/3/1988, tại các đảo: Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao trên quần đảo Trường Sa đã diễn ra trận chiến quyết liệt của các chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam để bảo vệ các đảo. Trong trận chiến đó, có 64 cán bộ, chiến sỹ (CBCS) chiến đấu và anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Suốt những năm qua, Tổ quốc và nhân dân Việt Nam luôn khắc ghi công ơn những người lính đã anh dũng hy sinh vì một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam.

Quần đảo Trường Sa của Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược quan trọng trong tuyến hàng hải quốc tế; là ngư trường lớn với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Cùng với đó, là không gian chiến lược đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng, an ninh, hình thành tuyến phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp, từ xa đến gần, tạo những điểm tựa, pháo đài, trạm gác tiền tiêu, đồng thời là lá chắn vững chắc từ hướng biển, tạo thế liên hoàn biển - đảo - bờ trong thế trận phòng thủ.
Ngày 14/3/1988, trong cuộc chiến không cân sức để tự vệ và bảo vệ đảo của CBCS Hải quân Nhân dân Việt Nam tại các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao trên quần đảo Trường Sa, 64 CBCS trên đảo Gạc Ma đã chiến đấu kiên cường, bất khuất. Các anh đã anh dũng hy sinh, tên tuổi và sự hiên ngang, kiêu hãnh của các anh đã làm cho kẻ thù phải run sợ, chùn bước. Sự hy sinh của 64 CBCS Hải quân nhân dân Việt Nam đã thấm đẫm, hoà quyện với từng tấc đảo, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc, tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang của dân tộc, làm sáng đẹp hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - người chiến sỹ Hải quân”, làm rạng rỡ trang sử truyền thống của Quân đội và Hải quân nhân dân Việt Nam Anh hùng.

Hạc giấy và hoa cúc vàng được các chiến sỹ trẻ Vùng 4 Hải quân thả xuống biển tưởng nhớ những chiến sỹ đã hy sinh ở đảo Gạc Ma.

Hình ảnh CBCS Hải quân nhân dân Việt Nam chỉ với vũ khí thô sơ đứng thành vòng tròn lấy thân mình chống lại đối phương với nhiều vũ khí hiện đại, quyết tâm giữ lá cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại đảo Gạc Ma đã trở thành biểu tượng “Vòng tròn bất tử”, mãi khắc sâu trong lòng những người ở lại. Sự hy sinh của các anh mãi mãi là tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.
Tưởng nhớ sự anh dũng hy sinh của 64 chiến sỹ trong hải chiến Trường Sa năm 1988, hằng năm, Vùng 4 Hải quân tổ chức các hoạt động tưởng niệm kết hợp với giáo dục truyền thống, ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ôn lại những câu chuyện về 64 anh hùng liệt sỹ đã hy sinh ở Gạc Ma. Trong hơn 36 năm qua, bằng những hành động tri ân của nhân dân, CBCS Vùng 4 hải quân cùng người thân, bạn bè luôn nhớ đến sự hy sinh của các anh. Những chiến sỹ năm ấy còn trở về dù hiện tại mỗi người ở một nơi nhưng năm xưa vẫn thường xuyên giữ liên lạc, quan tâm, hỏi thăm lẫn nhau và kể cho nhau nghe về những đồng đội còn nằm lại ở Gạc Ma.
Trong chuyến thăm, chúc tết CBCS và nhân dân quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đầu năm 2024 vừa qua, khi đến với cụm đảo Sinh Tồn, chúng tôi vinh dự được cùng Đoàn công tác gồm CBCS Lữ đoàn 146, các nhà báo, phóng viên, nghệ sỹ nhiếp ảnh đến từ mọi miền của Tổ quốc, tham gia Lễ tưởng niệm CBCS đã hy sinh tại đảo Gạc Ma. Chúng tôi luôn ghi nhớ tinh thần quả cảm, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ biển, đảo của những người lính đầy nhiệt huyết và sức trẻ. Các anh đã nằm lại biển sâu nhưng vẫn còn mãi tinh thần và khí phách của người lính giữ đảo. Tinh thần ấy đã thấm sâu vào mỗi người lính đang thực hiện nhiệm vụ ở Quần đảo Trường Sa hôm nay.
Xúc động, nghẹn ngào là cảm xúc của nhà báo Nguyễn Khắc An (Báo Nghệ An), khi lần đầu đến Trường Sa và được dự buổi Lễ tưởng niệm các liệt sỹ, trong đó có người bạn của mình. Anh đã thắp nén nhang, thả xuống biển khơi cho bạn và những người đồng đội một nắm đất mang từ quê hương xứ Nghệ. Tấm chân tình được anh bao bọc, trân trọng suốt cả hành trình cùng với những bông hoa cúc, hạc giấy.
Nhà báo Nguyễn Khắc An chia sẻ: Bạn tôi - liệt sỹ Lê Bá Giang cùng 63 đồng đội đã hy sinh trong hải chiến Gạc Ma. Lần này, được đến Trường Sa, những kỷ niệm giữa tôi và liệt sỹ Lê Bá Giang lại ùa về. Tôi muốn nhắn gửi tới bạn của tôi rằng quê hương, gia đình và bè bạn luôn nhớ về bạn, luôn tự hào về bạn.
Cứ đến gần ngày 14/3, tại thành phố Cam Ranh cùng quần đảo Trường Sa, nhân dân trên cả nước và các đơn vị thuộc Vùng 4 Hải quân tổ chức nhiều hoạt động tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chỉ huy các đảo tiến hành giáo dục lịch sử truyền thống, tổ chức các hoạt động tri ân tại vùng biển Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao…
Quần đảo Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc. “Tôi đang bị thương, trôi trên biển, tàu Trung Quốc phát hiện, chĩa súng vào đầu ra lệnh tôi đầu hàng. Tôi cương quyết không chịu. Nhìn thẳng vào mắt họ, tôi nói: Đất nước chúng tôi không bao giờ dạy chúng tôi đầu hàng trước mũi súng quân thù”. Đó là dòng ký ức của ông Trần Thiên Phụng, 1 trong 9 chiến sỹ còn sống sót sau trận tử chiến ngày 14/3/1988 trên đảo Gạc Ma. 64 CBCS Hải quân nhân dân Việt Nam dũng cảm kết thành vòng tròn bất tử quyết tâm bảo vệ biển đảo quê hương sẽ là tượng đài truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ người lính mai sau trên hành trình giữ đảo, hy sinh cho Tổ quốc trường tồn. Các anh đã đi xa nhưng tên tuổi và dấu ấn oanh liệt cùng tinh thần và khí phách hiên ngang ấy vẫn sống mãi với thời gian, với nhân dân, Tổ quốc; các anh mãi là những người con bất tử.

Nguyễn Tùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn
Bố trí dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy, huyện Tam Đường đang đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án từ...
Vì sự nghiệp “trồng người”
19 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao, từ lòng yêu nghề và năng lực chuyên môn vững, cô giáo Phùng Thuý Phương - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam...