Thứ hai, 07/10/2024, 08:51 [GMT+7]

“Kỳ tích” ở bản Sin Suối Hồ

Thứ ba, 28/03/2023 - 09:53'
Từng là “điểm nóng” của thuốc phiện, nghiện rượu, lạc hậu, nghèo đói, ô nhiễm, bệnh tật, tệ nạn xã hội... sau hai thập kỷ, bản Sin Suối Hồ lột xác, trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch cộng đồng.

Làm nên kỳ tích ấy là những con người rất đỗi bình dị. Đơn giản họ dám nghĩ, dám làm vì cộng đồng, biết đặt quyền lợi tập thể lên trên lợi ích cá nhân mình.

Quá khổ rồi, từ bỏ thuốc phiện thôi

Đó là lời nói từ tâm can của Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ (thuộc xã biên giới Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) mỗi khi ai đó nhắc tới hai từ “thuốc phiện”.

Tọa lạc trên vùng núi cao hẻo lánh, bản Sin Suối Hồ từng được ví von là "hang ổ" về thuốc phiện. Nhà nhà trồng, người người hút. Người cao tuổi già yếu không tự pha chế được thì nhờ con cháu giúp. Lớp trẻ cứ thử miết thành quen, rồi thành con nghiện, thậm chí đứa bé còn trong bụng mẹ cũng nhiễm mùi khói thuốc độc hại này.

Từ nghiện ngập mà sinh ra lười nhác, nghèo đói, khổ cực. Nghèo đến nỗi không có nổi bát cơm để ăn, manh áo để mặc. Tại nghèo mà tinh thần sa sút, gia đình túng quẫn, rồi sinh ra ốm đau, bệnh tật, rồi cúng bái, mê tín dị đoan.  

Thời điểm đó, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đóng quân trên địa bàn tham mưu tích cực cho các cấp chính quyền triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trước mắt phải xóa bỏ bằng được cây thuốc phiện; lập lại an ninh trật tự; chăm sóc sức khỏe cộng đồng; bảo đảm vệ sinh công cộng; cấp vốn cho các hộ trồng rừng; phát triển kinh tế địa phương... khi nghe cán bộ phân tích từng đầu việc một cách thấu tình, đạt lý thì nhân dân nghe theo, trong đó có Vàng A Chỉnh, một thanh niên người Mông tâm huyết, có trách nhiệm vì cộng đồng.

Thấy trong bản làm rất gắt gao, một số đối tượng trốn trong rừng sâu dựng lán trồng cây thuốc phiện. Từng chứng kiến nỗi cơ hàn của người dân khi mắc vào làn khói thuốc ma mị ấy, Vàng A Chỉnh với tư cách là công an viên của xã (năm 2004) tìm tới già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc để khuyên can người thân đoạn tuyệt với thuốc phiện. Đồng thời quyết tâm vào rừng truy tìm dấu vết, kiên quyết triệt phá tận gốc những nơi đang trồng loại cây này.

Bị săn lùng ráo riết, các đối tượng xấu xúi giục, lôi kéo những người nhẹ dạ, nhằm chia rẽ nhân dân. Bỏ ngoài tai mọi lời lẽ thóa mạ, châm chọc, Vàng A Chỉnh kiên trì đi từng ngõ, gõ từng nhà thuyết phục người dân bỏ rượu: Rượu như con ma rừng, nó làm cơ thể mình lười biếng, đồng bào mình nghèo đi. Khi say, con ma men làm mờ hai con mắt, điếc hai lỗ tai thì sao nghe và thấy được.

Trưởng bản Vàng A Chỉnh giới thiệu về mô hình du lịch cộng đồng ở bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu). 


Trưởng bản Vàng A Chỉnh giới thiệu về mô hình du lịch cộng đồng ở bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu). 

Việc làm tốt của Vàng A Chỉnh được bà con hiểu ra và quý trọng. Già làng nói với dân bản “Thằng Vàng A Chỉnh nó nói đúng đấy, không lao động thì không có bát cơm để ăn đâu”. Từ đó, bản Sin Suối Hồ mới thực sự vắng hẳn cây thuốc phiện, thay vào đó là màu xanh của ngô, khoai, sắn, màu vàng của lúa chín trên những thửa ruộng bậc thang.  

Hiến “đất vàng” cho bản...

Thức giấc từ lúc ông mặt trời còn chưa dậy, bà con trong bản sửa soạn cơm nắm ăn đường để xuống chợ bán mớ rau, đàn gà, bao thóc hoặc vài thứ nông sản. Hôm nào gặp trời mưa giông, đường trơn, đi xuyên rừng đến chợ có khi gà đã chết từ lúc nào, ngô, thóc cũng ướt nhèm. Cảm thông sự nhọc nhằn ấy, trưởng bản Vàng A Chỉnh (từ năm 2012) hạ quyết tâm phải làm chợ cho bản của mình.

 Đem việc này nói với nhân dân thì bà con mừng lắm, chính quyền địa phương hoàn toàn ủng hộ. Nhưng lấy quỹ đất ở đâu ra? Chẳng suy nghĩ lâu, Vàng A Chỉnh bàn với gia đình quyết định “xắn” gần 1.000m2 đất của mình ở trung tâm bản Sin Suối Hồ hiến tặng. Nhiều người nói anh “quá dại” khi cho đi mảnh đất vàng đẹp nhất bản. 

Chợ khai trương, 54 gian hàng tượng trưng cho 54 dân tộc anh em thật ý nghĩa, nhưng lấy hàng hóa ở đâu ra mà bày đây. Chợt ý nghĩ lóe lên: Sao không vận động bà con mang đồ của gia đình ra trưng bày? Thấy mọi người ngạc nhiên, Vàng A Chỉnh giải thích: “Nhà mình có gì thì mang ra thứ đó, ví như bộ quần áo thường dùng, đôi giày vẫn đi, thậm chí có con dao đi rừng, cái gùi lên nương, cái cung, cái khèn... bày càng nhiều thì chợ càng thêm phong phú”. Đứng gần đó, người đàn ông trong bản chần chừ: “Mình còn mỗi con gà làm giống thôi, bày ra sợ người ta mua mất”, “Ồ, không sao đâu, cứ mang ra nhé”.

Chợ phiên hôm đó có văn nghệ, múa hát, rồi tổ chức các trò chơi dân gian. Kết thúc phiên chợ, mọi thứ mang ra trưng bày được khách mua hết, con gà giống cũng chẳng còn, người đàn ông có vẻ tiếc nuối, Vàng A Chỉnh đến vỗ vai động viên: “Khách đến nhiều phải vui cái bụng chứ”. Nói vậy nhưng anh vẫn rảo bước về bắt đàn gà con của mình cho vào chiếc lồng rồi đưa cho người đàn ông bảo mang về nuôi.

Đường vào bản lầy lội, gặp đúng hôm trời mưa, phân trâu, bò, lợn, gà, ngựa trộn lẫn bùn đất bốc mùi xú uế... bỗng có tiếng hỏi: “Trưởng bản à, khi nào thì có con đường tốt vào bản mình”. Vàng A Chỉnh về nhà mà lòng bộn bề suy nghĩ, đêm đó ánh trăng trên núi lúc tỏ, lúc mờ cũng theo vào giấc ngủ. Ngày trước, chỉ duy nhất con đường mòn cho ngựa đi, giờ có con ngựa sắt (ô tô) to đùng thì phải làm sao. Nếu như mỗi nhà cùng bỏ ra phần đất nhỏ của mình thì sẽ có con đường lớn khang trang hơn.

Anh bàn với các hộ dân, trình bày kế hoạch chi tiết, lên cả phương án đóng góp bao nhiêu tiền để mua cát, đá, sỏi... có ý kiến cho rằng chuyện đó không khả thi đâu. Vàng A Chỉnh khẳng định chắc nịch, nếu con đường không hoàn thành, anh sẽ bán ruộng, bán nương hoàn trả tiền cho bà con.

Thật may là số đông tán thành, lòng dân đồng thuận cùng hiến đất làm đường, chẳng bao lâu những con đường bê tông đẹp như dải lụa mềm chạy quanh bản. Anh vận động bà con nhốt thả gia súc, gia cầm vào khu vực chăn nuôi riêng để bảo đảm vệ sinh công cộng. Thấy Vàng A Chỉnh nghĩ được, làm được nên dân tin tưởng làm theo, một số người từng chống đối nhận ra cái lợi cũng tự giác thực hiện.

... đến làm du lịch cộng đồng

Tiếng suối chảy róc rách, mái nhà thâm trầm dưới tán cổ thụ, một cảm giác bình yên giữa đại ngàn. Nhấp chén trà ngon, Vàng A Chỉnh bộc bạch “chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm du lịch cộng đồng, có được như ngày hôm nay là do cơ duyên”.

