Thứ năm, 12/09/2024, 03:39 [GMT+7]

Bấp bênh nghề trồng hoa

Thứ sáu, 01/03/2024 - 14:47'
Hiện nay, thành phố Lai Châu có 81,05ha hoa hồng, tập trung ở các xã: San Thàng, Sùng Phài và phường Đông Phong, Quyết Thắng. Tuy nhiên do cung vượt cầu, sức mua giảm, người trồng hoa gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đến các vườn hoa ở khu vực bản San Thàng (xã San Thàng) những ngày này, không khí lao động trầm lắng. Chúng tôi gặp anh Trần Văn Tính đang chăm sóc hoa hồng, vẻ buồn phiền lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt. Nghề trồng hoa vốn cực nhọc không chỉ đòi hỏi ở sự chăm chỉ còn cần đảm bảo kỹ thuật chăm sóc đến xuống giống đúng thời vụ mới cho ra những lứa hoa như ý. Không những vậy, những yếu tố khách quan như: thời tiết, sâu bệnh dễ mất trắng. Vất vả là vậy nhưng thu nhập từ trồng hoa giờ đây rất bấp bênh.
Anh Tính tâm sự: Gia đình tôi gắn bó với nghề trồng hoa hồng đến nay đã 5 năm. Những năm trước giá hoa cao, năm 2023, kinh tế khó khăn, các tiểu thương đến vườn thu mua ít, giá bán giảm mạnh, có thời điểm chỉ vài trăm đồng/bông. Trong khi đó, 1,6ha hoa hồng đỏ, hồng ớt tôi mua lại của hộ dân khác khi cây đã cho thu hoạch nhiều năm, khả năng sinh trưởng chậm. Nhất là năm qua ảnh hưởng của nắng nóng, sương muối, chỉ thu hoạch đều từ tháng 1 - 9, từ tháng 10 âm lịch trở ra rất ít hoa. Hơn nữa, tiền thuê ruộng của người dân bản xứ cũng đã hơn 100 triệu đồng/năm. Với tình hình này, gia đình tôi khó có thể tiếp tục gắn bó với nghề trồng hoa.

Nhà vườn tại xã San Thàng chăm sóc hoa hồng.

Với kinh nghiệm sẵn có, anh Nguyễn Văn Hùng từ Vĩnh Phúc lên Lai Châu thuê đất trồng 1,7ha hoa hồng, chi phí đầu tư hằng năm tới hàng trăm triệu đồng (nhân công và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) nhưng năm 2023 khó khăn về đầu ra và chất lượng hoa thấp mặc dù đã rất chú trọng khâu chăm sóc. Cùng với đó phải duy trì thuê từ 4 - 5 lao động chăm sóc vườn. Anh Hùng chia sẻ: Nếu duy trì nghề, phải bỏ toàn bộ diện tích hoa hiện nay để thay cây giống mới, tôi dự tính sẽ không trồng hoa nữa.
Theo các nhà vườn, trồng hoa từng cho thu nhập cao, nhưng mấy năm gần đây mưa nhiều, ảnh hưởng của dịch bệnh, trong khi từ cuối năm 2022 số hộ đầu tư trồng hoa tăng, hoa chủ yếu xuất cho các tiểu thương khu vực Hà Nội khiến cung vượt cầu. Không chỉ vậy, những người thuê đất trồng hoa khu vực bản San Thàng từ tỉnh miền xuôi lên chưa tìm hiểu kỹ về đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng; các vườn đều trồng cùng giống hoa. Do đó, tại bản San Thàng có khoảng 40 hộ thuê đất trồng hoa thì vừa qua 70% trong số đó thất thu. Và, đầu năm 2024, đã có nhiều hộ chuyển từ bản San Thàng vào huyện Sìn Hồ hoặc thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) trồng hoa.
Anh Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND xã San Thàng cho biết: Tỉnh không khuyến khích mở rộng diện tích trồng hoa hồng trên địa bàn thành phố do một số yếu tố liên quan đến môi trường. Đối với diện tích đã trồng, xã có thống kê và ban hành công văn đôn đốc người dân sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu làm sao đảm bảo đúng quy định. Cây hoa hồng trên địa bàn xã không nằm trong diện hỗ trợ, khi gặp các vấn đề về việc trượt giá, mất mùa sẽ gây khó khăn cho nông hộ.
Thiết nghĩ, để có nguồn thu bền vững, người trồng hoa cần khảo sát kỹ trước khi thực hiện trồng và nhanh nhạy trước sự chuyển biến của thị trường, tránh trồng tự phát gây thiệt hại về kinh tế.

Ngọc Bảo

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nguy cơ cao sạt lở tại bản tái định cư Nậm Manh
Đứt gãy đường vào bản, nước phun lên giữa nhà vào những ngày mưa to, nứt chân tà-luy âm là những hiện tượng đã và đang diễn ra với 36 hộ tại bản tái định cư Nậm Manh (xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn).
Nhiệt tình, trách nhiệm
Với tinh thần trách nhiệm, đức tính cần cù, chịu khó nghiên cứu, học hỏi, có tư duy và phương pháp làm việc khoa học, năng động, sáng tạo, chị Lò Thị Tán (33 tuổi), công chức văn hóa - xã hội xã...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.