Than Uyên: Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc gắn với phát triển du lịch
Chính vì vậy công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch đã được Đảng bộ, chính quyền huyện Than Uyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành 69 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện. Việc quán triệt, học tập, tuyên truyền Nghị quyết số 33-NQ/TW và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 được tiến hành nghiêm túc, kịp thời bằng hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với thực tiễn của huyện, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, Nhân dân về những nội dung cơ bản, cốt lõi, những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về văn hóa, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện.
Các hoạt động văn hóa dân gian được lưu truyền trong các trường học ở Than Uyên.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện đã đạt được một số kết quả quan trọng: Hàng năm huyện đã và đang duy trì chương trình chào năm mới, 02 lễ hội Lễ hội đầu năm: Xòe Chiêng và Lễ hội Lùng Tùng (xuống đồng dân tộc Thái xã Mường Cang); tổ chức phục dựng và duy trì 04 Lễ hội (Lễ hội Hạn Khuống dân tộc Thái đen xã Mường Mít; Kin Pang của dân tộc Thái đen xã Tà Hừa; Lễ hội mừng cơm mới của dân tộc Khơ Mú; Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông) và 02 chợ phiên (chợ phiên bản Nậm Pắt xã Tà Mung và chợ đêm Ta Gia); duy trì và thành lập mới 8 Câu lạc bộ đàn tính hát then dân tộc Thái tại các xã; 01câu lạc bộ dân ca Khơ Mú cấp xã; 01 Câu lạc bộ Văn hóa nghệ thuật của Thị trấn; phục dựng và duy trì 04 không gian văn hóa dân tộc Thái, Mông, Dao, Khơ mú tại sân vận động Trung tâm huyện; duy trì 08 Ban vận động thực hiện nếp sống văn hóa mới trong đồng bào dân tộc Mông; thành lập 04 Tổ vận động Bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc Thái, Mông, Dao, Khơ Mú; tiếp tục tuyên truyền thực hiện việc giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa, dân gian dân tộc Mông tại 21 bản có dân tộc Mông trên địa bàn huyện...vv. Hình thành các sản phẩm du lịch văn hóa phục vụ nhu cầu của du khách đến tham quan và trải nghiệm.
Việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong trường học được đẩy mạnh, thực hiện lồng ghép vào các hoạt động giáo dục cho học sinh toàn huyện. 27 trường học xây dựng không gian văn hóa, các câu lạc bộ bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc như khâu thêu, dân ca dân vũ, múa, thổi khèn, nhẩy sạp, các môn thể thao dân tộc đã được hình thành và duy trì trong các trường học. 131 bản, khu dân cư thành lập đội văn nghệ và thường xuyên duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Hoạt động văn nghệ tại phố đi bộ 15/10 được huyện duy trì đều đặn vào các ngày cuối tuần, đã thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương tới tham gia giao lưu. Các hoạt động mừng Tết độc lập (2/9) và Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc được duy trì thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài huyện tham dự. Đặc biệt từ năm 2024, được sự quan tâm của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã cho phép nâng quy mô tổ chức sự kiện mừng Tết độc lập lên quy mô cấp tỉnh. Công tác xây dựng các điểm du lịch gắn với bảo tồn văn hóa của các dân tộc trên địa bàn đã được quan tâm thực hiện, qua đó, bước đầu hình thành một số điểm du lịch cộng đồng như: Du lịch cộng đồng dân tộc Mông Bản Huổi Bắc, xã Pha Mu; Chợ phiên bản Nậm Pắt, xã Tà Mung; Chợ đêm Ta Gia, xã Ta Gia; du lịch cộng đồng bản Thẳm Phé, xã Mường Kim; Du lịch cộng đồng dân tộc Thái khu 9 (bản Khiêng), thị trấn Than Uyên. Ngoài ra, còn hình thành một số điểm du lòng hồ như Làng cá Thẳm Phé gắn với điểm du lịch cộng đồng bản Thẳm Phé, xã Mường Kim, tạo liên kết tuyến du lịch, trải nghiệm lòng hồ từ Thẳm Phé đến Vịnh Pá Khôm, xã Pha Mu và ngược lại. Hằng năm, đã thu hút hàng vạn lượt du khách đến thăm và trải nghiệm. Riêng năm 2023 toàn huyện đã đón 238.000 lượt khách đến Than Uyên, trong đó khách lưu trú là 39.383 lượt (khách nội địa 38.899 lượt; khách Quốc tế 484 lượt), góp phần không nhỏ vào nguồn thu ngân sách của huyện.
Việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với du lịch trên địa bàn huyện đang dần đi vào chiều sâu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Góp phần quảng bá hình ảnh quê hương và con người Than Uyên đến với công chúng và du khách thập phương.
K.K
Bình luận