“Cơ duyên” mà Vàng A Chỉnh nhắc tới chính là những “vị khách đầu tiên” đến bản. Đó không phải ai xa lạ, mà là những cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đóng quân trên địa bàn, những “thầy giáo, thầy thuốc quân hàm xanh” dạy cho dân cái chữ, chữa cho dân khỏi bệnh. Ngày đó, nơi đây hoang vu, hằng tuần các anh băng rừng đến cùng sinh hoạt, lao động, hướng dẫn bà con trồng những loại cây ăn quả, kết hợp trồng rừng, cải tạo môi trường xung quanh sạch đẹp, giữ gìn vệ sinh công cộng...

Cuộc sống bình yên trở lại, bản Sin Suối Hồ thực sự “thay da đổi thịt” thì nhiều người tìm đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi non trùng điệp. Những thửa ruộng bậc thang như dát vàng mùa lúa chín, những vườn đào thắm đỏ đón Tết, hay sắc trắng tinh khôi của hoa mận, hoa lê gọi mùa xuân về. Tiếng lành đồn xa, khách du lịch đến mỗi ngày một đông, không chỉ trong nước mà còn có cả khách quốc tế. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu về địa phương khảo sát, đến năm 2015 thì tỉnh Lai Châu công nhận bản Sin Suối Hồ là điểm du lịch cộng đồng.

Ngạn ngữ người Mông có câu “Một đoạn củi nấu không chín một nồi cơm/ Một sợi lanh không dệt nên một tấm vải”. Khi bản Sin Suối Hồ nhận tin vui, trưởng bản Vàng A Chỉnh vận động các hộ gia đình cho con em mình về Hà Nội học nghề, kinh phí tự túc. Thoạt nghe các cụm từ như: Quản lý, điều hành nhà hàng, khách sạn, hướng dẫn viên du lịch, phiên dịch, nhân viên lễ tân, nhân viên phục vụ bàn, buồng, bếp, nấu ăn... cứ nghĩ ở đâu xa lắm, không ngờ người dân trong bản lại đón nhận sự chuyên nghiệp này với tâm thế hào hứng và phấn khởi.

Để kiểm chứng lời của trưởng bản, tôi ghé vào một nhà gần đó hỏi đường. Chang A Hạ, tên người đàn ông đang cặm cụi chăm sóc vườn lan, thấy có khách thì ngừng tay, rồi nhiệt tình chỉ dẫn, như thể sợ mình sẽ lạc giữa miền thiên nhiên kỳ vĩ này.

Các địa danh bản Sin Suối Hồ lần lượt được định vị theo hướng tay của Chang A Hạ: Phía trước là cối giã gạo nước này; kia là khu tình yêu đích thực người Mông; tiếp đến khu vườn địa lan; khu giã bánh giầy; nhà tổ ong; nơi bí quyết tỏ tình người Mông; bức tường 300 năm... một cách lưu loát. Không ai nghĩ Chang A Hạ từng là một “con nghiện” thuốc phiện nặng nhất bản, đến nỗi phải đưa lên Trung tâm điều trị cai nghiện bắt buộc tỉnh Lai Châu.

Bản Sin Suối Hồ hiện có 148 hộ dân, 763 nhân khẩu. Cả bản cùng cam kết thực hiện 5 không: Không thuốc phiện; không uống rượu, không thuốc lá, không cờ bạc và không xả rác. Ngoài mô hình homestay còn có những mô hình rất ấn tượng khác như: Nhà tổ chim, nhà tổ ong... Cũng vì sự đổi mới, sáng tạo không ngừng, bản Sin Suối Hồ được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh “Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu năm 2019”. Đặc biệt, trong dịp đầu xuân vừa qua, điểm bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ được tôn vinh ở “Giải thưởng Du lịch ASEAN 2023” diễn ra tại Indonesia.

Nói về tiềm năng du lịch của địa phương, đồng chí Chẻo Quẩy Hòa, Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ nhận định: “Bản Sin Suối Hồ nói riêng, xã Sin Suối Hồ nói chung sẽ là điểm đến hấp dẫn nơi địa đầu Tây Bắc. Góp phần vào thành công đó có Trưởng bản Vàng A Chỉnh, một trong những nhân tố tích cực “mở đường” cho phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương”.

Với những thành tích xuất sắc, Vàng A Chỉnh đã vinh dự được đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, anh còn được trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành, đồng thời là người có uy tín trong đồng bào dân tộc Mông.

Cập nhật /Thứ năm, 23/03/2023 - 08:33 / Bài và ảnh: PHÙNG MINH/https://www.qdnd.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn
Bố trí dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy, huyện Tam Đường đang đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án từ...
Vì sự nghiệp “trồng người”
19 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao, từ lòng yêu nghề và năng lực chuyên môn vững, cô giáo Phùng Thuý Phương - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam...