Thứ bảy, 05/10/2024, 09:40 [GMT+7]

Đi tìm “sự thật” cho 3,8 tấn thóc giả

Thứ hai, 13/05/2024 - 16:42'
(BLC) - Tháng 4/2024, lực lượng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) bóc gỡ thành công vụ án về sản xuất, kinh doanh 3,8 tấn thóc giống giả. Đây là vụ việc chưa có tiền lệ trong cả nước cũng như trong tỉnh.

3,8 tấn thóc giống giả và nguồn lợi bất chính hàng trăm triệu đồng

Trước tiên chúng tôi phải khẳng định nghiệp vụ sắc bén của các điều tra viên trong giải quyết vụ án trên, đồng thời cũng thay lời bà con nông dân trong tỉnh cảm ơn lực lượng cảnh sát kinh tế đã ngăn chặn kịp thời việc đưa lượng thóc giống giả ra thị trường và xuống đồng ruộng để tránh những thất bát mùa màng cho nhà nông. Bởi nếu không có vụ án này, 3,8 tấn thóc giống đưa xuống đồng ruộng, thì vụ sản xuất năm nay có chắc mang đến những mùa vàng ấm no?

Trung tá Nguyễn Tiên Phong - Phó phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) chia sẻ: "Nhờ nguồn tin từ quần chúng nhân dân cung cấp, lực lượng công an đã vào cuộc điều tra xác minh. Sau những tháng ngày ngược xuôi xuống các tỉnh Đông Bắc rồi vào tận Sài Gòn để thực hiện các biện pháp điều tra, nắm bắt tình hình; nghiên cứu, tìm hiểu và tham vấn nhiều cơ quan chuyên môn; xâu chuỗi các tình tiết sự kiện… cuối cùng vụ án cũng đã được hé mở.

1

Hệ thống máy móc vừa được đối tượng Dương Ngọc Duy đầu tư nhằm mục đích phục vụ cho việc sản xuất thóc giống giả tiêu thụ kiếm lời.

Theo thông tin từ các điều tra viên, đối tượng phạm tội là Dương Ngọc Duy (sinh năm 1986, trú tại tổ Tân Mai, phường Đa Mai, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), từng là nhân viên marketing cho Công ty Cổ phần Giống cây trồng Bắc Giang. Đối tượng là người rất am hiểu các kiến thức về nông nghiệp và giống cây trồng; đã nhiều năm làm việc, kinh doanh thị trường trong lĩnh vực giống vật tư nông nghiệp, thông thạo thị trường và có niềm tin với các cửa hàng, đại lý phân phối giống vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời lợi dụng việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Lai Châu còn nhiều hạn chế như: nhập hàng của tổ chức, cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp không đúng; có giá nhập rẻ hơn giá nhà cung cấp hoặc nhà phân phối chính hãng. Quá trình nhập hàng không yêu cầu thông tin về hợp đồng, hóa đơn chứng từ mua bán lô giống, không có hồ sơ chất lượng lô giống (kèm theo) cũng như các quyết định được phép lưu hành cây giống… Để Duy đưa thóc giống giả và thị trường Lai Châu.

Cuối năm 2023, do làm ăn thua lỗ nên Dương Ngọc Duy đã nảy sinh ý định sản xuất làm giả lúa giống lai có giá bán cao trên thị trường để bán kiếm lời. Để thực hiện được hành vi trên Duy đã dùng phương thức, thủ đoạn mua thóc trong nước với giá 18.000 đồng/kg, sau đó lên mạng đặt làm giả bao bì, nhãn mác giống lúa lai đang được bán trên thị trường có giá 140.000 đồng/kg. Sau đó Duy sử dụng các công cụ phương tiện, máy móc thiết bị như máy trộn bê tông, máy hàn miệng túi, máy in date cầm tay, cân đồng hồ, thuốc xử lý hạt giống, máy khâu vỏ bao và thuê người đóng bao rồi trực tiếp chở đi tiêu thụ. Với thủ đoạn trên Dương Ngọc Duy đã bán tại thị trường Lai Châu được 3,8 tấn thóc giống giả và đã thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.

2

Cán bộ điều tra thu thập, xác minh chứng cứ ở nhiều nơi phục vụ cho công tác điều tra vụ án.

Trung tá Nguyễn Tiên Phong kể: Để điều tra rõ tính chất, mức độ và cách thức, đường đi nước bước của đối tượng, anh em cán bộ trinh sát phải nghiên cứu, tìm hiểu, tự tìm tòi kiến thức liên quan đến đặc điểm giống lúa và kiến thức nông học. Thậm chí còn mời các chuyên gia về nông nghiệp để tham vấn ý kiến trước khi ra quyết định cuối cùng. Còn Thiếu tá Nguyễn Văn Kha – điều tra viên tham gia trực tiếp vụ án nhớ lại: Đối tượng đã móc nối với đơn vị sản xuất bao bì, nhãn mác để đựng sản phẩm tận các tỉnh miền Nam nên anh em muốn xác minh, điều tra phải đi quãng đường rất xa. Đối tượng cũng đã chuẩn bị nhiều phương tiện, máy móc để sản xuất nhiều loại giống khác nhau nhưng ngay khi sản xuất vụ đầu tiên thì bị lực lượng Công an Lai Châu bắt giữ. Rất may phần lớn lượng thóc bán ra thị trường đã được thu hồi trước khi bà con nông dân đưa vào gieo cấy.  

