Độc đáo văn hóa của dân tộc Lự ở vùng thấp Sìn Hồ
Dân tộc Lự là một trong những dân tộc thiểu số rất ít người của tỉnh Lai Châu, người Lự ở Sìn Hồ có khoảng 2.300 người. Sống tập trung tại xã Nậm Tăm, Nậm Hăn và Lùng Thàng. Người Lự có nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo như: kiến trúc, trang phục, ẩm thực và các lễ hội... góp phần làm đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện.
Vẻ đẹp trong trang phục truyền thống của người Lự ở vùng thấp Sìn Hồ.
Trang phục của người Lự được làm thủ công từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ. Phụ nữ Lự mặc áo chàm xẻ ngực, được buộc thắt bởi những dây tua sặc sỡ. Váy chàm thêu móc đơn giản để thuận tiện trong công việc. Váy được thiết kế hai lớp với hoa văn 3 tầng trang trí đẹp mắt để mặc vào những dịp lễ tết, hội hè. Cùng với trang phục là các loại trang sức làm từ bạc, nhôm, đồng, hoặc chỉ chàm. Phụ nữ Lự cũng đeo hoa tai là các loại dạng ống, có sợi chỉ xiên qua để treo các chùm bông sặc sỡ. Chiếc khăn đội đầu cũng là vật không thể thiếu của người phụ nữ, được đội nghiêng về phía trái, để lộ mặt trước với những đường viền thêu hoa văn màu trắng, kẻ sọc. Trang phục của người phụ nữ kết hợp cùng đồ trang sức, khăn đầu sẽ càng làm tăng thêm vẻ đẹp tuỳ theo lứa tuổi.
Nam giới Lự mặc quần áo nhuộm chàm đen, áo cánh kiểu xẻ ngực cài cúc tết dây vải, có hai túi ở hai vạt áo. Trước đây, nam giới Lự đội khăn đen gấp nếp cuốn nhiều vòng, nhưng giờ đây họ ít khi đội khăn. Ngoài sự độc đáo thể hiện trong trang phục, đồ trang sức, thì chiếc túi đeo do phụ nữ người Lự ở Sìn Hồ làm ra là một sản phẩm rất có giá trị, một phần không thể thiếu trong các nghi lễ cưới hỏi.
Người Lự ở xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ biểu diễn sáo đôi truyền thống.
Trong cộng đồng vẫn lưu truyền nhiều nét văn háo ẩm thực của người Lự với nhiều món ăn ngon và độc đáo, được chế biến từ những nguyên liệu đơn giản, dễ tìm, nhưng lại có hương vị riêng biệt. Nổi tiếng là các món “xà sủm” (thịt nạc băm cùng các gia vị hấp chín), món ăn từ cá: “Pa pỉnh” (cá nướng), “Pa ép” (cá vùi tro); một số loại bánh được chế biến từ bột nếp, bột ngô mang những hương vị đặc trưng riêng. Rượu cần, rượu nếp, rượu ngô... của người Lự có mùi thơm, nồng, không quá cay, rất dễ uống. Trong các dịp lễ hội, người Lự thường mời nhau uống rượu để thể hiện sự hiếu khách, sự gần gũi, quý mến.
Người Lự ở Sìn Hồ còn lưu giữ nhiều loại hình văn hóa phi vật thể khác như các lễ hội, kiến trúc, nghề truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian... Các lễ hội của người Lự thường diễn ra vào những dịp quan trọng trong năm. Đồng bào dân tộc Lự còn bảo tồn các tín ngưỡng, nghi lễ trong thờ thần Rừng. Tiêu biểu là Lễ cúng rừng được tổ chức vào tháng 3 và tháng 6 âm lịch để cầu mong các vị thần linh che chở cho bản làng, nhà nhà được ấm no, vật nuôi phát triển. Lễ hội là dịp để người Lự thể hiện tình cảm, lòng biết ơn, sự tôn kính đối với tổ tiên, thần linh, thiên nhiên...
Khi đến các bản của đồng bào dân tộc Lự, ở huyện Sìn Hồ hình ảnh ấn tượng là con đường chính dẫn vào các bản cũng như đến các gia đình đều được đổ bê tông sạch sẽ, nhiều loại cây xanh, cây ăn quả được trồng trong vườn. Các gia đình đồng bào dân tộc Lự sống tập trung. Nhà sàn của người Lự ở Sìn Hồ có mái thoải và hiên kéo dài, đặc biệt chỉ có một cầu thang lên xuống, hướng cầu thang lên nhà được làm từ phía sau nhà với mục đích tránh gió độc và tà ma vào nhà.
Cuộc sống thường nhật của người Lự ở các xã vùng thấp Sìn Hồ gắn liền với canh tác nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô nhỏ. Ngoài thời gian lao động sản xuất, những lúc nông nhàn phụ nữ dân tộc Lự thường quây quần thêu thùa, dệt vải. Hầu hết các gia đình người Lự ở Sìn Hồ đều có khung dệt vải và các công cụ xe sợi, quay sợi... Người con gái dân tộc Lự trước khi lấy chồng phải thành thạo việc thêu thùa, dệt vải để tự may đồ cho mọi người trong gia đình. Bên cạnh nghề dệt gắn với người phụ nữ, đối với nam giới có nghề mộc, rèn, đan lát các đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, mỗi vật dụng đan lát đều rất đẹp, tinh xảo như giỏ đựng đồ, hom bắt cá…
Tục nhuộm răng đen hiện chỉ còn ở phụ nữ lớn tuổi, lớp trẻ rất ít người nhuộm răng đen.
Một nét riêng đối với phụ nữ dân tộc Lự trong việc làm đẹp là tục nhuộm răng đen, điểm thêm một - hai chiếc răng bằng vàng giả. Trước đây, người Lự quy định con gái từ 13-14 tuổi trở lên đều phải nhuộm răng đen với ý nghĩa làm cho răng chắc và thể hiện nét đẹp của người con gái.
Văn hóa của dân tộc Lự ở huyện Sìn Hồ có bề dày truyền thống, hiện chính quyền huyện cùng các sở, ngành đang tập trung bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống này làm nền tảng phục vụ việc phát triển kinh tế xã hội tại các xã, bản có người Lự sinh sống.
Mạnh Hùng
Bình luận