Nông dân thận trọng, cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát

Cũng theo những lời trăn trở của Thiếu tá Nguyễn Văn Kha, bà con nông dân chân lấm tay bùn quanh năm, chi phí cho mỗi mùa vụ rất lớn nhưng thu về chẳng được bao nhiêu. 140.000 đồng/kg thóc giống mà khi đưa xuống đồng ruộng nếu không cho thu hoạch hoặc thu hoạch với năng suất thấp thì thiệt hại đối với nhà nông là không nhỏ.

Để củng cố niềm tin đối với bà con nông dân cũng như “làm sạch” thị trường giống nông nghiệp, theo Trung tá Nguyễn Tiên Phong, ngoài sự nỗ lực của lực lượng công an cũng rất cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan khác như: lực lượng Quản lý thị trường trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát hàng hóa đối với giống cây trồng được sản xuất, buôn bán, lưu thông trên thị trường. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đối tượng Dương Ngọc Duy phải trả giá trước hành vi phạm tội của mình.

Lực lượng công an cũng khuyến cáo tới nhân dân cũng như bà con nông dân hãy nâng cao ý thức trong việc mua bán, tiêu dùng hàng hóa nói chung theo đúng các quy định của pháp luật. Tránh việc vô tình hay cố ý tiếp tay cho tội phạm buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Cụ thể có những dấu hiệu để nhận biết như: các mặt hàng làm giả, làm nhái, kém chất lượng thường không có địa chỉ chính xác, các trang web không hoạt động hoặc không có tương tác với khách hàng và các đại lý phân phối. Số điện thoại của đường dây nóng thường không có thực hoặc luôn trong tình trạng thuê bao không liên hệ được. Các sản phẩm dù có mã số, mã vạch nhưng khi truy cập không thể hiện được xuất xứ hàng hóa hoặc là nguồn gốc hàng hóa khác do bị copy từ những mã số, mã vạch của những nhóm hàng khác tương tự. Hàng giả, hàng nhái, hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng cấm cũng rất khó tạo ra mã số xác thực điện tử do phần mềm được quản lý rất chặt chẽ khi tiếp nhận thông tin của các sản phẩm đăng ký bảo vệ.

4

Cơ quan chức năng khuyến cáo bà con nông dân nên thận trọng khi mua các loại thóc giống không đầy đủ nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ.

Khi mua các sản phẩm vật tư nông nghiệp, nhà nông cũng cần kiểm tra nhanh thông tin liên hệ của nhà sản xuất trên vỏ hộp hàng hóa, nhất là các thông tin qua web, số điện thoại đường dây nóng, thông tin hoạt động của doanh nghiệp trên trang tra cứu công khai của cơ quan thuế, quản lý thị trường hay Cục sở hữu trí tuệ. Chủ động áp dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc hàng hóa, trong đó công nghệ QR Code (Mã phản hồi nhanh) được coi là giải pháp hiệu quả giúp nhà sản xuất bảo vệ thương hiệu, quản lý lưu thông hàng hóa; giúp người tiêu dùng nắm rõ hơn thông tin về sản phẩm hàng hóa trên thị trường áp dụng xác thực điện tử Icheck- Giải pháp kiểm tra sản phẩm chính hãng để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng hóa không rõ nguồn gốc. Đăng ký sử dụng miễn phí dịch vụ xác thực điện tử của Icheck tại địa chỉ: www.ICheck.vn/register.

Trong khi mua, bán hàng hóa nếu phát hiện thấy có những dấu hiệu bất thường hay nghi ngờ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hay xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng cần chủ động thông tin, tố giác các hành vi có dấu hiệu vi phạm đến các cơ quan chức năng để kịp thời xác minh, xử lý theo đúng các quy định của pháp luật.

Quá trình điều tra, đối tượng dù có ý thức hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ vụ án và đã nhận ra tác hại, hậu quả nghiêm trọng của việc mình làm, song tất cả đều đã quá muộn. Sự trừng phạt thích đáng dành cho Dương Ngọc Duy đã cảnh tỉnh nhiều người, qua đó các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp để bảo vệ quyền lợi nhà nông.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn
Bố trí dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy, huyện Tam Đường đang đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án từ...
Vì sự nghiệp “trồng người”
19 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao, từ lòng yêu nghề và năng lực chuyên môn vững, cô giáo Phùng Thuý Phương - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam...